Biden ra sắc lệnh siết đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ

Sắc lệnh mới của Tổng thống Biden hôm 15 Tháng Chín là nhằm cụ thể hóa một đạo luật mà Hạ Viện đã thông qua hồi tháng Hai, mở rộng thẩm quyền của Ủy ban CFIUS trong việc xem xét hoạt động đầu tư tại Mỹ của các công ty nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển kinh tế.. Ảnh các Dân biểu bảo trợ cho dự luật HR-556 họp báo sau khi dự luật về CFIUS được Hạ Viện thông qua với số phiếu 423-0 hôm 28 Tháng Hai. Ảnh Scott J. Ferrell/Congressional Quarterly/Getty Images

Tổng thống Biden đã ký một lệnh hành pháp vào Thứ Năm 15 Tháng Chín tăng cường quyền hạn của chính phủ liên bang trong việc ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghệ Mỹ và hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ.

Sắc lệnh không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào nhưng có thể làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

Theo The New York Times, nội dung chính của sắc lệnh là mở rộng quyền hạn và phạm vi xem xét của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (Committee on Foreign Investment – CFIUS), một cơ quan được Quốc hội lập ra cách đây gần nửa thế kỷ dưới thời chính quyền Gerald Ford, có trách nhiệm ngăn chặn nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các công ty Mỹ có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia – chẳng hạn như các nhà thầu quân sự.

Sắc lệnh mới của ông Biden yêu cầu CFIUS xem xét và ngăn chặn cả những thỏa thuận mua lại các doanh nghiệp có quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người Mỹ mà công ty hoặc chính phủ nước ngoài có thể khai thác thông tin đó.

Hiện người Mỹ chuyển giao rất nhiều thông tin cá nhân cho các ngân hàng, các ứng dụng trên thiết bị di động và các dịch vụ khác. Nhà đầu tư nước ngoài mua được các công ty điều hành những ứng dụng và dịch vụ này có thể thủ đắc được nguồn thông tin cá nhân của hàng triệu người Mỹ.

Được biết, CFIUS đang xem xét kỹ lưỡng TikTok, một ứng dụng chia sẻ video do Trung Quốc sở hữu mà người ta lo ngại có thể tiết lộ dữ liệu của người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Trong những tháng cuối cùng của chính quyền Trump, đã có một nỗ lực vội vàng nhằm buộc công ty ByteDance của Trung Quốc – sở hữu mạng TikTok – phải bán các hoạt động của TikTok ở Mỹ cho một tập đoàn các công ty Mỹ và phương Tây khác nhưng nỗ lực đó không có kết quả.  

Trong những tháng gần đây, có nhiều bằng chứng cho thấy nhân viên của ByteDance ở Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu về những người Mỹ đã ghi danh sử dụng dịch vụ. Không có bằng chứng công khai nào về việc công ty ByteDance đã bàn giao các dữ liệu đó cho chính phủ Trung Quốc, nhưng luật an ninh quốc gia của Trung Quốc bắt buộc các công ty phải làm như vậy khi chính phủ yêu cầu. 

CFIUS đang xem xét kỹ lưỡng TikTok, một ứng dụng chia sẻ video do Trung Quốc sở hữu mà người ta lo ngại có thể tiết lộ dữ liệu của người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Ảnh Yichuan Cao/NurPhoto via Getty Images

Các cơ quan tình báo Trung Quốc đã phải mất nhiều thời gian để thu được lượng dữ liệu khổng lồ về người Mỹ, bao gồm cả việc xâm nhập vào cơ sở dữ liệu của Văn phòng Quản lý Nhân sự dưới thời chính quyền Obama. Trước khi các nhà chức trách Mỹ phát hiện, thông tin của 22.5 triệu người Mỹ đã rơi vào chính quyền Trung Quốc mà không rõ Bắc Kinh đã làm gì với dữ liệu đó.

***

Sắc lệnh hành pháp của ông Biden không điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty Mỹ, dù chính quyền Biden dường như cũng đang tìm kiếm thẩm quyền mới để điều chỉnh hoạt động đó. Trong nhiều năm, nhiều nước lo ngại Trung Quốc thường bắt buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ để được phép hoạt động tại thị trường Trung Quốc.

Ông Nigel Inkster, cựu Giám đốc về hoạt động và tình báo của Sở Tình báo Anh quốc, đã viết trên báo The New York Times rằng Bắc Kinh coi đây là công việc sống còn của họ và có những chiến dịch bí mật của các đặc vụ chuyên đánh cắp công nghệ và bí quyết kỹ thuật có thể giúp Trung Quốc phát triển nhanh hơn. Ông lưu ý luật pháp của Trung Quốc yêu cầu công dân phải bí mật giúp đỡ các cơ quan tình báo.

Ngoài vấn đề dữ liệu cá nhân, sắc lệnh mới chỉ đạo CFIUS tập trung vào các loại giao dịch cụ thể sẽ cho phép một cường quốc nước ngoài tiếp cận các công nghệ mà ông Biden xác định là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ; bao gồm các công nghệ “vi điện tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và công nghiệp sinh học, tính toán lượng tử, năng lượng sạch tiên tiến và các công nghệ thích ứng với khí hậu”, theo bản tóm tắt mà Nhà Trắng công bố.

Mặc dù Trung Quốc không được đề cập tới trong sắc lệnh, nhưng tất cả những lĩnh vực kể trên đều là một phần của kế hoạch “Made in China 2025” do Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu cách đây bảy năm và chúng cũng là những công nghệ mà Hoa Kỳ hiện đang đầu tư nhiều tài nguyên của liên bang vào. 

Khẩu hiệu “Made in China 2025” được trưng bày trong một hội chợ hàng công nghệ ở Chiết Giang, TQ năm 2017. Chiến lược này của Bắc Kinh sử dụng mọi thủ đoạn để phát triển và bắt kịp phương Tây vào năm 2025 trong 10 lĩnh vực công nghệ chủ chốt. Ảnh Visual China Group via Getty Images

Từ khi thành lập đến nay, CFIUS chỉ kiểm tra các thương vụ trong đó một công ty nước ngoài tìm cách mua quyền kiểm soát một công ty Mỹ kinh doanh các công nghệ nhạy cảm trong lĩnh vực quốc phòng. CFIUS đã chặn một số thương vụ như vậy, sau khi họ kết luận rằng các công ty bị thâu tóm đã cung cấp các hệ thống hoặc sản phẩm vũ khí được sử dụng bởi các cơ quan tình báo. 

Nhưng theo thời gian, rõ ràng là công ty nước ngoài không cần nắm đa số cổ phần trong một công ty Mỹ thì mới tiếp cận được các công nghệ quan trọng. Vì vậy, trong bảy năm qua, quyền lực của CFIUS đã mở rộng đáng kể, và giờ đây, nó có quyền ngăn chặn ngay cả một khoản đầu tư thiểu số. Điều đó một phần là do lo ngại các công ty quốc doanh Trung Quốc đang thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon và nhiều nơi khác để sớm biết được các xu hướng công nghệ mới của Mỹ.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết sắc lệnh mới không nhìn vào quy mô đầu tư mà xem xét các đặc điểm của chính công nghệ, với “những tiến bộ và ứng dụng trong công nghệ có thể phá hoại an ninh quốc gia” thì ngay cả những khoản đầu tư nhỏ cũng sẽ không được chấp nhận.

Các thành viên CFIUS cũng không phải xác nhận rằng một công nghệ hiện có nào đó là quan trọng đối với an ninh quốc gia hay không miễn là nó có tiềm năng đó. Ví dụ, một phần mềm trí tuệ nhân tạo hoặc máy tính lượng tử có thể tạo ra sự mã hóa mạnh mẽ các dữ liệu hoặc phá vỡ mã hóa đó, đã có thể kích hoạt hành động của chính phủ để giữ công nghệ đó không rơi vào tay của Trung Quốc hoặc các đối thủ cạnh tranh khác.

Lệnh cũng cho phép ủy ban CFIUS ngăn chặn bất kỳ thương vụ nào “làm xói mòn an ninh mạng của Hoa Kỳ” và yêu cầu xem xét lại “các khoản đầu tư gia tăng theo thời gian vào một lĩnh vực hoặc công nghệ” có thể “chiếm đoạt dần dần sự phát triển hoặc kiểm soát của Hoa Kỳ trong lĩnh vực hoặc công nghệ đó”.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: