Hoa Kỳ, xứ… “trùm ăn vặt”

Ảnh: the-organic-crave-company-unsplash

Các công ty lớn báo cáo doanh số bán đồ ăn nhẹ (snack) đang tăng vọt. Doanh thu thuần của Doritos, Cheetos, Ruffles, PopCorners, Smartfood và SunChips đã tăng trưởng ấn tượng với hai con số trong Quý II 2022. Doanh số bán lẻ của Pirate’s Booty cũng tăng khoảng 32% và doanh số của SkinnyPop tăng khoảng 17%.

Văn hóa snack

Theo một cuộc khảo sát về đồ ăn nhanh năm 2021 của Mondelez, khoảng 64% người tiêu dùng trên toàn thế giới nói rằng họ thích ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày hơn là một vài bữa lớn, tăng từ 59% so với năm 2019. Khoảng 62% cho biết họ đã thay thế ít nhất một bữa ăn mỗi ngày bằng đồ ăn nhẹ. Thói quen ăn uống của người Mỹ cũng thay đổi theo thời thế. Cuộc Cách mạng Kỹ nghệ (The Industrial Revolution) mở ra mô hình “chỉn chu” ba bữa ăn một ngày. Rồi những cải tiến về bao bì vào buổi bình minh của thế kỷ 20 đã đưa đồ ăn nhẹ trở thành xu hướng phổ biến.

Các siêu thị lớn mang đến cho người tiêu dùng vô số mặt hàng bóng bẩy và hấp dẫn để lựa chọn. Và trong đại dịch, sự thay đổi lớn trong cách làm việc của hàng triệu người Mỹ mở thêm cánh cửa cho những đồ ăn vặt mới. Tất cả đều là tin tốt cho những người bán đồ ăn nhanh dù… không hoàn toàn tốt cho sức khỏe con người. Theo Euromonitor International, thị trường đồ ăn nhẹ của Mỹ đã tăng từ khoảng $116.6 tỷ năm 2017 lên khoảng $150.6 tỷ vào năm 2022. Dự báo sẽ tăng lên $169,6 tỷ vào năm 2027. Đồ ăn nhẹ gồm cả trái cây, kem, bánh quy, thanh snack, kẹo và các đồ ăn nhẹ mặn khác – theo CNN.

Ảnh: rod-long-unsplash

Sally Lyons Watt, phó chủ tịch điều hành của công ty nghiên cứu thị trường IRI nhận định: “Ăn vặt ngày nay có sức lan tỏa lớn, thậm chí là…lối sống!”. Ashley Rose Young, một nhà nghiên cứu lịch sử thực phẩm tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Smithsonian (Smithsonian National Museum of American History) giải thích: “Tập quán ăn uống nề nếp đã chiếm vai trò chủ đạo ở Hoa Kỳ nhờ cuộc Cách mạng Công nghiệp, khi lịch làm việc của nhà máy quy định cách ăn uống đúng giờ giấc của công nhân. Bạn sẽ ăn một bữa lớn trước khi đi làm để tiếp năng lượng cho cả ngày. Sau đó, sẽ có một khoảng thời gian nghỉ giữa trưa để nạp thêm năng lượng và cuối cùng là một bữa ăn sau giờ làm việc”.

Khi các bữa ăn ngày càng được tiêu chuẩn hóa ở Hoa Kỳ, các quy tắc mới về ăn uống cũng xuất hiện cùng với thái độ thay đổi đối với việc ăn vặt. “Vào thế kỷ 19, những món ăn nhẹ như đậu phộng được những người bán hàng rong bán và bị “kỳ thị” là chỉ dành cho tầng lớp lao động và người nghèo – Abigail Carroll viết trong Three Squares xuất bản năm 2013 nói về thói quen ăn vặt của người Mỹ – Khi các bữa ăn, đặc biệt là bữa tối, trở nên nghi thức hơn, lịch sự hơn và được ấn định chặt chẽ hơn, thì việc ăn vặt bị xem là… ‘phạm quy’ và không chấp nhận được”.

Nhưng khi cuộc sống hối hả dần, những người bán thực phẩm nhìn thấy cơ hội kinh doanh và tận dụng mọi cách để đưa chúng ra thị trường. Để làm được điều đó, họ cần bao bì tốt hơn để bảo quản thức ăn. Cuối cùng, một nhóm doanh nhân đã mở ra cánh cửa cho đồ ăn nhanh đi vào thế giới ẩm thực. Đó là công ty Cracker Jack. Frederick và Louis Rueckheim, hai anh em người Đức sống ở Chicago, là cha đẻ của món bánh ngô ngọt và bánh snack đậu phộng.

“Năm 1896, họ đã mang chúng đi từ thành phố này sang thành phố khác để quảng cáo và truyền bá sản phẩm” – Abigail Carroll viết. Để giữ cho Cracker Jack tươi lâu hơn, hai anh em hợp tác với Henry Eckstein, người đã phát triển một lớp lót sáp (wax) đặc biệt dùng tráng những chiếc túi bảo quản. Bao bì sáng tạo của Cracker Jack đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đồ ăn nhẹ. Những năm sau đó, các công ty chế biến thực phẩm như Nabisco và Kellogg cũng phát triển dựa trên công nghệ đó hoặc điều chỉnh cho phù hợp với các mặt hàng riêng.

Ảnh: melissa-walker-horn-unsplash

Snack mọi lúc mọi nơi

Nhiều năm gần đây, những thay đổi khác trong văn hóa và công nghệ chế biến thực phẩm ở Hoa Kỳ đã khiến cho thú ăn vặt hấp dẫn hơn. Lò vi sóng, lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1955, cho phép sản xuất một loại thực phẩm đóng gói hoàn toàn mới. Và sau Thế chiến thứ hai, nhiều người bắt đầu mua hàng tạp hóa từ các nhà bán lẻ lớn, tiền thân của siêu thị, thay vì cửa hàng tạp hóa nhỏ ở gần nơi ở.

Rồi thế hệ “millennial” (sinh vào vào thập niên 1980) đã giúp xu hướng ăn vặt tăng tốc hơn nữa. Sau đó, đại dịch bùng phát, dẫn đến sự bùng nổ khuynh hướng ăn vặt. Mọi người bắt đầu ăn đồ ăn nhẹ vào đêm khuya nhiều hơn. Một phần là do họ phải chịu đựng những ngày tù túng trong đại dịch. Và do phải chăm sóc con cái không thể đến trường, nhiều bậc cha mẹ làm việc nhiều hơn vào ban đêm phải dùng đồ ăn nhẹ để nạp năng lượng. Thức khuya dần trở thành thói quen mới.

Những cảnh báo

Không phải tất cả món ăn nhẹ đều giống nhau, và việc ăn vặt có hại gì cho sức khỏe? Jessica Bihuniak, một chuyên gia dinh dưỡng kiêm trợ lý giáo sư về dinh dưỡng lâm sàng tại Trường Văn hóa, Giáo dục và Phát triển Con người Steinhardt thuộc Đại học NYU (NYU Steinhardt School of Culture, Education, and Human Development) cho biết: Tất cả các loại trái cây, rau, những sản phẩm từ sữa ít béo, nguồn protein nạc đều có thể xếp vào nhóm an toàn; trong kẹo, nước ngọt, khoai tây chiên với chất béo bão hòa… sẽ không tốt nếu ăn thường xuyên”

Khi nói đến hàng hóa đóng gói trong hạn sử dụng, người tiêu dùng cần đọc kỹ thông tin dinh dưỡng trên bao bì. Jessica Bihuniak khuyên: “Phần quan trọng là nhìn nhãn thực phẩm, để ý hàm lượng natri, hàm lượng bổ sung và chất béo bão hòa”. Cũng cần lưu ý các nghiên cứu gần đây đã phát hiện rằng tất cả các loại thực phẩm chế biến nhanh đều liên quan ít nhiều đến ung thư và tử vong sớm. “Đối với một số người, ăn nhẹ sẽ gọn gàng hơn bữa ăn truyền thống – Bihuniak nói – Suy nghĩ này hoàn toàn ổn, chỉ khi bạn chọn các thực phẩm phù hợp cho sức khỏe”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: