Gia đình nhạc sĩ Ngân Giang tố cáo tiền thu bản quyền ở VN “nhập nhèm”

Nhạc sĩ Ngân Giang với những tác phẩm nổi tiếng từ trước 1975, vẫn còn thu tiền được ở Việt Nam.

Mới đây, gia đình của nhạc sĩ Ngân Giang từ Mỹ đã đưa ra lá thư khiếu nại với trung tâm VCPMC, tức Trung tâm thu tiền tác quyền âm nhạc của các tác giả người Việt khắp nơi trên thế giới, tổng bộ đặt tại Hà Nội. Cùng với lá thư khiếu nại này của bà Trần Thơ Anna, vợ nhạc sĩ Ngân Giang, cũng có thư ngỏ của bà Lan Chi, con gái nhạc sĩ Ngân Giang đang ở Việt Nam, nói rằng tổ chức thu tiền tác quyền này “nhập nhèm” trong việc trả tiền.

Thư khiếu nại đề ngày 21 Tháng Sáu, còn  thư ngỏ của con gái nhạc sĩ Ngân Giang, bà Lan Chi, thì xuất hiện từ ngày 18 Tháng Bảy. Hiện nay, nội dung  tố cáo này tiếp tục gây xôn xao như đã từng có, với các trường hợp của nhạc sĩ Nam Lộc (Mỹ),  nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm (Úc)…

Bà Trần Thơ Anna kể rằng, năm 2014, gia đình bà về Việt Nam và được giới thiệu tới Trung tâm Bảo vệ quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC). “Chúng tôi đã rất vui mừng và tin tưởng ủy quyền các tác phẩm âm nhạc của cha tôi cho VCPMC”, bà Anna tâm tình.

Trong 8 năm ký hợp đồng (từ 12/2/2014 đến 8/3/2022), gia đình bà Anna ở Mỹ nên ít có điều kiện làm việc trực tiếp với VCPMC. Trung tâm này cử một nhân viên nữ ở khu vực phía Nam chuyển tiền tác quyền cho gia đình. Vì tin tưởng trung tâm nên gia đình chưa bao giờ thắc mắc về khoản tiền đã nhận.

Sau khi kết thúc hợp đồng, gia đình bà mới nhận thấy cách làm việc “có vấn đề” của VCPMC. Theo hợp đồng, mỗi lần thanh toán tiền, VCPMC có trách nhiệm gửi kèm bản đối soát chi tiết, nhưng gia đình bà chưa nhận được bản đối soát bao giờ.

Theo bà Lan Chi, trong 8 năm hợp tác, nữ nhân viên của VCPMC thanh toán tổng cộng 6 lần tiền tác quyền cho gia đình bà. Mới đây, gia đình yêu cầu VCPMC gửi bảng đối soát chi tiết. So sánh bảng đối soát này với 6 lần tiền nữ nhân viên nói trên trả, gia đình nhận thấy, nữ nhân viên này trả gia đình thiếu hơn 118 triệu VNĐ (khoảng $5,000).

Tò mò về chuyện này, gia đình bà Trần Thơ Anna có tìm hiểu với các gia đình nhạc sĩ bạn. Một số người đã cho bà Lan Chi xem đối soát doanh thu của họ với VCPMC. Từ đó bà tìm ra một chi tiết là có một nơi sử dụng ba ca khúc của nhạc sĩ Ngân Giang, và đã thanh toán đầy đủ tiền tác quyền cho VCPMC. Nhưng khi thanh toán cho gia đình nhạc sĩ Ngân Giang, VCPMC chỉ kê khai hai ca khúc mà thôi.

“Nếu mỗi lần thanh toán tiền cho các nhạc sĩ VCPMC cũng kê khai thiếu sót thế này, thì số tiền sẽ lớn tới mức nào?”, bà Lan Chi đặt câu hỏi, không chỉ riêng về phần người cha quá cố của bà, mà còn cho nhiều nhạc sĩ khác đang ủy quyền cho VCPMC.

Bà Lan Chi cung cấp một chi tiết đáng chú ý, là với sự cầu thị, thư đi tin lại hơn một tháng với VCPMC, gia đình bà vẫn không nhận được một câu trả lời minh bạch và giải thích rõ ràng về vấn đề bà nêu ra. “Thay vì tích cực giải quyết, nhân viên trung tâm này giải thích lòng vòng, né tránh”, bà Lan Chi kể. Bà cũng cho biết gia đình đã gửi thư cho Tổng Giám đốc VCPMC là ông Đinh Trung Cẩn, nhưng cho đến nay vẫn không nhận được hồi âm. Và đó chính là lý do khiến gia đình đồng ý đưa vấn đề này ra công luận để nhờ yểm trợ.

“Vấn đề tác quyền âm nhạc ở Việt Nam vẫn là một trong những câu chuyện gây tranh cãi về quyền hạn và sự minh bạch của tổ chức VCPMC, đặc biệt sau khi có tin rằng VCPMC đang xuất hiện nhiều công ty con để tạo sự nhập nhằng trong làm ăn, cũng như nối kết chặt chẽ với một số người làm việc về truyền thông ở Mỹ, thông qua đó vận động ký hợp đồng và giúp giải quyết những vấn đề nảy sinh”, một người làm trong hệ thống sở hữu trí tuệ ở Sài Gòn, giấu tên, nói.

Không chỉ những nhạc sĩ ở hải ngoại gặp những rắc rối với vấn đề thu tiền ở Việt Nam bởi cách trở địa lý và những định kiến chính trị, ngay cả giới nghệ sĩ nhà nước cũng từng có phản ứng dữ dội, thậm chí tuyên bố là không cho phép Trung tâm VCPMC thu tiền thay cho họ. Đó là những trường hợp như của nhạc sĩ Từ Huy, nhạc sĩ Phú Quang…

Những phản ứng dai dẳng và trực diện như vậy rồi cũng chìm dần theo sự qua đời của các nhạc sĩ này. Gần nhất là năm 2018, sau một thời gian ký ủy quyền thu tiền với VCPMC, gia đình nhạc sĩ An Thuyên cũng đột ngột cắt hết tất cả ký kết để tự mình thu tiền, và giải thích rằng rằng “trung tâm này không minh bạch”.

VCMPC tổ chức duy nhất thu tiền tác quyền âm nhạc ở Việt Nam, được nhà nước công nhận. Theo tuyên bố gần đây nhất của trung tâm này, thì “trong quý II của năm 2021, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra vô cùng phức tạp, đơn vị vẫn thu được gần 37 tỉ đồng (hơn $1.5 triệu) tiền tác quyền và chuyển giao số tiền này cho các nhạc sĩ Việt Nam”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: