Việt Nam: Những con số “đẹp như mơ” và chỉ “như mơ”

Sau đại dịch, du lịch vẫn là một trong những lãnh vực giảm mạnh nhu cầu tuyển dụng nhân sự – Ảnh: Dân Trí

Để đối phó với quy định chỉ tiêu tuyển sinh đại học (ĐH) của Bộ Giáo dục, nhiều trường ĐH công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm trên 90%-100%.

Sau “học bạ đẹp như mơ” của học sinh để thầy cô và nhà trường đạt thành tích của Phòng Giáo dục và Sở Giáo dục, giờ đến lượt các trường ĐH công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường đạt xấp xỉ 100%, cũng là tỷ lệ “đẹp như mơ”!

Công bố này nhằm đối phó với thông tư 10/2023 của Bộ Giáo dục, hiệu lực thi hành từ ngày 13 Tháng Sáu tới đây, quy định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH của các ngành không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề, nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng của lĩnh vực đó đạt dưới 80%!

Bộ muốn thì các trường… sẵn sàng chiều, thế là có trường ĐH công bố sinh viên có việc làm sau khi ra trường đạt 100% ở tất cả các ngành, như trường ĐH Giao thông Vận tải thành phố (Sài Gòn). Theo Tuổi TrẻDân Trí, trường này công bố 2,047 cựu sinh viên thuộc 14 ngành đều có việc làm, đạt tỷ lệ 100% (tỷ lệ sinh viên phản hồi khảo sát là 100%).

Cùng khối ĐH công lập, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố (Sài Gòn) công bố sinh viên sau một năm tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ 97.31% (bao gồm cả số chưa có việc làm vì phải học nâng cao) và chỉ có 1.73% đã xin việc nhưng chưa có việc làm (?!)

Trường ĐH Tài chính – Marketing có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm là 92.65% (trên tổng số 2,055 sinh viên có phản hồi); trường ĐH Công nghệ Thông tin (thuộc ĐH Quốc gia thành phố) công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm là 92.84% (trên tổng số 1,038 sinh viên có phản hồi); trường ĐH Kinh tế – Tài chính thành phố (Sài Gòn) có hơn 94% sinh viên có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp; trường ĐH Kiến trúc thành phố (Sài Gòn) cũng có 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm (?)

100% sinh viên các ngành ra trường năm 2022 của trường ĐH Giao thông Vận tải thành phố (Sài Gòn) đều có việc làm, tin nổi không? – Ảnh: Dân Trí

Ở khối các trường ĐH ngoài công lập, trường ĐH Hoa Sen công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp (năm 2021) có việc làm sau một năm của bốn khối ngành đều trên 94% (trong đó khối ngành III tỉ lệ 97.8%); trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học thành phố (Sài Gòn) cũng công bố hơn 94% sinh viên tốt nghiệp có việc làm (trong đó có ba ngành: kế toán, luật kinh tế, ngôn ngữ Trung Quốc đạt tỷ lệ 100%).

Theo Tuổi Trẻ ngày 5 Tháng Sáu 2023, giới chuyên viên cảnh báo tỷ lệ này có thể “ảo” vì nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường chạy xe ôm, phục vụ quán ăn cũng được tính là “có việc làm” và dẫn lời PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng, cựu hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm thành phố (Sài Gòn), nói rằng “Khi nào mà báo cáo việc làm có địa chỉ làm việc của từng sinh viên thì mới hy vọng có số liệu thực”!

Bên cạnh đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, cựu hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố (Sài Gòn), cho rằng: “Việc khảo sát tình hình việc làm của sinh viên các trường phần lớn “làm cho có”, chưa chặt chẽ, dẫn đến kết quả cuối cùng không thể hiện đầy đủ thông tin tin cậy.

Đặc biệt, số sinh viên được khảo sát hoặc phản hồi khảo sát luôn rất ít, từ đó đưa ra kết quả cho toàn khóa không thể chính xác. Thực tế, không ít sinh viên ra trường làm phục vụ quán cũng được tính là có việc làm”.

Sinh viên tham gia “Ngày hội sinh viên và doanh nghiệp – UIT JOB FAIR 2023”, do trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia thành phố) tổ chức – Ảnh: Tuổi Trẻ

Phân tích số liệu của Tuổi Trẻ cũng cho thấy tỷ lệ sinh viên đã tốt nghiệp phản hồi các báo cáo khảo sát của các trường ĐH rất thấp. Chẳng hạn, chỉ có 31% cựu sinh viên (1,038/3,341 cựu sinh viên) phản hồi khảo sát năm 2022 của trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia thành phố) và 18.7% cựu sinh viên (510/2,727) phản hồi khảo sát của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố (Sài Gòn).

Vì thế, TS. Hoàng Ngọc Vinh, cựu vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục), đề nghị: “Việc công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của các trường, nhưng Bộ phải có trách nhiệm kiểm chứng, không thể để các trường muốn nói sao cũng được.

Hơn nữa, bộ đã có quy định nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp sẽ không được tăng chỉ tiêu, do đó nếu không có sự kiểm chứng thì quy định này trở nên vô nghĩa. Có lẽ phải có giám sát bởi bên thứ ba và phải có chế tài nghiêm khắc nếu gian lận”.

Ông Thái Phương Triều, giám đốc công ty Talent, một đơn vị tuyển dụng người lao động cấp trung và cấp cao, khẳng định với Tuổi Trẻ: “Nếu muốn biết tình hình sinh viên ra trường có việc làm thế nào, hiện nay ra đường, chỉ cần gọi xe ôm công nghệ là rõ ngay, rất nhiều bạn tạm thời làm việc này chờ xin việc phù hợp ngành học.

Theo tôi, cách khảo sát các trường đang thực hiện hoàn toàn không ổn. Vì vậy, nếu Bộ Giáo dục dựa vào số liệu các trường công bố để quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường là không thực tế và chính xác, cần có đơn vị độc lập thực hiện việc này khoa học hơn”.

Sinh viên tại Sài Gòn đang tìm hiểu về cách viết CV xin việc – Ảnh: Dân Trí

Bạn đọc Dovantha chán nản: “Bây giờ các trường đại học cũng quảng cáo kinh doanh đâu thua gì doanh nghiệp, đầu vào thì tiếp thị rầm rộ còn đầu ra tự bươn chải. Thống kê thì không trung thực!”; còn bạn đọc Thoandoan hài hước: “Khi đi uống cà phê, ăn hủ tiếu, kêu xe ôm công nghệ… hãy lịch sự với họ nhé. Người lao động này đã tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp đại học đấy!”.

Dân Trí ngày 31 Tháng Năm vạch trần: “Trái ngược với những công bố trên, thực trạng sinh viên thất nghiệp đang khá phổ biến trên cả nước và đây là vấn đề nan giải nhiều năm nay. Tính riêng năm 2022, TP.HCM báo cáo 150,000 lao động mất việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì 83,000 người là lao động phổ thông và gần 46,000 nhân sự có trình độ đại học trở lên. Hiện nay rất nhiều sinh viên ra trường đang phải làm các việc trái ngành để mưu sinh, thậm chí đi làm công nhân, chạy xe ôm công nghệ…”.

Phóng sự của Dân Trí ngày 3 Tháng Sáu 2023 kể nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp ra trường rải cả trăm CV (hồ sơ xin việc) nhưng vẫn không có hồi đáp, ngay cả sinh viên tốt nghiệp loại giỏi như nam sinh viên N.H.L..

Em tốt nghiệp cử nhân loại giỏi tại một trường kinh tế tại Sài Gòn, sử dụng tiếng Anh thành thạo, thế mà… “Có công ty liên hệ, phỏng vấn và đưa ra mức lương… 2.9 triệu đồng/tháng, thêm vài trăm nghìn đồng trợ cấp. Em sốc quá, lương như vậy sao mình làm nổi”!

L. trải lòng, bản thân không phải là người “ảo lương”, biết lượng sức mình đến đâu và cũng biết rõ hiện tại không thể kén chọn hay đòi hỏi về lương, nhưng em cũng không hình dung nổi thực tế quá chua xót.

Trong khi chờ đợi có việc làm đúng với sở nguyện, các cô cậu tân cử nhân, kỹ sư… này đang phải buôn bán online, chạy xe ôm công nghệ, về quê phụ việc với gia đình, hoặc nản chí tìm đường đi lao động hợp tác ở ngoại quốc.

Theo báo cáo mới đây của Navigos Group, nhu cầu tuyển dụng lao động trong bốn tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với năm 2019 (trước dịch) và giảm 16% so với năm 2020 (sau dịch). Lãnh vực giảm sâu nhất vẫn là ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, lên đến 43%. Đáng lưu ý, nhu cầu tuyển dụng  công việc thời vụ/hợp đồng ngắn hạn giảm đến 63%, vị trí cho sinh viên mới tốt nghiệp giảm đến 49%; cấp quản lý điều hành giảm 20% và vị trí cho ngoại kiều, Việt kiều giảm 39%…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: