Dành 70% thu nhập cho con học trường tư, người mẹ bị chê

Bữa ăn chưa đến 100,000 đồng của một gia đình bốn người quyết tâm để dành tiền cho con học tư thục song ngữ – Ảnh: Dân Trí

Một người mẹ kể với Dân Trí ngày 30 Tháng Mười: Vợ chồng chị dành 70% thu nhập để cho hai con theo học trường song ngữ có mức phí hàng trăm triệu đồng, đã bị độc giả chê tơi bời.

Vì dành hết 70% thu nhập (trong tổng thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng, khoảng 500 triệu đồng/năm của đôi vợ chồng) để đóng tiền học phí 370 triệu đồng/năm ($15,051/năm) cho hai con học trường quốc tế, gia đình chị phải ăn uống rất tiết kiệm.

Hằng tháng, chị Lê Ngọc Hương (tên nhân vật, theo Dân Trí), nhà ở TP. Thủ Đức, gói ghém chi tiêu sinh hoạt cho gia đình bốn người trong mức 8 – 9 triệu đồng ($325-$366), còn vài triệu để dành khi bệnh tật.

Một bữa ăn chị nấu cho cả nhà chỉ tốn khoảng 50,000 – 60,000 đồng ($2.03-$2.44), chẳng hạn luộc trứng, hấp su su chấm với chao đậu hũ; hoặc chiên mớ cá nục nhỏ, luộc rau muống; hoặc xào cải chua với tóp mỡ, rau ngót nấu tôm bằm…; còn tráng miệng bằng trái cây rẻ tiền như ổi, củ sắn, chuối.

Cuối tuần, chị Hương đổi vị bằng hủ tiếu thịt bằm, hoặc cơm nguội chiên trứng, hoặc thịt bò bằm cải chua…

Cải chua, món ăn phụ của nhà giàu có thể trở thành món chính đối với nhà chị Hương – Ảnh: Dân Trí

Chị Hương cho rằng ăn uống đơn giản, không nhiều thịt, nên nhà chị vừa tiết kiệm, vừa… nhẹ người, cũng không mất nhiều thời gian, công sức.

Dành gần hết tiền học cho con nên nhà chị cũng không sắm sửa thêm đồ dùng, thứ gì còn dùng được thì dùng, kể cả quần áo, giày dép, túi xách.

Trước khi mua sắm thứ gì, chị đều hỏi đi hỏi lại xem có cần thiết.

Về giải trí, anh chị Hương khuyến khích con đi thư viện đọc sách, chạy bộ, đi dạo… – những hoạt động không tốn tiền.

Tiết kiệm như thế cũng hay, nhưng Dân Trí lại kể thêm là chị Hương tận dụng cả… việc xin đồ ăn dư ở cơ quan mang về nhà để đỡ tiền chợ.

Hết giờ làm, trước khi rời công sở, chị Hương sẽ mở tủ lạnh cơ quan, xem còn có phần cơm trưa dư nào không có người ăn thì xin về cho bữa ăn tối.

Mỗi buổi trưa, công ty chỗ chị Hương có đặt phần cơm trưa cho nhân viên, nhưng thường lúc nào cũng còn dư vì nhân viên nghỉ hoặc có hẹn đi ăn bên ngoài. Thấy các phần cơm còn dư bị bỏ đi phí, chị Hương bèn xin về, tiết kiệm việc phải nấu bữa tối.

Thậm chí, mỗi khi công ty có tiệc tùng, chị cũng xin các phần ăn còn dư mang về nhà. Đồng nghiệp quen thuộc đến mức có đồ ăn còn dư là lại kêu chị.

Đổi lại, theo chị Hương, hai con chị Hương đi học không bị áp lực như khi còn học trường công như bị thầy cô quát mắng, chê bai, hoặc phải chứng kiến cảnh bạn bị thầy cô la mắng; rồi thầy cô trường công còn mở lớp dạy thêm, gián tiếp ép phụ huynh phải cho con theo học; rồi nhà vệ sinh của trường không sạch sẽ; rồi phải đi học thêm Anh Văn bên ngoài…

Trẻ em ở Việt Nam được học trường tư thục song ngữ thì đỡ áp lực song cha mẹ phải có nhiều tiền để con có những buổi học ngoại khóa thế này – Ảnh chụp màn hình VAS

Sau khi cân nhắc về nhu cầu, mong muốn và cả tài chính, vợ chồng chị quyết tâm chuyển cho con sang trường tư thục song ngữ với cái giá học phí bằng 70% thu nhập.

Mấy năm nay, hai con chị rất vui khi đi học: Lớp ít học sinh, giáo viên thân thiện, không phải học thêm thầy cô đang dạy, cũng như không cần học thêm Anh Văn bên ngoài, không phải đua thành tích với bạn bằng điểm số, vợ chồng chị không phải vất vả đưa đón con đến trường mà đã có xe của nhà trường…

Nhìn kết quả đó, vợ chồng chị thấy ổn với lựa chọn của mình, dù sống tằn tiện nhưng vợ chồng chị thấy hài lòng, không thấy khổ.

Từ câu chuyện của nhà chị Hương, Dân Trí dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả khảo sát mức sống dân cư 2020 cho thấy Việt Nam là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao (so với thu nhập) trên thế giới.

Các gia đình thuộc nhóm thu nhập cao có xu hướng cho con học tại các trường dân lập, tư thục (12.3%), kể cả các gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp cũng cho con theo học trường tư thục (1.3%).

Trung bình một học sinh trường công phải đóng học phí hơn 6.1 triệu đồng/năm, còn trường tư thục từ  17.8 triệu đồng – 25.3 triệu đồng/năm.

Năm 2020, trung bình các gia đình Việt Nam phải chi hơn 7 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng 7% so với năm 2018. Ở thành thị, mức chi cho thành viên đang đi học là 10.7 triệu đồng/năm, gấp 2.1 lần so với mức chi ở nông thôn.

Với gia đình có mức thu nhập cao, mức chi cho một thành viên đang đi học là 15.4 triệu đồng/năm, tăng 4.7% so với năm 2018 và gấp 6.2 lần so với nhóm gia đình có mức thu nhập thấp, chỉ 2.5 triệu đồng/năm.

Cần nói thêm là số liệu thống kê của Việt Nam thường ở mức cách xa (thấp hơn) so với thực tế.

Một buổi học kỹ năng sống của trường tư thục song ngữ ở Sài Gòn – Ảnh chụp màn hình VAS

Đồng ý là cha mẹ nào cũng dồn tiền để lo cho con học, nhưng độc giả Dân Trí đã chê bà mẹ có bệnh đua đòi, không tính xa, vì mức học phí ở trường song ngữ (hệ tư thục) tăng hằng năm, chứ không giữ yên ở mức 370 triệu đồng/năm hai học sinh, trong khi tổng thu nhập của vợ chồng có thể không tăng tương xứng.

Mặt khác, khi cho con học trường tiểu học tư thục hệ song ngữ thì phải tính đến trung học và đại học quốc tế, hoặc đi du học. Sợ nhất là nếu vợ chồng chị Hương gặp rủi ro, không đủ tiền đu theo, đứa trẻ sẽ không thích hợp khi quay trở lại trường công.

Thậm chí có độc giả còn nghi ngờ Dân Trí bịa, vì cảnh chị Hương đi xin đồ ăn dư ở công ty, trong khi mức thu nhập cao là có gì đó không được bình thường!

Một độc giả nữ là Tấn Vũ Nguyễn kể tình cảnh của mình: “Biết bao nhiêu người muốn có hộ khẩu thành phố để con được vào trường công lập tại đây, như tôi là một ví dụ. Muốn con học được tại nơi đây, tôi phải bỏ ra hàng tỷ đồng để mua nhà và có hộ khẩu cho con học.

Nếu gia đình bạn có điều kiện thì lựa chọn như thế là ok, còn bạn lựa chọn như thế, rồi đi lấy từng bữa cơm thừa, làm mất đi sĩ diện và nhân phẩm của mình, và những bữa ăn như thế mà bạn nói là đủ chất thì tôi cũng bó tay.

Tôi là người nấu ăn sáng cho bốn người, bữa nào thấp nhất cũng gần 50,000 đồng, chiều một bữa tệ lắm cũng tầm 100,000 đồng, bình thường chứ không sang trọng gì…

Tốt nhất là phải biết cân bằng, hài hòa, chứ không nên đổ dồn hết một phía, sống mà mất cân bằng thì cuộc sống không ok như bạn nghĩ đâu”.

Một độc giả nam là Phương Lâm bình luận thẳng thừng: “Chỉ có những người thần kinh không bình thường. Vợ mình thế này thì bỏ lâu rồi. Người ta làm cái gì cũng phải biết cân đối sao cho hợp lý. Nhất là người vợ phải biết cân đối chi tiêu tính toán.

Tiết kiệm là tốt, nhưng tiết kiệm kiểu kiết xỉ như thế thì dở. Một nhà bốn người, một bữa ăn 60,000 đồng? Tôi chẳng hiểu sao lại có thể sống được như thế trong khi lương đến 50 triệu đồng/tháng. Đầu tư cho con cũng tốt thôi. Nhưng những đứa trẻ biết nghĩ, biết thương bố mẹ sẽ chẳng bao giờ nhận sự đầu tư đó. Bản thân chúng nó khi ăn uống như vậy cũng không đủ dinh dưỡng để có thể học tập tốt được. Đừng có tự hào mấy cái chuyện như thế này”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: