Mua tour du lịch, đến nơi mới biết bị lừa

Những kẻ lừa đảo bán tour du kịch thường đánh vào khách hàng trẻ, thích mua nguyên combo (vé bay-phòng nghỉ-vé tham quan) với giá ưu đãi – Ảnh: VietnamNet

Một kiểu lừa đảo mới xuất hiện ở Việt Nam sau dịch COVID-19 là bán tour du lịch.

Hết chuyện khách mua tour Đà Lạt bị lừa, giờ đến lượt khách mua tour Hòn Sơn và Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), hai điểm du lịch mới nổi ở tỉnh Kiên Giang.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1 Tháng Mười Một 2023, một du khách là anh N.T.N. cho biết anh book tour đi Hòn Sơn ba ngày hai đêm qua một trang mạng tên “Hòn Sơn Tour Phát”. Tour anh đặt gồm vé tàu khứ hồi hai người; phòng đặt hai đêm; thuê xe hai ngày và hai vé lặn ngắm san hô với tổng chi phí 2.9 triệu đồng ($117).

Dù đặt phòng có “view biển”, thế nhưng khi đến Hòn Sơn (xã Lại Sơn), phòng nghỉ của N. khác biệt với mô tả. Bực bội, N. gọi điện thoại cho P. (người nhận tiền) thì người này lại kêu anh điện thoại cho một người khác, rồi sau đó P. khóa máy, không gọi được nữa.

Anh N. đặt phòng hai đêm nhưng khi sang ngày thứ hai, khách sạn báo anh phải trả phòng vì P. chỉ đặt một ngày. Sau đó, khách sạn đã dọn đồ anh N. ra ngoài và cho khách khác vào thuê. Khi N. tức giận trình báo Công an xã Lại Sơn thì N. mới biết P. đã trốn nợ, không còn ở đảo.

Hòn Sơn – Nam Du ở tỉnh Kiên Giang đang là điểm đến hấp dẫn với du khách trẻ – Ảnh: Tuổi Trẻ

Anh N.V.T. – một người chuyên làm du lịch ở xã Lại Sơn, bộc lộ nhiều người đã lấy thông tin và hình ảnh Hòn Sơn để chào bán tour, tuyến lừa khách qua mạng, bằng cách yêu cầu khách du lịch đặt tiền cọc trước 50-70%.

Nhưng khi khách đến nơi để nhận phòng hay tham gia dịch vụ vui chơi như lặn biển, bắt nhum, bắt cá và ăn uống thì gọi điện thoại không ai nghe máy, vào trang đặt tour trên mạng thì toàn bộ đã bị xóa.

Theo các công ty du lịch, lữ hành, những kẻ bán tour du lịch lừa đảo đã đánh trúng tâm lý của du khách trẻ là săn tour giảm giá theo dạng combo, khám phá những dịch vụ mới lạ… để chiếm đoạt tiền cọc.

Ông Phạm Anh Vũ, Đại diện công ty Du lịch Việt, cho biết gần đây tour du lịch lừa đảo tăng nhanh, đặc biệt là dịp cuối năm. Vì vậy, để không bị mất tiền, khách cần tìm hiểu kỹ thông tin và biết cách nhận biết website giả mạo.

Tên miền của các website giả mạo thường có thêm hoặc thiếu một số ký tự, hay sử dụng đuôi lạ như: “.cc”, “xyz”, “.tk”…

Thanh Niên ngày 28 Tháng Bảy 2023 cũng phản ảnh nhiều người dân ở Sài Gòn đã bị lừa đảo hàng chục đến hàng trăm triệu đồng khi đặt tour du lịch giá rẻ

Ngày 30 Tháng Sáu, qua mạng xã hội Facebook, bà T.T.N.Q (39 tuổi, quận 7) liên hệ với ông T.H.Tr, tự xưng là giám đốc của công ty Happytrip có địa chỉ trên đường Tô Hiến Thành (phường 13, quận 10) để đặt tour du lịch ở Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho cả gia đình.

Một công ty ma, lấy địa chỉ phòng trọ đã từng ở nhiều năm trước thế mà cũng lừa được nhiều người nhờ chiêu thức: Lần đầu làm đàng hoàng, dụ khách đặt lần hai mới xù – Ảnh chụp màn hình

Trước đó, bà Q. từng đặt tour du lịch từ ông Tr. và thấy vừa ý. Thỏa thuận xong, bà Q. đã chuyển tiền cọc (gần 11 triệu đồng) vào tài khoản có tên công ty Happytrip do ông Tr. cung cấp.

Tuy nhiên, đến ngày hẹn, bà Q. gọi cho ông Tr. xác nhận tour thì người này trì hoãn, không trả lời. Sau đó, ông Tr. chặn số điện thoại, cắt đứt mọi liên lạc với bà.

Khi bà Q. liên lạc với phía resort và các điểm đến trong hợp đồng thì nhân viên ở đây khẳng định không có tour nào được đặt và cho biết thêm đã có rất nhiều khách hàng phản ánh bị ông Tr. giả mạo ủy nhiệm chi của những nơi này để lừa đảo.

Ngày 25 Tháng Bảy, bà Q. trình báo vụ việc với Công an phường 13 (quận 10), nơi có văn phòng của ông Tr., nhưng công an lại cho bà biết ông Tr. lừa nhiều người rồi, lần gần nhất là một du khách ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) bị mất khoảng 4 triệu đồng.

Cũng theo công an phường này, công ty ông Tr. mới hoạt động tại địa phương chưa đến một tháng, địa chỉ là một phòng trọ mà người này đã thuê từ năm… 2018!

Phóng viên Thanh Niên đã thử gọi vào điện thoại ông Tr. ngày 27 Tháng Bảy và ông này vẫn tư vấn về các gói du lịch. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi có người phản ảnh ông bán tour lừa đảo thì ông này tắt máy và chặn số điện thoại.

Sử dụng trang Facebook để bán tour du lịch được nhiều kẻ lừa đảo sử dụng – Ảnh chụp màn hình

Tệ hơn bà Q., ông T.C.D (ngụ Sài Gòn) bị lừa đảo đến 104 triệu đồng khi đặt hai vé bay khứ hồi Vietnam – Ukraine. Theo ông D., những lần trước, ông đều đặt vé bay từ một người quen trên mạng và đều có vé bay đàng hoàng.

Ngày 17 Tháng Bảy, ông D. cùng đồng nghiệp ra phi trường, chờ đến giờ khởi hành. Tuy nhiên, đến giờ bay, ông D. không nhận được vé, liên lạc thì người này cho biết chuyến bay bị dời đến ngày 19 Tháng Bảy.

Hai ngày sau, ông D. cùng đồng nghiệp tiếp tục ra phi trường ngồi chờ nhiều giờ đồng hồ, nhưng cũng không có vé… Và khi đến lần thứ ba thì ông hết kiên nhẫn, đòi lại tiền, người phụ nữ quen qua mạng đó hứa trả lại tiền nhưng sau ông gọi mãi cũng không được.

VietnamNet ngày 25 Tháng Mười dẫn nguồn tin từ  Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết lừa đảo “combo du lịch giá rẻ” là một trong số 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

Mặc dù có nhiều bài cảnh báo nhưng vẫn có người sập bẫy mua tour của kẻ lừa đảo – Ảnh: VietnamNet

Với hình thức “combo du lịch giá rẻ”, kẻ lừa đảo sẽ đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ phân nửa so giá gốc trên mạng Internet và mạng xã hội, với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc tour và phòng khách sạn trước (từ 30-50% giá trị),  từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Kẻ lừa đảo cũng có thể đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.

Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Hoặc chúng có thể làm giả website/Fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Thậm chí, kẻ lừa đảo còn làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang cần một khoản tiền ngay lập tức; mạo danh đại lý bán vé bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.

Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến phi trường.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: