Sài Gòn đề nghị được mở bệnh viện tư và thuê bác sĩ nước ngoài

Bệnh viện nhà nước Chấn Thương Chỉnh Hình chật chội chỉ có một con đường “độc đạo” để khám bệnh, chụp X-quang, chuyển bệnh nhân đi mổ cấp cứu và vận chuyển rác thải – Ảnh: Tuổi Trẻ

Sở Y tế TP.HCM vừa đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư cho mở nhiều bệnh viện tư, với lý do các bệnh viện đang hoạt động đã quá tải.

Theo Tuổi Trẻ, Sài Gòn hiện có 128 bệnh viện đang hoạt động (trong đó có 64 bệnh viện tư, nhiều hơn 16% so với bệnh viện công) và 6,438 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, với chỉ số giường bệnh là 42 giường/10,000 dân. Đây là tỷ lệ khác thấp so với các nước cùng khu vực.

Trang Nhịp Cầu Đầu Tư Tháng Năm 2022 so sánh tỷ lệ tư nhân đầu tư vào lãnh vực y tế giữa Việt Nam và các nước Châu Á chênh lệch từ 4 đến 5 lần. Không rõ dựa vào dữ kiện nào, trang Nhịp Cầu Đầu tư dự đoán dòng vốn tư nhân sẽ đổ vào y tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng cao.

Ngoài ra, Sở Y tế thành phố còn đề nghị được quyết định một số chính sách nhằm khuyến khích tư nhân tham gia phát triển thêm các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa kỹ thuật cao, đặc biệt ưu tiên cho các chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, thần kinh, mắt, tai mũi họng… với quy mô từ 300-500 giường/bệnh viện.

Đặc biệt, Sở Y tế kêu gọi tư nhân đầu tư cho đề án “Hình thành Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao”, xây dựng nhà dưỡng lão phức hợp có thể điều trị cho người già,  trung tâm phục hồi chức năng bằng công nghệ cao…. và gợi mở sẵn sàng chấp nhận phương án tư nhân bỏ vốn đầu tư để hình thành thêm các “cơ sở 2” của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập.

Bệnh viện tư nhân Đại học Y Dược mỗi ngày khám chữa bệnh hơn 10,000 lượt người, luôn có rất đông người chờ đợi, trong đó có rất nhiều bệnh nhân từ các tỉnh đến lấy số sớm từ lúc 3 giờ sáng – Ảnh: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn

Ngoài ra, Sở cũng đề đạt chính quyền thành phố có chính sách thu hút bác sĩ, y tá từ nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

Hiện nay, tình hình khám và chữa bệnh tại Sài Gòn ngày càng trở nên khó khăn vì tỷ lệ dân số mắc bệnh phải đến bệnh viện quá đông so với các nước khác. Một nhận định khá bi hài mô tả tình trạng này là “bệnh nhân đến bệnh viện khám bệnh đông ngay từ vòng… gởi xe bên ngoài”.

Chỉ cần điểm qua một vài con số người ta đã cảm thấy hãi hùng: Tại bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình (quận 5) một ngày phải đón 5,000 lượt bệnh nhân (trong khi số giường bệnh chỉ là 500). Con số bệnh nhân mà các bác sĩ tại bệnh viện Đại học Y Dược phải khám chữa bệnh nhiều gấp đôi (10,000 lượt mỗi ngày), trong đó có rất đông bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành, kể cả đến từ Campuchia.

Với tình trạng nhiều bệnh nhân như thế, đề nghị của Sở Y tế TP.HCM về việc mở rộng mạng lưới bệnh bệnh được nhiều chuyên gia y tế ủng hộ. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn nghi ngờ kế hoạch này sẽ không dễ dàng vì còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách mà chính quyền TP.HCM dù có muốn cũng không mở ra cho họ con đường đầu tư thông thoáng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: