Nhạc sĩ Lam Phương, về trong dòng nhớ

Gia đình nhạc sĩ Lam Phương bên di ảnh và tro cốt của ông, cùng các văn nghệ sĩ từng gắn bó, duyên nợ với nhạc Lam Phương

Nhạc sĩ Lam Phương cuối cùng cũng được về cố hương sau gần nửa thế kỷ viễn xứ. Sau hai năm giã từ cõi tạm, tro cốt nhạc sĩ Lam Phương đã được đưa về lại Sài Gòn, về lại chính căn nhà mà ông đã đi xa từ hơn 47 năm trước.

Về căn nhà kỷ niệm được vài hôm, tro cốt  ông được rước đến chùa Giác Ngộ, Sài Gòn trong Lễ tưởng niệm nhạc sĩ Lam Phương tổ chức vào tối 21 Tháng Mười Một 2022. Đây cũng là ngôi chùa mà ông đã đến quy y từ những ngày còn trẻ.

Lễ kỷ niệm không có nước mắt, nhưng có những niềm nhớ rưng rưng và những câu chuyện được kể, gợi lại cùng giai điệu quen thuộc trong những sáng tác nổi tiếng của ông. Bên cạnh những người thân trong gia đình, khán giả mộ điệu, vợ chồng nghệ sĩ Việt Hương – Hoài Phương, buổi tưởng niệm còn có mặt khá nhiều văn nghệ sĩ, những người đã gắn bó ít nhiều với dòng nhạc Lam Phương.

Đó là Thái Châu, người đầu tiên chính thức giới thiệu hát bản Thành phố buồn ra công chúng trên sân khấu kịch Túy Hồng. Đó là Họa Mi, người có bản nhạc ăn khách nhất trong sự nghiệp của mình với Em đi rồi, và đêm nay chị hát lại bài Trăm nhớ ngàn thương – một bài hát mà khi Hoạ Mi mới tới Pháp năm 1988, chị lên Đài phát thanh Pháp Á trả lời phỏng vấn và hát, do chính nhạc sĩ Lam Phương đệm đàn.

Với nhiều ca sĩ, nhạc sĩ Lam Phương là một bậc tiền bối mà họ chịu sự ảnh hưởng lớn lao với tất cả lòng kính quý

Ca sĩ Quang Lê đến trong dòng nhớ: Năm 2007 Trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình nhạc Lam Phương có chủ đề Đường về quê hương và Quang Lê hát bài hát chủ đề này của chú Lam Phương. Bài hát có câu Quê hương ơi Việt Nam nước tôi, Tôi mong ngày về từng phút người ơi… Hôm nay chú đã được về rồi.

Nhạc sĩ Thái Thịnh, một hậu bối từng có nhiều dịp gặp nhạc sĩ Lam Phương thì không giấu được sự xúc động:

“Con tin là gia quyến cũng mãn nguyện và được an ủi rất nhiều. Chú đã về quê hương giữa vòng tay ấm áp của toàn thể gia quyến, giữa hàng triệu trái tim đồng bào yêu nhạc Việt, đặc biệt yêu quý dòng nhạc Lam Phương. Là kẻ hậu bối, con chỉ xin được nói đến sự ảnh hưởng lớn lao từ chú đã truyền đạt: Nhân cách người nhạc sĩ, yêu mến với quê hương, vui buồn cùng đất nước, thảo kính Mẫu Thân và rất nhiều thi vị trong tình yêu đôi lứa. Mạnh mẽ, lạc quan đến hết đời, nụ cười rạng rỡ dường như bất tận. Không ai biết ở nhà chú thế nào nhưng hễ ra ngoài, mọi người nhìn thấy chú là đều nở nụ cười rạng rỡ. Con tin là hôm nay chú vẫn nở nụ cười hiền hậu và tươi đẹp như bao năm chú còn tại thế”.

Tan buổi lễ, trời về khuya, tôi rời chùa, đi một vòng quanh khu chợ Nguyễn Tri Phương, ngang qua căn nhà xưa của ông. Căn nhà mà người yêu nhạc ông chưa chắc đã biết rõ nằm cụ thể ở đâu, nhưng đều biết rằng ông mua được từ tiền tác quyền bài hát Thành phố buồn. Và đây là câu chuyện rất thường được nhắc đến như một trong những ví dụ sinh động nhất về tác quyền một bài hát một thời nhiều đến như vậy. Từng có lúc người ta phải xếp hàng để mua tờ nhạc in bài hát này, từng có lúc chính nhạc sĩ phải đi mua thuốc lá cho thợ nhà in thức trắng đêm in tiếp cho kịp những đợt phát hành nối bản.

Nhạc sĩ Ngọc Sơn chia sẻ, ông từng được nhạc sĩ Lam Phương góp ý nhiều trong buổi đầu tập sáng tác

Căn nhà của ông vẫn nằm trên con đường cũ Nguyễn Lâm, một trong những con đường hiếm hoi không bị đổi tên sau 1975. Mọi thứ chung quanh thay đổi khá nhiều, những chỉ có con đường nhà ông và khu vực xung quanh là vẫn nho nhỏ như xưa. Căn nhà kỷ niệm đã được sửa sang lại khang trang hơn để người thân có thể tiện dụng cùng ở chung mái ấm.  Ngang qua, cánh cổng khép hờ, có lẽ người ở nhà đang đợi những người khác còn nấn ná ở chùa chưa về. Trong đầu tôi lúc ấy cứ vang lên giai điệu bài Đường về quê hương.

Buổi tưởng niệm có hai phần, ngoài phần lễ là phần nhạc, với sự trình diễn 15 ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Lam Phương. Ngoài  một số tiếng hát nổi tiếng từng thành danh với nhạc Lam Phương như Họa Mi, Thái Châu, Quang Lê…, có khá nhiều giọng ca trẻ tham dự,

Hẳn nhiên số nghệ sĩ tham dự không nói lên được gia tài âm nhạc đồ sộ của người nhạc sĩ tài hoa. Suốt sự nghiệp mình, sáng tác của ông đã góp phần chắp cánh cho rất nhiều tiếng hát nổi danh. Thật tiếc khi nhiều tiếng hát không có mặt trong lễ tưởng niệm như mong đợi. Một số ca sĩ hẹn mà không đến. Một số ca sĩ đến mà không đợi được, nên tranh thủ xuất hiện ngay khi phần lễ tưởng niệm đang diễn ra trong khi phần biểu diễn ca nhạc còn chưa đến. Nên mới có chuyện người đang lo thắp hương phải thắp cho xong, người hát lo hát cho kịp giờ chạy show, khiến cảm xúc người dự có phần bị hụt hẫng.

Cũng như, thật tiếc, nếu đêm nhạc ấm cúng trong khuôn viên ngôi chùa này chỉ là một đêm acoustic thôi, thay vì được thể hiện bằng dàn nhạc với nhiều nhạc cụ, thì có lẽ không khí sẽ ấm cúng và gần gũi hơn với không khí một buổi lễ tưởng niệm.

Gia đình cố nhạc sĩ Lam Phương cùng các văn nghệ sĩ và quý thầy chùa Giác Ngộ cùng chụp hình lưu niệm khi lễ tưởng niệm kết thúc

_______________

Tro cốt nhạc sĩ Lam Phương được đặt ở chùa Giác Ngộ đến ngày 20 Tháng Mười Hai 2022 và sau đó được đưa về Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Cũng là kịp để bà Marie Tô Ngọc Thủy, CEO Trung tâm Thúy Nga về Việt Nam thực hiện buổi lễ đưa tiễn (bà Thủy là người cùng với gia đình nghệ sĩ Việt Hương – Hoài Phương đứng ra lo liệu cho chuyến về quê lần cuối cùng này của ông).

_________

Bài và ảnh: Lê Minh Hạ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: