Giáo dục ở Việt Nam: Phải chăng “em ơi mùa xuân đến rồi đó”?

“Vì có quá nhiều việc cần phải làm để cho giáo dục tốt hơn, nên những việc gì có thể thực hiện được ngay, thì đề nghị các thầy các cô chúng ta cùng điều chỉnh luôn. Một trong các việc đó là chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò”- đó là status của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đăng ngày 13 Tháng Tám trên trang Facebook của mình.

Công bằng mà nói, tân Bộ trưởng tạo được nhiều thiện cảm hơn người tiền nhiệm, chí ít ở cái khoản xuất hiện công khai, chính danh trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chỉ một status này mà không ít người nức nở “em ơi mùa xuân đến rồi đó” thì quả là hơi ảo tưởng!

Cái việc bắt học sinh chép-học thuộc lòng bài văn mẫu có phải là lỗi của thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp? Nếu nghĩ như thế thì tội cho thầy cô quá, và nghĩ như thế thì quả là không biết tẹo gì về hậu trường giáo dục bậc phổ thông ở nước ta.

Sau status của tân Bộ trưởng, một vị hiệu trưởng phổ thông cơ sở gọi cho tôi nói thế này: “Bữa trước tui đi về một làng muối, thấy mấy chị mấy cô gánh kẽo kẹt tội quá. Thế là tôi bảo các chị các cô là chấm dứt chuyện gánh đi, nó vừa mệt các chị các cô mà hiệu quả không cao… Ối trời ơi, mới nói thế mà các chị các cô đã mắng mình sa sả…”.

Tôi bảo với vị hiệu trưởng rằng, các chị các cô chưa vác đòn gánh rượt là còn may. Người ta nghèo kiết xác, bán sức lao động kiếm miếng cơm mà ông nói như ngồi ở trên trời! Ai không biết sắm xe công nông mà chở cho nó khỏe, nhưng tiền đâu? Vị hiệu trưởng cười ha hả:

“Thì đấy, tui cũng giống tân Bộ trưởng thôi. Cái bệnh thành tích dẫn đến chuyện dạy học trò học thuộc lòng với chép văn mẫu nào có phải từ thầy cô mà ra… Đầu tiên là cái hệ thống thi cử chăm chăm vào điểm, rồi lãnh đạo địa phương chỉ muốn tỷ lệ đậu cao, dẫn đến giám đốc các Sở Giáo dục & Đào tạo ép xuống trường, lấy thành tích để xét thi đua; rồi hiệu trưởng thì áp xuống giáo viên. Từ đó mới có chuyện học sinh kém quá thì tìm cách đẩy đi chỗ khác, dạy thì chả cần học sinh có nắm chắc căn bản không, mà chỉ cần thuộc lòng và thuộc lòng để đi thi có điểm cao…

“Chưa hết, cái loại sách văn mẫu, bài giải nhiều như nấm sau mưa từ đâu mà ra? Nó là mồi ngon của vô số các vị, in ra thì tìm mọi cách bán cho được. Mọi người bên ngoài không hiểu chứ dân hiệu trưởng tụi tui khổ lắm với cái loại sách này, khi lãnh đạo Sở, Phòng cứ gởi thư tay giới thiệu mấy ông bán sách xuống trường theo kiểu không buộc thực hiện nhưng cũng ngầm như buộc thực hiện.

“Đi làm trong hệ thống nhà nước hẳn mọi người biết rồi, mấy cái thư tay này theo kiểu “gởi các đồng chí xem xét” mà cứ thử không OK xem, biết mùi ngay. Nhưng nếu công luận phản ứng thì lập tức quan trên trả lời rằng “tui đâu bắt buộc, cái này tùy hiệu trưởng mà”! Bộ trưởng có ngon thì cấm tiệt cái thứ sách văn mẫu ấy; cấm tiệt các giám đốc sở, trưởng phòng GD-ĐT không được chạy theo thành tích… Vấn đề là phải đi vào thực chất nguồn gốc các tệ nạn đó thì mới thay đổi được bản chất về hệ thống thi cử”.

***

Đó là nỗi lòng của người trong ngành giáo dục, còn phụ huynh thì thế này: một cậu em tôi có cậu con trai học lớp 4 ở một trường tên tuổi tại Sài Gòn. Cô giáo ra đề tập làm văn “Em hãy tả lại một chuyến đi du lịch cùng bố mẹ”. Thằng bé hồi nào đến giờ chưa đi du lịch bao giờ, chỉ có về quê thăm ông bà mỗi dịp hè và Tết thôi. Thế nên nó chọn cách tả lại một buổi đi sở thú cùng ba mẹ. Và thế là cô phê lạc đề, bắt phải học bài văn mẫu đi du lịch cùng bố mẹ. Cô giáo này từ đâu ra mà hành xử kỳ lạ thế? Dạ thưa tốt nghiệp Đại học sư phạm ra đấy ạ!

Tôi chỉ muốn nói với tân Bộ trưởng rằng, một chuyện tưởng là nhỏ nhưng nó không hề nhỏ chút nào; khi dây mơ rễ má tới những vấn đề mà tôi tin rằng bản thân Bộ trưởng cũng không giải quyết nổi, ví dụ đó là hệ thống thi cử cũ kỹ, lạc hậu, nặng về thành tích, thiếu thực chất… Nó y như ngày xưa ngài Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố 10 năm tới giáo viên sống được bằng lương vậy, khi mà câu chuyện lương nó chằng chịt chứ đâu đơn giản chỉ trong mỗi ngành giáo dục. Ông giáo Nhân sau đó rời Bộ GD-ĐT để lên Phó Thủ tướng, rồi qua Mặt Trận Tổ Quốc làm một thời gian, tiếp đó về lại Sài Gòn và giờ thì nghỉ hưu rồi, thế nhưng đồng lương của giáo viên đến nay cũng “vũ như cẩn”.

Vì vậy, xin tân Bộ trưởng đừng nói kiểu đó cho dư luận vui lòng mà quên rằng hàng triệu giáo viên đang đau lòng khi lời của ông có thể khiến dư luận nghĩ rằng chuyện chạy theo thành tích, chuyện ép học bài văn mẫu… lại là chủ trương của giáo viên!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: