Biden cứng với Trung Quốc và mềm với Nga hơn Trump

Tòa Bạch Ốc sẽ tập trung vào mối quan hệ ngày càng gây tranh cãi với Bắc Kinh
Cuộc họp Biden-Putin ở Geneva hôm 16 Tháng Sáu 2021. Ảnh website của tổng thống Putin, kremlin.ru.

Ở Hoa Kỳ có một sự hiểu biết chung là Tổng thống Donald Trump hết sức cứng rắn với Trung Quốc nhưng lại mềm mỏng một cách đáng ngờ với Nga. Những người phê phán Trump cho rằng cuộc chiến thuế quan của ông với Trung Quốc có tính gây hấn tới mức tự chuốc lấy thất bại. Một số người cũng cho rằng Trump đã sống trong túi của Tổng thống Nga Vladimir Putin vì những lý do không rõ ràng.

Thế rồi, khi ông Joe Biden được bầu làm tổng thống, cũng những chuyên gia này dự đoán ông tổng thống mới sẽ đảo ngược cách tiếp cận đó. Họ lập luận, ông Biden sẽ dễ dãi với Trung Quốc để tăng cơ hội gắn kết một cách hiệu quả trong khi sẽ nện ông Putin vì cho phép chính phủ của ông ta tấn công điện toán các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, và cho tội phạm Nga khống chế các công ty Hoa Kỳ để đòi tiền chuộc.

Nhưng khi chúng ta xem xét các lựa chọn chính sách của mỗi chính quyền hơn là những lời hùng biện chính trị và những dòng tweet giận dữ của chính những người đàn ông đó, chúng ta phát hiện ra rằng sự phân tích này đúng là lạc hậu. Biden đã tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc hơn nhiều so với Trump, và ông cũng đối xử tốt với Putin và Nga hơn cả Trump.

Hãy kiểm tra các bằng chứng. Sau khi mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mar-a-Lago dùng bữa và trò chuyện, ông Trump đã làm theo lời khuyên của các phụ tá, trở nên quyết liệt hơn đối với cường quốc đang lên ở phương Đông. Nhưng mối quan tâm của ông chỉ giới hạn trong hai lĩnh vực.

Trump, bị ám ảnh bởi con số thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc và những cơ hội chính trị mà nó có thể tạo ra cho ông ta, đã phát động một cuộc thương chiến. Ông cũng ủng hộ những hành động công kích của chính quyền đối với sự phát triển công nghệ của Trung Quốc và các mối đe dọa an ninh quốc gia mà sự phát triển đó đặt ra, chủ yếu là các hạn chế đối với Huawei Technologies, nhà vô địch quốc gia về công nghệ của Trung Quốc.

Trump và nhóm của ông đã nói rất ít về các vụ vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương – mặc dù họ có một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt quy mô nhỏ – hoặc về nền dân chủ ở Hồng Kông. Và ông ta ít có nỗ lực tập hợp các đồng minh châu Á và châu Âu như một phần của chiến lược phối hợp nhằm kiềm chế hành vi ngày càng hung hăng vượt ra ngoài biên giới của Trung Quốc .

Trái lại, Tổng thống Biden coi Trung Quốc là mối đe dọa toàn diện và nguy hiểm nhất thế giới đối với nền dân chủ, quyền tự do cá nhân và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Chính quyền của ông Biden không ủng hộ cuộc chiến thương mại của ông Trump. Nhưng các biện pháp trừng phạt và thuế quan vẫn được áp dụng để tăng đòn bẩy thương lượng của Hoa Kỳ với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác và họ đã bổ sung các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để nâng cao sức mạnh. Trong khi cuộc gặp đầu tiên của Trump với ông Tập theo đúng nghĩa đen là một bữa tiệc tối ở miền Nam Florida đầy nắng, nhóm của ông Biden đã gặp các thành viên của Bộ Tứ chống Trung Quốc (Quad) bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Úc trước khi tổ chức cuộc họp công tác với các quan chức Trung Quốc ở Alaska băng giá.

Tổng thống mới cũng đã làm việc chăm chỉ để thống nhất cách tiếp cận của Hoa Kỳ với EU, Vương quốc Anh, Úc và Canada trong vụ Thế Vận Hội mùa Đông, Olympic Bắc Kinh, 2022.

Trong khi ông Trump phàn nàn Trung Quốc đã đánh cắp công việc làm trong ngành sản xuất của Hoa Kỳ, ông Biden đã khởi động chương trình “Mua hàng của Mỹ” được thiết kế để khuyến khích các công ty Hoa Kỳ mang những công việc đó trở về nước. Và trong khi ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về cái mà ông ta gọi là “virus Trung Quốc”, ông Biden đã ủng hộ cuộc điều tra chính thức về cái gọi là “lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm” về nguồn gốc của đại dịch. Bất cứ ai kỳ vọng rằng Biden sẽ theo đuổi một sự gắn kết sâu rộng hơn với Trung Quốc đều thất vọng. Kỷ nguyên gắn kết (engagement) đã kết thúc, cố vấn cấp cao về châu Á của ông Biden tuyên bố gần đây.

Các chính sách về Nga của Trump và Biden cũng làm tiêu tan các kỳ vọng. Ông Trump đã nói nhiều lời khen ngợi ông Vladimir Putin, nhưng chính phủ Mỹ và các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội đã có cách tiếp cận cứng rắn và nhất quán đối với các hành vi hung hăng của Nga. Trong những năm cầm quyền của ông Trump, các lệnh trừng phạt Nga đã được thắt chặt. Ông cựu tổng thống phản đối đường ống dầu khí Nord Stream 2 có tầm quan trọng chiến lược của Nga, một dự án đường ống dẫn khí đốt dưới biển được thiết kế để đưa nhiều hơn nữa lượng khí đốt xuất cảng của Nga sang Đức. Chính quyền của ông đã chấp thuận việc bán hỏa tiễn chống xe tăng cho Ukraine, dù biết rõ rằng mục tiêu tiềm năng của các tên lửa đó chính là xe tăng Nga.

Ông Trump cũng tăng cường sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở Đông Âu, chủ yếu là để ủng hộ Tổng thống  của Ba Lan Andrzej Duda, người yêu Trump và ghét Putin. Chính ông Trump là người đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung, hay còn gọi là INF, với Nga và từ chối gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược hay còn gọi là START.

Ông Biden đã gọi Vladimir Putin là “kẻ giết người”, nhưng đối xử với Nga một cách kiềm chế hơn nhiều so với đội của ông Trump. Từ ý định tạo ra một mối quan hệ ổn định hơn và dễ đoán hơn với Nga để tập trung chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vào những thách thức từ Trung Quốc, ông Biden đã nhanh chóng gia hạn hiệp ước START và bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với công ty Nga đang xây dựng đường ống Nord Stream. Khi Putin ngồi lại với Biden ở Geneva, theo lời mời của Biden, Biden vẫn giữ mọi thứ một cách thân mật bất chấp việc Nga tấn công bằng mã độc tống tiền vào hệ thống đường ống dẫn dầu của Mỹ và Nga ủng hộ quyết định của Belarus “không tặc” một máy bay châu Âu để bắt giữ một người bất đồng chính kiến.

Những chuyện này đặt ra ba bài học. Đầu tiên, hùng biện là một chuyện, và hành động là một chuyện khác. Chúng ta nên lưu ý khi cái trước thay thế cho cái sau. Thứ hai, tổng thống và chính phủ của họ không phải lúc nào cũng thống nhất ý kiến với nhau. Ông Trump muốn quan hệ tốt hơn với Nga, nhưng hầu như không ai trong nhóm của ông đồng ý như vậy.

Cuối cùng, những thay đổi trong chính sách đối ngoại thường phản ánh những thay đổi trên thế giới. Ngày nay đã rõ ràng hơn nhiều so với bốn năm trước rằng Tập Cận Bình có ý định theo đuổi một chính sách dân tộc chủ nghĩa quyết đoán hơn. Những tiến bộ của Trung Quốc về phát triển công nghệ, cuộc tấn công vào nền dân chủ Hồng Kông, bằng chứng mới về sự đàn áp ở Tân Cương, và áp lực quân sự của họ đối với Đài Loan đều đòi hỏi Washington và các đồng minh phải có phản ứng mạnh mẽ hơn.

Vào lúc này, hãy mong đợi chính quyền Biden nỗ lực để Nga không làm xao lãng sự tập trung vào mối quan hệ ngày càng gây tranh cãi với Trung Quốc.

(*) Ian Bremmer là Chủ tịch của tổ hợp nghiên cứu Eurasia Group và GZERO Media, đồng thời là tác giả của cuốn “Us vs. Them: The Failure of Globalism.”

(theo Asia Nikkei Reiview)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: