Thế giới sẽ “tưởng nhớ” “Đại đế” Putin như thế nào?

(ảnh: Konstantin Zavrazhin/Getty Images)

Trước ngày 24 Tháng Hai, chẳng ai dám nói Putin là kẻ khát máu bởi anh ấy tuy hợm hĩnh khoe mẽ và thậm chí độc tài nhưng khát máu thì chưa thấy.

Trước ngày 24 Tháng Hai, thế giới, từ siêu cường Mỹ, EU cũng như các thành viên NATO, đến Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… đều khiếp sợ trước tiềm lực quân sự Nga với các loại vũ khí tấn công và phòng thủ mà Putin luôn “nổ” về uy lực kinh hoàng táng đởm. Không biết chính sự “yếu kém” của tình báo Mỹ đã giúp Putin mỗi ngày một nổi tiếng và trở nên nguy hiểm, hay tại tình báo Mỹ quá giỏi trong việc bơm thuốc kích thích tự sướng cho Putin cũng chưa biết chừng!

Cho đến cái ngày lịch sử của dân tộc Ukraine. Hàng đoàn thiết giáp, trọng pháo, bộ binh vượt biên giới tiến vào Ukraine như tiến vào vùng đất không chủ. Thế giới rùng mình kinh sợ. “Đại đế” Putin đã trỗi dậy. Tuy nhiên, cái giấc ngủ trầm kha sau nhiều chục năm bị Putin mê hoặc, từ vũ khí tới quân đội được xem là đứng thứ hai chỉ sau Mỹ, bỗng dưng chỉ như một ảo mộng. Trong suốt nhiều thập niên, một Putin mạnh mẽ và cứng đầu đã thật sự làm cho NATO nể vì. Châu Âu luôn khiếp sợ trước mối đe dọa bị Putin cắt vòi khí đốt. Thế rồi, coi vậy mà không phải vậy. Chiếc mặt nạ anh hùng của Putin bỗng rơi cái độp để cả thế giới chiêm ngưỡng nhiều vết sẹo do anh ta tự rạch vào mặt.

Vết sẹo thứ nhất: Khi quân Nga hướng đến Kyiv, Putin tuyên bố người dân Ukraine đang mang hoa chờ đón quân Nga tiến vào “giải phóng” qua uyển ngữ “Chiến dịch quân sự đặc biệt”. Cuối cùng, những bó hoa ấy lại nổ tung trên trận địa khiến những binh lính Nga vỡ giấc mộng “giải phóng”. Những chiếc tăng “hiện đại” của Nga bị nướng như cua trên chiến trường, và tất cả khí tài chiến tranh khác của Nga cũng lộ rõ sự yếu kém trước quân đội Ukraine, một đội quân không tên tuổi nhưng sức mạnh làm lung lay ngai vàng “đại đế” bằng lòng yêu nước.

Vết sẹo thứ hai: Châu Âu và Mỹ cùng tuyên bố cấm vận Nga với những biện pháp chưa từng có. Putin thừa nhận nước Nga khó phát triển nếu đứng riêng một mình mặc dù khí đốt vẫn là con bài tẩy giúp Putin làm nũng với châu Âu. Vũ khí hiện đại từ khắp nơi đổ về Ukraine ngày càng nhiều. Putin đứng ngồi không yên. Đương sự hăm dọa sử dụng vũ khí chiến thuật hạt nhân nhưng người ta chỉ thấy hình ảnh một “đại đế” đang cùng quẫn đến phát rồ.

Vết sẹo thứ ba: Từ trước tới nay Putin nổi tiếng là nhà ngoại giao ma cạo. Đương sự không xem lãnh đạo các nước phương Tây ra gì, với tính tự cao tự đại nghĩ mình là tâm điểm của thế giới. Câu chuyện anh ấy tiếp bà Thủ tướng Angela Merkel với con chó dữ tợn quanh quẩn bên bà từng làm cho nước Đức bẽ mặt.

Lúc chiến tranh chưa nổ ra, khi lãnh đạo các nước phương Tây tới Nga tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraine, Putin luôn bắt họ phải chờ. Giờ đây tới phiên Putin “bị” chờ lại khi tới Thổ Nhĩ Kỳ gặp Tổng thống Erdogan. Hai căn phòng sát vách nhau nhưng bên này Erdogan thản nhiên nói chuyện với cận vệ còn bên kia Putin bồn chồn ruột gan. Sao dám “xử” với “đại đế” như thế này! Cuộc hội đàm chậm 1 phút 35 giây là màn sỉ nhục Putin của Erdogan. Con gấu vĩ đại Putin đâu còn như xưa. Nó đã bị đánh quỵ ngã trước những cú giáng của các định chế thế giới.

Vết sẹo thứ tư: Ayatollah Ali Khamenei, Giáo chủ tối cao của nhà nước Hồi giáo Iran, một đồng minh thân cận của Putin, cũng lạnh nhạt với y, qua cách đón tiếp giống như chiếu cố ban ơn. Putin được cho ngồi trên chiếc ghế không có lá cờ mà ông ta đại diện, cách xa quá mức cần thiết, y hệt cách mà Putin vài tháng trước khi tiếp các nguyên thủ thế giới. Gậy ông đập lưng ông!

Vết sẹo thứ năm: Chỉ mười hai giờ sau khi chấp nhận một thỏa thuận với Ukraine cho phép xuất khẩu ngũ cốc được giám sát từ các cảng phía Nam của Ukraine, Putin ra lệnh tấn công vào cảng chính Odesa của Ukraine – nơi các chuyến hàng ngũ cốc sẽ diễn ra – bằng các hỏa tiễn hành trình. Hai trong bốn hỏa tiễn đã bị phòng không Ukraine đánh chặn.

Điều này cho thấy Putin lại tự rạch mặt thêm nhát nữa qua thói tráo trở của một kẻ cùng đường. Putin đã phá vỡ lời hứa và phá hoại cam kết của Nga trước LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận Istanbul.

Nam Cao nổi tiếng khi nghĩ ra nhân vật Chí Phèo, còn nước Nga nổi tiếng với nhân vật Putin. Chí Phèo rạch mặt ăn vạ vì bần cùng và bị làng Vũ Đại từ bỏ, trong khi Putin tự rạch mặt vì được thế giới… từng tâng bốc và châu Âu nể nang. Sự tâng bốc quá đáng cộng với chính sách ngoại giao khép nép của châu Âu đã làm cho Putin tưởng mình là “đại đế”. Nga mà xua quân xâm lăng nước khác thì chỉ có thắng, khi nước Mỹ quá xa và châu Âu quá hèn.

Không sớm thì muộn, Putin sẽ có thêm vài vết sẹo nữa. Sức mạnh của nước Nga không vĩ đại như mọi người tưởng. Vết sẹo sau cùng sẽ khiến ông ta “dằn vặt lương tâm” với nỗi nhục mà mình mang lại cho lịch sử nước Nga. Ngày nào đó, trong góc khuất của Điện Kremlin, “đại đế” sẽ ngồi phệt một xó, ôm vương miện hồi tưởng lại cuộc đời “oanh liệt” một thời. Ngày nào đó, khi “đại đế” băng hà, hình ảnh duy nhất còn lại khi người ta “tưởng nhớ” “đại đế” là một kẻ thất bại thảm hại nhất lịch sử thế kỷ 21.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: