Morphine giảm đau cho bệnh nhân ung thư, có cầu mới có cung

Ảnh cắt từ video của báo Lao Động_kiếm được thuốc morphine giảm đau cho bệnh nhân ung thư không phải là dễ

Hôm 22 Tháng Mười Hai, một video của báo Lao Động phản ảnh việc các hiệu thuốc Tây chung quanh bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội) bán thuốc morphine cho bệnh nhân ung thư với giá “cắt cổ”.

Trong video, một phóng viên Lao Động đã giả làm người nhà bệnh nhân ung thư tìm mua thuốc morphine, một loại thuốc giảm đau tức thời dành cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Nhân viên bảo vệ của bệnh viện K3 Tân Triều (nơi chuyên điều trị ung thư) đã bày phóng viên ra các hiệu thuốc Tây xung quanh bệnh viện.  

Các nhà thuốc đầu tiên đã từ chối, với lý do đây là thuốc cấm bán, chỉ được cấp phát trong bệnh viện. Một nhà thuốc bày cho phóng viên phải nói tên bác sĩ quen thì họ mới dám bán. Nhà thuốc cuối cùng có sẵn bán ngay không cần điều kiện với giá 100,000 đồng ($4) một ống tiêm, mua cả hộp cũng không bớt. Phóng viên đã so sánh với giá ống tiêm morphine của Bộ Y tế là 4,410 đồng ($0.19) và kết tội hiệu thuốc Tây này đã bán giá “cắt cổ”. 

Ảnh cắt từ video của báo Lao Động_giá chính thức chỉ hơn 4 ngàn đồng một ống tiêm morphine nhưng để mua được phải có giấy tờ chỉ định từ bệnh viện

Tuy nhiên, “có cầu” ắt “có cung”. Nếu hiểu được hoàn cảnh chữa trị của bệnh nhân ung thư Việt Nam sẽ thấy dù 100,000 đồng hay hơn nữa thì người nhà của họ cũng phải mua và mua được đã là may. 

Những cơn đau gây ra cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường rất kinh khủng, chỉ có thuốc morphine loại dán hoặc loại chích vào tĩnh mạch mới có thể làm giảm cơn đau của họ. Tuy nhiên, chỉ có bệnh nhân ung thư đang nằm trong bệnh viện mới nhận được morphine từ chỉ định của bác sĩ, nếu ở nhà thì vô phương. 

Hiện các bệnh viện chữa ung thư ở Hà Nội hay Sài Gòn có số lượng bệnh nhân rất đông, không đủ giường nằm và hiếm bệnh viện có khoa “Chăm sóc giảm nhẹ” dành cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Mặt khác, bệnh nhân ung thư Việt Nam giai đoạn cuối thường chọn cách chết tại nhà (do ý muốn hoặc để giảm chi phí lấy xác), nếu người nhà của họ không quen biết với bác sĩ thì chỉ có cách lùng kiếm “cầu may” ở các hiệu thuốc quanh bệnh viện.

Ảnh cắt từ video của báo Lao Động_khi bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cần phải chích hay dán morphine mới giảm đau được thì bao nhiêu người thân họ cũng phải mua

Tình trạng người nhà phải lùng kiếm thuốc đặc trị cho bệnh nhân ung thư không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà ở Sài Gòn cũng tương tự.  Các hiệu thuốc Tây quanh Bệnh viện Ung Bướu (3 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) chính là “cứu cánh” của người nhà bệnh nhân ung thư khi những loại thuốc đặc trị (kháng sinh, giảm đau, tăng sức đề kháng…) mà bác sĩ kê không tìm thấy trong bệnh viện (điều này thường xảy ra). Thậm chí có những loại thuốc mà bác sĩ “dặn nhỏ” người nhà bệnh nhân phải mua ở hiệu thuốc nào nữa!

Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), năm 2020 tỷ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (lên vị trí 90/185 quốc gia), từ 165,000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182,000 ca mới vào năm 2020, và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc, thứ hạng 50/185 quốc gia sau hai năm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: