Cảnh báo “siêu lũ lụt” ở California

Một trận lụt nghiêm trọng tại thung lũng Sacramento, California vào năm 1997 (ảnh: P. Wallick/ClassicStock/Getty Images)

Các chuyên gia vừa cảnh báo tiểu bang California về một thảm họa lớn hơn bất kỳ thảm họa nào trong lịch sử thế giới. Nhưng đó không phải là một trận động đất.

Thời điểm hiện tại, hạn hán có thể là mối quan tâm thời tiết chính tại Tiểu bang Vàng (Golden State) trong bối cảnh các mối đe dọa thường xuyên của cháy rừng và động đất. Nhưng một nghiên cứu mới vừa được công bố ngày 12 Tháng Tám trên tạp chí Science Advances, một ấn phẩm của Hiệp hội vì sự tiến bộ của Khoa học Mỹ (American Association for the Advancement of Science) vừa phát ra cảnh báo một cuộc khủng hoảng khác đang rình rập tiểu bang California: Những trận siêu lũ lụt (megaflood)!

Theo nghiên cứu, khi biến đổi khí hậu đẩy lũ lụt lên trạng thái thái quá, nó có thể nhấn chìm các thành phố và khiến hàng triệu người dân California phải di dời. “Một cơn bão cực đoan kéo dài một tháng có thể mang theo lượng mưa lên đến hơn 100 inch (254cm) sẽ phủ trắng một diện tích hàng trăm dặm của California” – nghiên cứu viết. Những cơn bão không ngừng này đã từng xảy ra trong quá khứ rất xa, trước khi khu vực này trở thành nơi định cư của hàng chục triệu người.

Nghiên cứu cho biết hiện nay, mỗi độ ấm lên toàn cầu sẽ làm tăng đáng kể mức độ tàn phá và kích thước của các vùng siêu lụt (megaflood) tiếp theo. Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu thuộc đại học UCLA và đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định: “Khi lũ lụt xảy ra ở một hành tinh nóng hơn, bão cũng sẽ nhiều hơn và dữ dội. Nói chung, khi có nhiều mưa hơn và lượng mưa rất lớn trong vài giờ và gió mạnh hơn, hậu quả sẽ rất khốc liệt. Biến đổi khí hậu là yếu tố chính tạo ra các megaflood. Trên thực tế, biến đổi khí hậu làm tăng gấp đôi nguy cơ xảy ra lũ lụt thảm khốc”.

Swain nói thêm: “Lũ lụt lớn trên toàn tiểu bang California xảy ra cứ mỗi một hoặc hai thế kỷ trong thiên niên kỷ qua. Điều đáng ngại là bài học lịch sử hiện rất ít được quan tâm. Nên nhớ là rất lâu trước khi chúng ta quan tâm đến biến đổi khí hậu, năm 1862 tại California đã có trận Đại hồng thủy (Great Flood) kéo dài tới 300 dặm và rộng 60 dặm. Theo nghiên cứu, nếu bây giờ tái diễn một trận lũ lụt tương tự như thế, sẽ có từ 5 triệu đến 10 triệu người phải di tản, các tuyến đường cao tốc chính của tiểu bang sẽ bị tê liệt trong vài tuần hoặc vài tháng gây thiệt hại kinh tế lớn và nhấn chìm các thành phố lớn ở Thung lũng Trung tâm (Central Valley) cũng như một số khu vực Los Angeles.

Nghiên cứu mới dựa trên “kịch bản ArkStorm” (ArkStorm scenario) được xây dựng vào năm 2010, trong đó nêu rõ: Các “dòng sông khí quyển” (atmospheric river) làm tăng nguy cơ siêu lũ lụt, một trong những thảm hoạ được Kinh thánh ghi lại. Nghiên cứu mới là phần đầu tiên của kế hoạch làm sống lại kịch bản ArkStorm 2.0. UCLA ước tính một trận lụt như trận lụt xảy ra vào năm 1862 sẽ là thảm họa kinh hoàng với tổng trị giá thiệt hại $1 ngàn tỷ. Nhiều diện tích của các thành phố như Sacramento, Stockton, Fresno và Los Angeles sẽ chìm trong nước bất chấp có nhiều hồ chứa, đê và đường vòng như hiện nay.

Swain nói: “Khi hạn hán và cháy rừng đang nhận được quá nhiều sự chú ý, người dân California bắt đầu mất cảnh giác với lũ lụt nghiêm trọng. Hàng năm đều có cháy rừng ở tiểu bang, nhưng rất nhiều năm trôi qua không có tin về trận lũ lụt lớn nào, nên mọi người quên mất nó!”. Theo UCLA, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mô hình thời tiết có độ phân giải cao và các mô hình khí hậu hiện có để so sánh hai kịch bản cực đoan. Một kịch bản khí hậu sẽ xảy ra khoảng một lần một thế kỷ trong những thập niên tới và một kịch bản khí hậu dự kiến ​​xảy ra vào năm 2081-2100. Cả hai sẽ liên quan đến một loạt các cơn bão kéo dài một tháng và được tăng cường bằng các “dòng sông khí quyển”.

“Sông trong khí quyển” là những dải hơi nước kéo dài hàng ngàn dặm từ vùng nhiệt đới đến miền tây Hoa Kỳ và rộng từ 250 đến 375 dặm, cung cấp “nhiên liệu” cho những trận mưa lớn và bão tuyết có thể gây ra lũ lụt dọc theo bờ biển phía Tây nước Mỹ. Dù có lợi cho nguồn cung cấp nước, nhưng theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (National Oceanic and Atmospheric Administration), những hệ quả khí hậu như thế có thể làm gián đoạn nghiêm trọng giao thông, gây ra những trận lở đất chết người và những thiệt hại thảm khốc về tính mạng, tài sản. Các nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu sẽ làm cho các dòng sông khí quyển ấm hơn, cường độ cao hơn và thường xuyên hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: