Cuộc đời của chúng tôi bắt đầu từ cuộc hành trình trên thuyền

Ke Huy Quan trong buổi ra mắt ‘Everything Everywhere All At Once’ tại Los Angeles, California vào Tháng Ba 2023 (ảnh: Leon Bennett/Getty Images)

“My journey started on a boat. I spent a year in a refugee camp. And somehow, I ended up here on Hollywood’s biggest stage” – Chỉ bắt đầu đơn giản như thế, Quan Kế Huy vừa lau nước mắt vừa thổn thức khi nhận tượng vàng danh giá Oscar.

Nhưng bên kia bờ đại dương lại không đơn giản như thế. Báo chí tung anh lên chín tầng mây và bằng mọi cách chứng minh cho công chúng biết anh là người Việt gốc Hoa, sang Mỹ và thành đạt trong thế giới phim ảnh Hollywood. Sức mạnh báo chí hôm nay không thể đương đầu với sức mạnh trên mạng xã hội, bởi báo chí chỉ vài nhân viên trong tòa soạn trong khi mạng xã hội “rải rác” hàng chục triệu người, vì vậy người ta bốc phốt ngay mấy tay viết báo còn non quá trong thủ thuật lừa đảo chữ nghĩa.

Thứ nhất anh Quan Kế Huy không phải là người Việt bởi cha mẹ anh là người Hoa sống tại Việt Nam, nhìn nhận dưới góc cạnh nào cũng khó cưỡng từ đạt lý. Không có một chút máu Việt nào chảy trong thân thể e rằng khi biết người ta gán cho mình cái DNA di truyền này thì chắc gì anh vui, nếu không muốn nói là nổi giận? Thứ hai gia đình anh không được chính phủ Việt Nam đối xử tử tế đến nỗi phải lên ghe mà trốn chạy, tới Hong Kong nương náu trong trại tỵ nạn cả năm trời rồi sang Mỹ sống đời luân lạc. Như vậy ở Mỹ chính quyền gọi gia đình anh là gì? Người Mỹ gốc Hoa hay người Mỹ gốc Việt?

Dĩ nhiên báo chí không rảnh để làm “khống” lý lịch cho anh Huy mà họ chỉ cố tình tránh cái tiếng “thấy sang bắt quàng làm họ” dù tận chân trời tít tắp, trong khi tại Mỹ người Việt nghe thấy tin này đều dửng dưng, họ không ác ý gì với Quan Kế Huy nhưng họ cũng không có nhu cầu nâng anh lên cao vì biết chắc anh không gần gũi thân thiện gì với cộng đồng người Việt.

Cái anh nhớ là trại tỵ nạn, là cuộc trốn chạy kinh hoàng trên con thuyền ọp ẹp để làm sao ra khỏi Việt Nam là được. Từ khi còn rất nhỏ, anh bị ám ảnh bởi cái con thuyền ấy, đến mức khi cầm trên tay tượng vàng Oscar, việc đầu tiên anh thốt lên là con thuyền và từ chính nó anh biết thế nào là giấc mơ Mỹ.

Con thuyền ấy bị báo chí cắt mất chỉ còn chừa lại cái tượng vàng. Tượng vàng Oscar trong tay Quan Kế Huy trở thành chiến lợi phẩm của báo chí Việt Nam một cách tỉnh rụi. Người ta không bỏ ra một giây để suy nghĩ làm như thế liệu người đọc có chút nào hãnh diện hay ngược lại sự khó chịu vì gượng ép sẽ khiến người đọc tin cảm thấy bị tổn thương?

Cùng lên danh sách đề cử lần này có một nữ minh tinh mang dòng máu Việt Nam chính cống, không một chút lai tạp. Cô Hồng Châu được Viện Hàn Lâm khoa học nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ xướng tên trong danh sách đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, chính thức giúp cô trở thành nữ diễn viên gốc Việt đầu tiên được đề cử giải Oscar ở hạng mục diễn xuất.

Hồng Châu sinh ngày 25 Tháng Sáu 1979 trong trại tỵ nạn Thái Lan. Gia đình cô vượt biên vào năm 1978 khi mẹ cô mang thai cô sáu tháng. Với nhiều lần được giải và giới làm phim Hollwood biết tiếng, Hồng Châu được đề cử lần này xứng đáng nhưng cô không thể đọ lại với đối thủ quá nặng ký Jamie Lee Curtis trong cùng bảng đề cử. Ngay cả nếu Hồng Châu may mắn cầm tượng vàng trên tay thì cánh nhà báo Việt Nam cũng ngoan ngoãn gạch mất thời gian cô và gia đình nằm trong trại tỵ nạn Thái Lan. Báo chí sẽ làm như cô từ Việt Nam bay sang Mỹ rồi gia nhập làng điện ảnh hạng nhất hành tinh như một an bày, một định mệnh. Không có trại tỵ nạn, không có ghe thuyền, không có tỵ nạn chính trị, không có chạy trốn cộng sản trối sống trối chết…

Cái vinh dự đứng trên sân khấu sau khi tự tranh đấu với chính mình, với số phận, với quốc gia mình hiện diện sẽ không được báo chí nhắc tới nhưng họ sẵn lòng viết lại lịch sử của cá nhân người lĩnh giải như Quan Kế Huy. Sự thật được biến hóa mờ ảo, giọt nước mắt biến thành niềm vui chứ không từ sự hoài cảm của nỗi đau đè nặng trong một con người.

Việt kiều hải ngoại là khối người biết rõ nhất tính lươn lẹo của Tuyên giáo cộng sản Việt Nam. Từ nhiều chục năm qua tuy Việt kiều ùn ùn gửi tiền về gia đình được gán cho cái mác “khúc ruột” nhưng sẵn sàng phớt lờ cái khúc ruột ấy nếu đến ngày 30 Tháng Tư kèn trống vang trời với những ca khúc máu me, đẩy người Việt cách xa nhau vì vàng hay đỏ. Rồi mỗi lần thấy Việt kiều vinh quang ở xứ người lại nhanh nhẩu xem họ là sự kiêu hãnh của Việt Nam mà quên rằng cái bờ mà họ từng cố bấu víu và bị đẩy ra biển là khúc ruột Việt Nam cứ cay đắng trăn trở trong tim đối với người xa xứ.

Nếu muốn tung hô thành tựu của người Việt hải ngoại e rằng người đọc trong nước sẽ ngán ngẫm vì… quá nhiều. Họ nổi tiếng ở mọi lĩnh vực, từ một khoa học gia cao cấp đang làm việc tại NASA cho tới một người sáng tác văn học còn trẻ măng nhưng được kỳ vọng là khôi nguyên văn học tương lai. Từ một giọng ca vừa mới đoạt giải Grammy năm ngoái cho tới một phụ nữ trong quân đội Mỹ với hàng chục sáng chế cho quân đội mà nổi cộm hơn hết là quả bom áp nhiệt (thermobaric bomb) và đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc An ninh Biên giới và Lãnh hải (Director of the Borders and Maritime Security division) thuộc nha Khoa học và Kỹ thuật (Science and Technology Directorate) của Bộ Nội an Hoa Kỳ (Department of Homeland Security)… Đó là chưa kể một Phó Giáo sư văn học nhận giải Pulitzer cho cuốn tiểu thuyết mang tên “Cảm tình viên” của ông.

Cuộc đời của họ bắt đầu từ cuộc hành trình trên thuyền. Cuộc đời của rất nhiều người trong chúng tôi bắt đầu từ cuộc hành trình trên thuyền…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: