Tìm một thú vui

Minh họa: Unsplash

Không biết có phải là sự vô tình hay hữu ý mà những nhóm chữ nghĩa do Đức Khổng Tử để lại cho đời sau toàn là bốn chữ. Nào là Ngũ Thư Tứ Kinh, Tam Cương Ngũ Thường, rồi lại Tam Tòng Tứ Đức. Ngay cả những thú vui tiêu khiển cũng không thoát ra khỏi ngoại lệ. Ngày xưa tiền nhân của chúng ta chỉ tìm thú vui chơi trong phạm vi bốn chữ: Yên, Hà, Tửu, Sắc. Sau này có lẽ thấy những thú vui kể trên không được tao nhã cho lắm, mà đôi khi lại làm cho con người trở nên bê tha, bệ rạc, suy giảm phẩm giá, cho nên các cụ lại tìm những thú vui cũng trong bốn môn: Cầm, Kỳ, Thi, Họa.

Những thú vui này mới đầu chỉ dành riêng cho nam giới, nữ giới không được bén mảng tới gần. Phái quần thoa thường bị khoá kín trong vòng bốn chữ Công, Dung, Ngôn, Hạnh và sống trong khuôn khổ Tề Gia, Nội Trợ. Nhưng theo đà tiến hóa, một số nhỏ các bà các cô cũng không chịu lép vế, xếp việc thêu thùa, bếp núc khung cửi vào một xó, hăng hái gia nhập vào làng văn, trận bút, cung đàn, bút vẽ như nam giới.

Ngày nay nam nữ bình quyền, anh đi nhẩy thì em cũng có quyền đi nhót, anh nhậu uýt-ky thì em cũng có thể lai rai vài chai bia bọt. Anh đàn, em hát Karao Ô-Kê. Thanh tao hơn nữa, anh đi chụp hình, cắm trại hay chơi thể thao, em cũng đi theo, kẻo anh đuổi theo mấy cô bồ nhí. Thực vậy bây giờ có quá nhiều thú vui giải trí. Lành mạnh cũng có mà chẳng lành, chẳng mạnh cũng không thiếu gì. Thế mà cũng có những người không sao tìm được một thú vui nho nhỏ cho mình.

Ngày ngày ngồi nhâm nhi ly cà phê, riết cũng chán. Minh họa: Unsplash

Richard Anderson về hưu vào năm 62 tuổi. Anh chàng này luôn luôn than vãn rằng sẽ không biết làm gì cho hết thì giờ. Gia nhập công ty ngay từ khi vừa tốt nghiệp đại học, với 40 năm thâm niên, cho nên tiền cổ phần và tiền thưởng đã quá nửa triệu, cộng với tiền hưu trí, tiền an sinh xã hội đủ bảo đảm cho anh ta một cuộc sống vật chất thừa thãi.

Hơn tháng sau, Richard đến tìm tôi vào giữa mùa tuyết đổ trắng xóa cả vùng. Nhân viên trong sở phần lớn đều bị nghỉ việc, vài người đi phép chỉ còn lại một mình tôi. Sau khi khoác chiếc áo Parka cho ấm, dạo một vòng quanh cơ xưởng kiểm soát các máy móc, tôi trở về văn phòng, pha một bình cà phê, ngồi ghếch chân lên bàn tận hưởng những âm thanh quen thuộc vang lên. Nghe nhạc mãi cũng chán, nhất là các bản nhạc tiền chiến toàn những âm điệu tuy mới đầu nghe du dương thánh thót, nhưng thét rồi cảm thấy ảo não thê lương. Tôi giết thì giờ bằng cách moi trong ký ức viết một vài giòng về những kỷ niệm của ngày xa xưa.

Vừa mới viết được vài hàng, Richard mở cửa bước vào. Anh ta than phiền đủ thứ, nào là vợ muốn đi Hawaii trốn cái lạnh, nào là cậu con trai xin tiền mở quán Bar, cô con gái anh muốn xin tiền mua chiếc dương cầm cho đứa cháu ngoại. Toàn là những chuyện phải cần đến tiền, mà tiền là thứ mà anh cho là tối ư quan trọng trên đời. Không biết đi đâu và làm gì cho hết ngày.

Ở nhà bị vợ sai đi đổ rác, lau chùi phòng tắm và trăm thứ việc không tên, mà toàn là những việc anh chưa bao giờ đụng tay chân đến. Anh không biết làm gì, hết đi ra rồi lại đi vào. Đọc sách anh thấy mỏi mắt, xem truyền hình toàn những quảng cáo lăng nhăng. Anh nói rằng nếu biết thế này, anh sẽ không về hưu làm gì cho khổ.

Cắm trại là thú vui lành mạnh. Unsplash: Unsplash

Ba tháng sau, vợ anh điện thoại báo cho tôi biết anh đã giã từ cuộc đời nhàm chán. Richard luôn luôn than phiền rằng anh không có hoa tay để vẽ, năng khiếu để viết hay chơi đàn. Bà Mỹ hàng xóm da trắng, tóc vàng thấy vườn cây xanh tốt khen vợ chồng tôi có ngón tay cái mầu xanh (green thumb). Một anh bạn thân từ thuở còn ở quê hương khốn khổ xa thẳm nghìn trùng, có chiếc vòi nước tưới cây, mùa Đông nào cũng bị vỡ vì đông đá. Mỗi năm anh lại phải trả gần $200 cho người thợ sửa ống nước mà chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm sao thay đổi lại một lần cho khỏi bị vỡ. Anh tự cho mình là người trí thức cho nên không muốn nghĩ đến chuyện tạp nhạp và chẳng thèm làm công việc lao động tay chân.

Theo thứ tự, Richard đi trước, bà hàng xóm của chúng tôi cũng đi theo sau, khi ông chồng của bà tìm được cái nửa mới của mình tươi trẻ và nhí nhảnh hơn, bà vợ tuy chưa phải là già nhưng không muốn nhúng tay vào bất cứ một việc gì, ngoại trừ việc ngồi hàng giờ trang điểm cho tấm nhan sắc sửa soạn về chiều. Anh bạn thân của tôi cũng thế, về hưu mới được hơn một năm, anh đã giống như một ông cụ 80 tuổi. Để râu dài đến ngực, đi đứng lọm khọm, nói năng chậm rãi, cử chỉ tính tình thay đổi hẳn đi. Anh cho biết, vợ đi làm, con đi học, anh chỉ ngồi nhà hút thuốc vặt, lau chùi bàn ghế, hồi tưởng đến những ngày hoa gấm khi xưa và chờ đợi đến giờ vợ con trở về. Và buồn thay một hôm khi người vợ mở cửa vào nhà, anh chỉ còn là chiếc thây ma lạnh ngắt. Cũng may những trường hợp này rất hãn hữu mới xẩy ra.

Nhưng tại sao mấy người kể trên không thể tìm thấy thú vui trong công việc thường nhật? không tìm cho chính mình một thứ giải sầu trong cái xã hội văn minh và phong phú về mọi mặt này?

Thực ra không phải chỉ có những người sắp về hưu hay đã về hưu mới cần thú vui giải trí. Trước áp lưc của đời sống hàng ngày, con người phải lo mọi chuyện từ việc kiếm tiền nuôi sống gia đình, lo việc học hành cho con cái, tiếp tế cho gia đình bên nội, bên ngoại và bao nhiêu thứ chuyện khác nữa. Đời sống hiện tại quá nặng về vật chất, thôi thúc chúng ta phải tính toán suy nghĩ và làm việc như một chiếc máy mới theo kịp nhu cầu, cho nên tinh thần luôn luôn bị căng thẳng. Một chiếc máy dù cho tối tân hoàn hảo đến mấy đi chăng nữa cũng cần có lúc phải ngừng nghỉ để cho nguội máy, phải thay dầu nhớt, phải tu bổ định kỳ hay tu bổ toàn diện nữa, huống chi là con người!

Nếu làm cứ việc liên tục dễ bị lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, rồi cảm thấy đời sống trở nên vô nghĩa, nhất là khi về hưu có nhiều thì giờ rảnh rỗi mà không biết làm gì. Người ta cần có một thú vui giải trí để cho tinh thần đuợc sảng khoái, thư giãn sau đó lại tiếp tục hăng say làm việc.

Nói về thú vui giải trí, ta hãy tạm chia những thú vui này làm hai loại: Không lành mạnh như: Cờ bạc, ruợu chè, o mèo, bắt bướm. Loại thứ hai tuy lành mạnh nhưng cũng chia làm hai: Một là những thú vui vô bổ (non productive) như nghe nhạc, xem Ti vi, phim bộ…, hai là những thú vui bổ ích, mang lại kết quả và làm ra một thứ gì (productive) như chụp hình, nặn tượng, vẽ, chơi nhạc, chơi thể thao, viết,… Những thú vui này sẽ làm đời sống của chúng ta tăng thêm hương vị, đầu óc thanh thản và không cần phải đợi cho đến khi về hưu mới nghĩ đến mà phải coi như là một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Tôi nhớ lời Richard và anh bạn thân hỏi, tôi sẽ làm gì sau khi về hưu? Đối với tôi, về hưu là một chân trời rộng mở, không phải là những ngày đi đúng giờ về đúng giấc, không còn lo chuyện xếp lớn khó khăn, đồng nghiệp kèn cựa. Về hưu cũng không phải là sống những ngày dài lê thê buồn chán như Richard hay anh bạn trước khi trở về cát bụi. Một cuộc đời mới mẻ đang chờ đợi tôi. Về hưu tuy sức khỏe không còn được như xưa, lòng hăng say bồng bột cũng không còn nữa, nhưng suy nghĩ coi chừng đã chín chắn hơn. Trách nhiệm với gia đình không còn nặng nề như trước. Con cái đều đã trưởng thành và có gia đình êm ấm không còn bận tâm lo lắng.

Vẽ cũng là thú vui ở tuổi về hưu. Minh họa: Unsplash

Trước khi về hưu, công ty tôi phục vụ có lòng ưu ái trả tiền học trong vòng 10 năm cho các nhân viên học bất cứ một thứ gì như: Đánh tennis, đánh golf hay học một nghề gì như computer, kế toán, địa ốc… nhằm mục đích giúp đỡ các nhân viên sau này có một thú giải sầu. Không bỏ lỡ dịp may, sau khi suy đi nghĩ lại tôi chọn hai môn nhiếp ảnh và hội họa, vì nguyên tắc của hai môn này gần giống như nhau, chỉ khác về phần thực hành. Trường đại học gần nhà có những lớp dạy hai môn này, nhưng lạ lùng thay các lớp thực tập lại giống y như nhau: Phong cảnh, chân dung, khỏa thân và tĩnh vật. Tôi và vài bạn đồng sở cùng ghi tên theo học.

Tuy cùng học chung một lớp, nhưng chúng tôi mỗi người một mục đích khác nhau. Họ học là để giải buồn ngay trong lúc đó. Đi học là dịp để trò chuyện với mấy bà, mấy cô cùng lớp. Do đó họ không cảm thấy hứng thú trong khi học, ngoại trừ khi mải ngắm nhìn mấy cô người mẫu. Mãn khóa, họ chẳng còn nhớ gì, thâu lượm được gì nhưng tôi đã có một chút vốn liếng căn bản để tìm một thú tiêu sầu cho cuộc đời còn lại. Đối với tôi vẽ nhăng, viết nhảm và trồng hoa lan chẳng qua chỉ là để giết thì giờ, để thỏa mãn lòng mình với một chút đam mê và tự hào đã làm được một chút gì đó trong chuỗi ngày còn lại. Tự xét mình chẳng có hoa tay, cũng không năng khiếu hay ngón tay cái xanh đỏ gì cả.

Đem tranh, hoa đi triển lãm chỉ là muốn đóng góp cho xã hội chút cống hiến nho nhỏ, đem lại một vài giây phút thoải mái, vui vẻ đến người thưởng ngoạn để khỏi hổ thẹn là kẻ chỉ biết hưởng thụ mà không biết đóng góp. Có người hỏi chuyện trồng lan, vẽ, viết có khó hay không? Chuyện này đâu có khó khăn gì, cũng giống như chúng ta nếu học thuộc hết 24 chữ cái và biết đánh vần là sẽ biết đọc, biết viết.

Martin Yan trong một cooking show. Ảnh: Caameria.org

Thực ra đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Trên đài truyền hình có một anh Tầu trẻ tên là Martin Yan chuyên dạy nấu ăn. Những món ăn anh ta nấu chẳng có gì hấp dẫn cho lắm, nhưng anh ta có một câu nói bất hủ. Tôi nhớ mài mại như sau “If Yan can cook, you can cook!” Nếu Yan có thể nấu ăn, quý vị cũng có thể nấu được! Chúng ta nên học thuộc lòng câu này và áp dụng trong mọi trường hợp.

Tôi đã dùng câu này để khuyến khích những người đến học vẽ hoặc trồng lan với tôi và mọi người đều thành công. Những người học vẽ đã có bức tranh đầu tiên khả dĩ có thể treo được trong bốn tuần lễ đầu và những người trồng lan đã không còn cho là quá khó như trước. Những người nổi danh trên thế giới trên lãnh vực khoa học, kỹ thuật gì gì đi chăng nữa cũng phải trải qua nhưng buớc ban đầu vụng về, bỡ ngỡ. Chẳng ai một có thể một sớm, một chiều làm ngay nên chuyện.

Vạn sự khởi đầu nan, chưa làm mà đã cho là quá khó sẽ làm chúng ta nản lòng nhụt chí. Chưa leo lên núi đã sợ chồn chân mỏi gối, nghĩ rằng quá khó, lại không tin tưởng vào khả năng của chính mình làm sao có thể thành tựu được. Chúng ta cần phải có chút tự hào, luôn luôn nhủ thầm nếu không làm tốt đẹp được cả 10 phần như người ta, chúng ta cũng sẽ làm được sáu, bảy phần.

Tin tưởng như vậy chúng ta đã thành công được một nửa. Chỉ cần quyết tâm, cố gắng thêm vào đó một chút đam mê chắc chắn sẽ có kết quả. Quyết tâm học hỏi, thích thú trong công việc làm và trau dồi kinh nghiệm là những yếu tố căn bản để đi đến sự thành công. Chúng ta có thể áp dụng những nguyên tắc này trong mọi trường hợp trên đời. Nếu đem áp dụng vào chuyện tìm một thú vui thì dễ như trở bàn tay hay là ăn một miếng bánh (a piece of cake) nếu chúng ta không mộng tưởng trở thành một đại văn hào, một họa sĩ lừng danh hay một chuyên gia lỗi lạc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: