Mỹ: Huawei, Hikvision Được Quân Đội Trung Quốc Hậu Thuẫn

Chính phủ Mỹ hôm nay thứ Tư 24-06 xác định các công ty hàng đầu Trung Quốc, gồm cả tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi (Huawei) và công ty sản xuất máy quay video giám sát Hikvision, được quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát. Việc xác định này đặt nền tảng cho các lệnh cấm vận tài chánh mới sẽ được ban hành.

Năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei và Hikvisison vào danh sách đen vì rủi ro cho an ninh quốc gia, và Mỹ cũng đã thực hiện một chiến dịch quốc tế vận động các đồng minh loại Huawei ra khỏi công cuộc thiết lập mạng viễn thông thế hệ thứ năm (5G) của họ. Nhưng một số quốc gia, nhất là các nước châu Âu, không nghe theo lời vận động của Mỹ vì cho rằng chưa có bằng chứng các công ty này làm việc cho chính phủ Trung Quốc.

Theo bản tin độc quyền của hãng Reuters hôm nay thứ Tư, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lần đầu tiên đưa ra một danh sách 20 công ty Trung Quốc hoạt động ở Mỹ và được quân đội Trung Quốc sở hữu, kiểm soát hoặc hậu thuẫn.

Danh sách của Bộ Quốc phòng bao gồm các tập đoàn viễn thông di động China Mobile Communcations Group, Tập đoàn viễn thông Trung Quốc China Telecommunications Corp, cũng như công ty sản xuất phi cơ Aviation Industry Corp of China (AVIC).

Từ năm 1999, Bộ Quốc phòng đã được giao nhiệm vụ tìm hiểu và lập danh sách các công ty của quân đội Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, kể cả các công ty “được sở hữu hay kiểm soát” của quân đội Trung Quốc PLA nhưng làm dịch vụ thương mại, chế tạo công nghiệp, sản xuất và xuất nhập cảng.

Việc Bộ Quốc phòng đưa ra danh sách không nhất thiết dẫn tới biện pháp trừng phạt, nhưng luật pháp Mỹ cho phép tổng thống áp đặt lệnh cấm vận, chế tài, thậm chí có thể phong tỏa tài sản tại Mỹ của các công ty bị nêu tên.

Các công ty Huawei, China Mobile, China Telecom, AVIC và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Hãng Hikvision thì nói lời cáo buộc của Mỹ là “không có cơ sở”, lưu ý công ty này không phải là “công ty của quân đội Trung Quốc” và không tham gia hoạt động nghiên cứu phát triển cho quân đội, đồng thời cho biết sẽ làm việc với chính phủ Mỹ về vấn đề này.

*

Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây bị các nghị sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa gây sức ép buộc phải công bố “danh sách đen” này trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ, thương mại và chính sách đối ngoại.

Tháng Chín năm ngoái, các Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ), Tom Cotton (Cộng Hòa) và Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa) cùng gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nêu quan ngại về việc Bắc Kinh tuyển mộ các tập đoàn Trung Quốc làm chủ các công nghệ dân sự vào các mục đích quân sự. Hôm thứ Tư, các ông Cotton và Gallagher đã khen ngợi Bộ Quốc phòng đã công bố danh sách và thúc giục chính phủ Trump áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế đối với các công ty này.

Tòa Bạch ốc chưa cho biết liệu chính phủ Mỹ có ban hành biện pháp cấm vận hay không nhưng một quan chức cao cấp nói rằng danh sách của Bộ Quốc phòng là “một công cụ hữu ích cho chính phủ Mỹ, các công ty, nhà đầu tư, các viện nghiên cứu và học thuật, cũng như các đối tác khác phải cẩn trọng hơn khi giao dịch với các doanh nghiệp đó, nhất là vì danh sách ngày càng dài ra”.

*

Danh sách này cũng làm cho mọi người quan tâm tới mối quan hệ của các công ty Mỹ với doanh nghiệp Trung Quốc và hoạt động của các doanh nghiệp này tại Mỹ.

Năm 2012, tập đoàn General Electric Co của Mỹ liên doanh 50/50 với AVIC, lập ra công ty Aviage Systems chuyên cung cấp thiết bị cho dòng phi cơ hành khách C919 của Trung Quốc.

Trong danh sách của Bộ Quốc phòng còn có tập đoàn xây dựng đường sắt China Railway Construction Corp, tập đoàn khoa học và công nghiệp không gian China Aerospace Science and Industry Corp cũng như tập đoàn CRRC – công ty sản xuất toa xe lửa chở khách lớn nhất thế giới, đã giành được hợp đồng cung cấp toa xe cho Boston, Philadelphia, Chicago và Los Angeles bằng mánh lới bỏ thầu giá thấp hơn đối thủ.

*

Một số công ty Trung Quốc trong danh sách hiện đã gặp khó khăn với các cơ quan công quyền Mỹ. Việc Bộ Thương mại đưa Huawei và Hikvision vào danh sách đen đã buộc các nhà cung cấp Mỹ phải có giấy phép của Bộ mỗi khi cung cấp thiết bị, linh kiện và công nghệ cho hai công ty này.

Hồi tháng Tư, Bộ Tư pháp Mỹ và một số cơ quan liên bang đã yêu cầu Ủy ban Truyền Thông Liên bang (FCC) thu hồi giấy phép của công ty China Telecom vốn cho phép công ty này cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế đến và đi từ nước Mỹ. Năm ngoái, FCC cũng đã từ chối hồ sơ yêu cầu tương tự của công ty China Mobile.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: