Tranh Cộng Đồng Việt – từ ‘Trăm trứng’ đến ‘Tương lai và hy vọng’

Từ năm 1992, Quốc hội Mỹ thông qua Public Law 101-283 , tuyên bố Tháng Năm là Tháng Di Sản Người Mỹ gốc Á/Thái Bình Dương của nước Mỹ, vinh danh làn sóng nhập cư đầu tiên của người Nhật đến Hoa Kỳ vào ngày 7 Tháng Năm năm 1843 và cũng để đánh dấu kỷ niệm hoàn thành tuyến đường sắt xuyên lục địa vào ngày 10 Tháng Năm năm 1869.

Có lẽ khi nói đến Tháng Di Sản Người Mỹ gốc Á, không gì ý nghĩa hơn khi cộng đồng người Việt hải ngoại, bao gồm nhiều thế hệ, cùng nhìn lại ngàn năm lịch sử Việt Nam. Đó là một lịch sử lâu đời gắn kết với truyền thống văn hoá, từ cội nguồn sơ khai, đi qua bao biến động thăng trầm của chiến tranh, và cuối cùng là dựng lại cuộc đời nơi đất khách.

Để giới thiệu chiều dài lịch sử đó đến các thế hệ sau theo cách cô đọng và đầy đủ nhất có thể, tổ chức VIVO Foundation (dưới sự tài trợ của Sở Bảo Tồn Lịch Sử Quận Hạt – Santa Clara County History Grant, San Jose) đã thực hiện một bức tranh nghệ thuật theo phong cách dân gian với diện tích to nhất từ trước đến nay (2.5m x 5m).

Ông Tâm Nguyễn (thứ ba từ phải) và ban cố vấn chụp ảnh trước tác phẩm Tranh Vải Lịch Sử Cộng Đồng Việt. (Ảnh: Tâm Nguyễn)

Tên của bức tranh là Tranh Vải Lịch Sử Truyền Thống Cộng Đồng Việt (Vietnamese-American Community Heritage Quilt), gồm 18 bức tranh vuông sử dụng kỹ thuật may ráp liền nhau. Mỗi ô vuông mô tả một sự kiện chính xuyên suốt 4000 năm lịch sử đến nay.

“Tranh Cộng Đồng Việt là một nỗ lực lớn của cộng đồng với sự tham gia của hàng chục người dân ở quận hạt Santa Clara. Đây là nghệ thuật thủ công hoàn toàn xa lạ với người Việt Nam. Chính vì vậy việc hoàn thành tấm tranh này mang ý nghĩa tinh thần cộng đồng rất lớn,” ông Tâm Nguyễn, cựu Nghị viên Tâm Nguyễn (Khu vực 7), “cha đẻ” của công trình này cho biết.

Từ San Jose, ông nói thêm về nguồn gốc ý tưởng của tấm tranh, vốn đã được ấp ủ trong…ba năm:

“Khi nghĩ đến một bức tranh để lại ấn tượng mạnh nhất, tôi nghĩ đến việc sử dụng nghệ thuật may ráp vải thủ công (quilt.) Người Mỹ đã từng sử dụng nghệ thuật này để làm tấm tranh về bệnh AIDS. Cách đây hơn bốn năm, năm 2019, Santa Clara đưa ra 1 cuộc thi với 10 đề tài: văn hoá, cao niên, giáo dục, trẻ thơ…Tôi đã chọn ‘Community History’. Đến năm 2020 họ chấp thuận. Kế hoạch là thực hiện trong hai năm, nhưng đại dịch Covid xảy ra nên tiến độ bị chậm lại.

Dự án ‘Community History’ của ông Tâm Nguyễn được quận hạt Santa Clara bình chọn. (Ảnh: Tâm Nguyễn)

Cuối cùng, sau ba năm, trừ việc chuẩn bị, chọn lựa, phát hoạ, hoàn tất bản vẽ, tấm tranh đã hoàn thành sau một năm may ráp.”

Tấm tranh đã tạo cho viên chức quận hạt sự thích thú lẫn ngạc nhiên. Theo lời ông Tâm, họ mong muốn có một buổi công bố trang trọng, ra mắt tác phẩm độc đáo, giàu nghệ thuật, nặng ý nghĩa này cho cộng đồng vào Tháng Mười năm 2024 tại VASC – Trung tâm phục vụ cộng đồng người Việt và xã hội.

18 bức tranh – 18 đời Hùng Vương

Như vòng luân hồi của cuộc đời dân tộc Việt, từ ô vuông đầu tiên đi theo chiều kim đồng hồ, là truyền thuyết trăm trứng nở trăm con, đánh đuổi giặc ngoại xâm, Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên, xây dựng văn hoá, cho đến cuộc nội chiến Quốc-Cộng, miền Nam sụp đổ, làn sóng thuyền nhân tị nạn. Cuối cùng, ngay giữa trung tâm của bức tranh, là sự thành lập cộng đồng người Việt tại Santa Clara County, San Jose và kết thúc với một thế hệ trẻ tươi sáng, tràn đầy ước vọng và tương lai.

18 bức tranh vuông nhỏ tượng trưng cho 18 đời vua Hùng dựng nước. Trong 18 tấm tranh đó, có 14 tranh kể về lịch sử và bốn tranh thể hiện sự hình thành và phát triển của cộng đồng. Khó khăn của ban cố vấn dự án là làm sao chọn ra 14 biểu tượng tiêu biểu, thể hiện rõ nhất dòng lịch sử đầy những biến động nhưng hào hùng của dân tộc Việt.

“Chúng tôi đã mất thời gian rất lâu để chọn ra 14 hình ảnh lịch sử từ cổ đại sơ khai cho đến hiện tại,” ông Tâm Nguyễn nói, “Bốn tấm cuối cùng là câu chuyện hình thành cộng đồng Việt ở San Jose, thành tựu, phát triển lớn mạnh và ước vọng tương lai của thể hệ trẻ.”

Tự hào

Không những mang ý nghĩa của bề dày lịch sử từ trong nước ra hải ngoại, Tranh Cộng Đồng Việt còn thể hiện rõ lòng tự hào to lớn của người Việt Nam. Không tự hào sao được khi từ thế kỷ 11, Việt Nam đã có Quốc Tử Giám – Đại học đầu tiên của nước Việt được thành lập năm 1070 (tranh thứ năm). Sau đó, năm 1076 được phát triển thành Quốc Tử Giám là nơi đào luyện sĩ tử hoàng tộc thành người lãnh đạo tương lai.

Năm 1077, bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt ra đời (tranh thứ 6):

“Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư

Tuyệt Nhiên Định Phận Tại Thiên Thư”

Theo lời ông Tâm, ban cố vấn đã lựa chọn trong nhiều diễn biến lịch sử, diễn giải bằng minh hoạ cụ thể, đơn giản để làm mạnh ý nghĩa sự kiện đó. Mỗi câu chuyện được chọn lọc đều chuyển tải mục đích riêng, mang tính văn hoá, giáo dục.

Bức tranh thứ 4 nói về Đinh Bộ Lĩnh, một câu chuyện nhỏ nhưng phù hợp với tuyên ngôn giáo dục. “Lịch sử mình có phụ nữ, Hai Bà Trưng, đã đứng lên lãnh đạo một cuộc đấu tranh giành độc lập. Và có Đinh Bộ Lĩnh, một cậu bé chăn trâu lên làm vua. Những sự kiện chúng tôi chọn đều phải mang ý nghĩa đặc biệt, cả về chính trị lẫn văn hoá,” theo lời ông Tâm nói.

Tấm tranh thứ 11, Đông và Tây là nội dung được ban cố vấn tâm đắc nhất. “Lần đầu tiên trong lịch sử văn hoá Việt Nam có hai học giả thảo luận, tranh cãi nhau hoàn toàn đối lập về vấn đề giải phóng và canh tân đất nước, nhưng rất tương kính nhau,” ông Tâm nói trong phấn khởi, “Cụ Phan Bội Châu theo phong trào Đông Du Nghĩa Thục. Ngược lại, ông Phan Chu Trinh thì chúng ta cứ thong thả bình tĩnh nhìn những văn minh khác, cởi mở dân chủ dựa theo nền văn minh của họ để giải phóng đất nước. Chúng ta không thể đứng vững một mình được nếu muốn ‘Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.’

Biểu tượng của hai cụ Phan trong tấm tranh thứ 11 như một lời gửi gắm bài học cho thế hệ trẻ sau này, có một sự đối thoại sâu sắc xây dựng cộng đồng từ sự tương kính nhau.

Sáu mục đích chính của tấm Tranh Cộng Đồng Việt độc đáo này (kỹ thuật, nghệ thuật, cộng đồng, lịch sử, chính trị và giáo dục) không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân quận hạt Santa Clara, San Jose, mà còn là niềm hãnh diện của một cộng đồng tị nạn đang ngày càng khẳng định sự lớn mạnh sau gần nửa thế kỷ từ ngày đổi mạng sống đi tìm tự do. Quan trọng hơn, cộng đồng ấy chưa bao giờ quên nguồn gốc của mình. Từ đó, họ hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam.

Lịch sử hình thành Tháng Di Sản Người Mỹ gốc Á/Thái Bình Dương

Tháng Năm được gọi là Asian/Pacific American Heritage Month (Tháng Di Sản Người Mỹ gốc Á/Thái Bình Dương). Năm 1977, Dân biểu Franl Horton, New York đã giới thiệu House Joint Resolution 540 để tuyên bố mười ngày đầu tiên của Tháng Năm là Tuần Lễ Di Sản Người Mỹ gốc Á/Thái Bình Dương. Cùng năm đó, Thượng Nghị Sĩ Daniel Inouye cũng giới thiệu một nghị quyết tương tự, Senate Joint Resolution 72

Cả hai nghị quyết đều không được thông qua. Do đó, Tháng Sáu năm 1978, Dân biểu Horton đã giới thiệu House Joint Resolution 1007. Nghị quyết này đề nghị tổng thống Hoa Kỳ nên tuyên bố có một tuần của 10 ngày đầu tiên trong tháng Năm năm 1979 là Tuần Lễ Di Sản Người Mỹ gốc Á/Thái Bình Dương. Nghị quyết chung này được lưỡng viện thông qua và được Tổng Thống Jimmy Carter ký vào ngày 5 Tháng Mười năm 1978.

Đến năm 1992, Quốc hội đã thông qua Public Law 101-283 , tuyên bố Tháng Năm là Tháng Di Sản Người Mỹ gốc Á/Thái Bình Dương của Mỹ.

Tháng Năm được chọn để vinh danh làn sóng nhập cư đầu tiên của người Nhật đến Hoa Kỳ vào ngày 7 Tháng Năm năm 1843 và cũng để đánh dấu kỷ niệm hoàn thành tuyến đường sắt xuyên lục địa vào ngày 10 Tháng Năm năm 1869. Phần lớn công nhân của công trình này là những người nhập cư Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: