Tháng Mười, nhớ về Du Tử Lê

Ảnh: K. Trần

Hôm nay là Tháng Mười, tháng Du Tử Lê giã từ cõi tạm, từ trong quán café chúng tôi nhớ đến anh, nhắc những kỷ niệm êm đềm vui vẻ chung quanh bàn café sáng. Đã hai năm, DTL ra đi êm ái trong thinh lặng, điều mà anh hằng mong ước lúc còn sinh thời, mỗi khi có dịp bàn về cái chết.

“Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết

Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn”(Du Tử Lê).

Trước 1975 tôi biết đến thi sĩ Du Tử Lê khi ông được giải thưởng về thơ của Tổng thống VNCH. Sự biết cũng dừng ở đó. Mãi đến thập niên 1990 tôi định cư ở Nam California, rất gần nơi cư trú của ông. Gặp ông lần đầu rất tình cờ nhưng tôi không hề có ý định kết thân vì đơn giản là do nghe nhiều điều tiếng về ông từ các quán cafe vùng Little Saigon. Sau này khi thân thiết, tôi thuật lại, ông cười nhẹ và nói “Cũng may P. chưa kịp “đánh” (chữ của giới làm báo dùng để chỉ viết bài hạ nhục ai đó) tôi, như nhiều người đã làm”. Sau đó nhiều tình cờ run rủi, tôi gặp Du Tử Lê thường hơn và nhất là ở quán cafe.

Trong mấy chục năm trời uống cafe với ông, chúng tôi gặp nhau ở rất nhiều quán. Nhưng ngồi nhiều nhất và lâu nhất thì lần lượt ở các quán sau: Tài Bửu, Lan Hương (Lan Hương đổi chủ thì qua Tài Bửu chỗ mới). Tài Bửu sang quán chúng tôi lại chuyển sang Hạt Ngò cho đến khi ông qua đời.

Ở quán nào ông vẫn thường đến khá sớm, khoảng 9 giờ, ngồi ở một bàn kín đáo; sau đó bạn bè đến, thường chỉ vài người, thỉnh thoảng cả chục. Thời gian trước tôi còn làm việc nên chỉ ngồi cafe với ông hai ngày cuối tuần; cho đến 2013 tôi nghỉ hưu mới cafe cùng ông bảy ngày một tuần. Sự thân thiết tự nhiên theo ngày tháng đến với chúng tôi; tôi và ông đều nhận thấy điều ấy và cùng trân trọng giữ lấy. Chúng tôi kể cho nhau nghe thật nhiều về quá khứ cho đến chợt một hôm vào đầu năm 2018, Du Tử Lê tỏ ý nhờ tôi viết về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. Ông bắt đầu gom sách xuất bản từ xa xưa hay những tài liệu liên quan đến ông để đưa cho tôi tham khảo. Công việc tiến hành không chuyên môn mà rất tài tử và chậm; chỉ vì cả hai chúng tôi đều nghĩ rằng thi sĩ Du Tử Lê còn lâu mới lìa bỏ cõi đời này.

Nhiều người, có cả người thân ngay như chị T. người vợ cuối cùng của ông, nói rằng Du Tử Lê chỉ biết làm thơ, ngoài ra không biết làm gì nữa cả. Dĩ nhiên đây là lời nói có tính thậm xưng nhưng cho ta thấy cái tính lơ mơ, không chú ý đến nhưng việc không thuộc về văn chương của ông. Tôi cũng nghe nhiều những thắc mắc của ông rất ngây thơ đến buồn cười của ông.

Nhưng quí vị đừng vội, bên cạnh những không biết hay đúng hơn là không để ý đến đời sống vật chất hữu cơ, Du Tử Lê lại có cái nhìn thật sắc, nhạy bén về lãnh vực tinh thần, tình cảm và nhất là về thi ca. Có những hôm ngồi bàn luận về thi ca, chúng tôi hứng chí ngồi đến xế chiều. Ông thường nói chúng ta là những người đi trước phải tạo điều kiện giúp đỡ những người đi sau tiếp tục dấn thân, làm mới, yêu thích thi ca, một mảng quan trọng trong văn hóa đất nước. “Tôi cho đó là một trong những nhiệm vụ của người làm văn học” – ông nói. Và, đó là động lực chính để Du Tử Lê mở giải thưởng thơ văn Du Tử Lê. Khi ông qua đời, chị T. hiền thê của ông vì sợ không kham nổi giải thưởng nữa nên tuyên bố chấm dứt, nhưng sau đó với lòng yêu kính chồng, chị T. tuyên bố giải thưởng Du Tử Lê vẫn tiếp tục. Tôi nghĩ điều này sẽ làm vong hồn của ông rất vui ở suối vàng.

Du Tử Lê – với 77 tác phẩm gồm thơ văn, một giải thưởng thơ VNCH năm 1973 và rất nhiều bài báo thời VNCH cũng như sau 1975 và một số tranh vẽ vào những năm cuối đời tại hải ngoại – đã để lại cho hậu thế một gia tài văn học khá đồ sộ. Khoảng 200 bài thơ của ông đã được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Ông là một trong những thi sĩ có số lượng thơ phổ nhạc nhiều nhất Việt Nam. Có nhiều bản nhạc lừng danh mà cho đến nay vẫn còn rất phổ biến được các ca sĩ chọn diễn. Những bài như Khúc Thụy Du, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, Trên ngọn tình sầu… là những bài hát thuộc loại trường cửu.

Du Tử Lê nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn và lịch sự, rất dễ được lòng người đối diện. Ông không phát biểu ý kiến riêng trong đám đông như ở bàn cafe, bàn tiệc. Những quan điểm về văn học, tôn giáo, chính trị, ông chỉ nói với người thân và chỉ khi có một hay hai người mà thôi. Ông tự nhận thời trai trẻ đến trung niên ông thuộc tuýp người không chịu thua ai, sẵn sàng đối phó đối thủ của mình. Nhưng khi về già, nhất là từ sau khi mẹ ông qua đời, ông trở nên hiền hòa, dễ dàng bỏ qua những thù địch.

Ông có người chị ruột thương và lo lắng cho ông không khác gì một người mẹ. Du Tử Lê luôn luôn dạ thưa, một mực lễ phép với bà cho đến cuối đời. Bà là người duy nhất khóc ngất trong lúc tiễn chiếc áo quan Du Tử Lê xuống lòng đất lạnh.

Du Tử Lê rất yêu hội họa, giao du thân thiết với nhiều họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Sự say mê màu sắc ấy có trong ông từ thời trẻ nhưng chỉ giữ trong sự nung nấu vì ông không tin vào khả năng của mình. Cho đến khoảng 2010, do sự khuyến khích của tôi và nhất là từ họa sĩ Nguyễn Đình Thuần (người tận tình giúp ông tìm giá vẽ, mua màu và góp ý về kỹ thuật, Du Tử Lê bắt đầu cầm cọ.

Bài viết của tôi về hội họa của ông mang tên: Du Tử Lê, Màu Xanh Vàng Phai được đăng trên các báo ở California, sau đó được nhiều báo về nghệ thuật đăng lại và được một luận án thạc sĩ của một sinh viên trong nước đề cập. Du Tử Lê rất vui. Ông nói với tôi là bài viết này là động lực giúp ông vẽ nhiều hơn. Ông đã tổ chức 4-5 lần triển lãm và lần nào cũng thành công. Tôi cũng hân hạnh được ông mời nói chuyện, khoảng bốn lần về thơ, họa của ông trong các chương trình thơ họa Du Tử Lê. Lần cuối cùng tôi giới thiệu thơ ông ở chương trình Thơ & Tranh Du Tử Lê là ngày 18 Tháng Tám 2019 tại San Jose, California, nhằm ra mắt tập thơ Em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình và trưng bày một số tranh mới sáng tác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: