Anh hùng vô danh 

Minh họa: pexels-lisa-fotios

“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”

(Lương châu từ, Vương Hàn)

____________

Khi thầy Tú, giám thị coi thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt vừa đi xuống cuối dãy phía bên kia thì Thắng đạp chân Thành nói nhỏ:

-Xé cho tao tờ giấy làm giấy nháp đi.

Thành bực bội vì cái thói làm biếng, đi thi toán mà không chuẩn bị gì cả của Thắng nên làm lơ, không nói gì. Đợi một lúc không được Thắng lại hối:

-Cho tao xin miếng đi, mày xấu quá!

Thành liếc nó một cái rồi xé rẹt một tấm trong quyển vở, liệng qua cho nó mà chẳng thèm dòm như xí “cô hồn.” Trước thái độ tức giận của thằng bạn, Thắng khoái trá cười hềnh hệch và cả hai không bao giờ nghĩ đó là thời khắc sau cùng của tụi nó, vì chỉ vài phút sau là Dinh Độc Lập bị dội bom rồi trường Lasan Taberd đóng cửa vô thời hạn và tụi nó chẳng bao giờ còn ngồi chung lớp với nhau. Đấy là ngày lịch sử 8 Tháng Tư 1975 và khi đó bọn chúng đang học lớp Chín!

Năm ấy, đến mãi gần cuối Tháng Mười, học sinh mới được Sở Giáo Dục TP.HCM (tên mới của Sài Gòn) gọi nhập học lại sau biến cố 30 Tháng Tư. Thành náo nức đến trường! Thứ nhất là vì nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè; thứ hai là muốn xem ai còn ai mất và bây giờ cuộc sống của mọi người ra sao dưới chế độ mới?

Đứng giữa sân trường, Thành cảm thấy bơ vơ, hụt hẫng bởi bạn bè vắng mặt khá nhiều, lớp thì theo gia đình “di tản” vào những ngày cuối Tháng Tư 1975, lớp khác lại bỏ học như anh em thằng Thắng chẳng hạn mà sau này hắn biết lý do chính là bởi lúc đó có một số sinh viên, học sinh quan niệm rằng họ thà chịu dốt chứ không chấp nhận nền giáo dục của cộng sản, một hình thức chống đối tiêu cực của lý tưởng tuổi trẻ trí thức miền Nam thuở ấy!

Trong các ngày tháng đầu tiên của nỗi sợ hãi buổi giao thời, dân chúng luôn luôn phập phồng, lo âu, chẳng biết mình bị bắt lúc nào, tương lai ra sao? Tuy nhiên người ta vẫn phải cố gắng hội nhập với chế độ mới, con người mới, chính quyền mới vì gia đình, vì cuộc sống!

Bởi thế Thành cũng ráng cắp sách tới trường vừa học vừa nghe ngóng tình hình và hắn nhiều lần ngạc nhiên khi ra đường thấy hình ảnh giống nhau như đúc của các ông cán bộ, mặc áo sơ mi trắng cụt tay, quần kaki dài màu xanh cứt ngựa, đội nón bộ đội, thắt dây nịt nâu, chân đi dép cao su trắng, vai mang “túi cót” nâu hay đen; còn mấy “cán bộ gái” thì tóc thắt bím dài xuống tới thắt lưng, cũng mặc áo sơ mi trắng, cổ tròn, quần sa ten đen, chân mang guốc nhựa trắng trong, đế thấp, đi trên phố xá Sài Gòn với ánh mắt ngơ ngác, hết nhìn nhà cửa tới ngó xe cộ trong sự lạ lẫm, thèm thuồng.

Đôi lúc hắn cùng nhiều người đi đường, dừng xe nép vào bên trong cho đoàn quân bộ đội từ trên rừng kéo vào thành phố và ngỡ ngàng trước một quân đội mà ngoài súng ống còn có cả mấy chú bộ đội với nồi niêu xoong chảo trên lưng, hay nhìn hai chú bộ đội mặt non choẹt kẻ trước người sau đang cóng róng vác chiếc đòn tre trên vai mà nơi đó có treo lủng lẳng những cái chảo, cái nồi thật lớn, trông vô cùng ngộ nghĩnh!

Thời gian này hắn đôi lần bắt gặp Thắng đạp xe đạp lọc cọc qua những con đường gần nhà mà không gọi, bởi dẫu là bạn nhưng chẳng thân nhau. Vả lại nhìn mặt Thắng bây giờ dàu dàu, ánh mắt có vẻ  đăm chiêu, xa xăm như đang suy nghĩ tới một điều hệ trọng nào đó chứ không còn nét tinh nghịch, yêu đời của ngày trước nữa, khiến Thành ái ngại.

Một sáng chủ nhật, trong lúc Thành đang đứng mua bánh mì ở Ngã Năm Bình Hòa thì thấp thoáng có bóng một người thanh niên đạp xích lô tấp vào. Hắn nhìn lên:

-Ủa! Người kia la to.

Thành cũng ngạc nhiên không kém, buột miệng thốt:

-Ơ!

Người thanh niên nọ là thằng Ngân, Trưởng Ban Kỷ Luật năm lớp Chín của hắn. Hôm nay Thành gặp lại Ngân trong một hoàn cảnh thật bất ngờ khiến hắn vô cùng ngỡ ngàng, bởi Ngân cũng thuộc vào loại con nhà giàu, học giỏi nhưng chỉ nhập học lại chừng vài tháng thì “biến” mất tiêu rồi, không dè bây giờ gặp lại thì tại sao nó lại ra nông nỗi này? Tuy nhiên vì tế nhị, Thành không hỏi lý do. Từ dạo ấy Ngân thường lui tới nhà hắn chơi và dần dà hai đứa trở nên thân thiết.

Một lần, Ngân kể hắn nghe dù nó còn cha mẹ đầy đủ nhưng do là cháu đích tôn nên được ông nội thương mang về nuôi. Khi biết được Ngân là cháu nội của ông Hai “hột xoàn” thì má Thành bảo, hồi xưa ở Chợ Ngã Ba Cây Thị và khu vực Cầu Hang, Kho Đạn…, không ai không biết tới độ giàu của ông nội Ngân. Cũng theo lời Ngân thì ông nội nó có cả “tô hột xoàn”. Bởi vậy sau 1975, ông bị Việt Cộng cướp mất trong đợt đánh tư sản đầu tiên, làm ông uất ức hộc máu chết, khiến nó không còn ai nuôi phải bỏ học, đạp xích lô để kiếm sống!

Lúc biết được thân thế của Ngân, Thành nhủ thầm trong bụng, hèn nào mà hồi còn đi học nó chả như bóng với hình cùng anh em thằng Thắng, vì con nhà giàu chơi với nhau, do ba thằng Thắng cũng là chủ một công ty nhập cảng máy móc gì đó ở Sài Gòn!

Thời gian này Thành hay về thăm nội hắn ở gần chợ Ngã Ba Cây Thị. Nhà ông bà nằm gần vách tường của sân banh Lê Văn Duyệt ngày trước, sau này cộng sản đổi tên thành “sân vận động Trần Phú”. Đôi khi Thành thấy thằng Thắng thường đến đây tập chạy bộ. Nó chạy bất cứ lúc nào khi có thời gian rảnh rỗi!

Minh họa: pexels-matheus-bertelli

Một buổi chiều, nhân “tán dóc” với Ngân về bạn bè trong lớp ngày xưa, khi Thành nhắc đến Thắng thì Ngân rủ hắn lên nhà Thắng chơi, vì tụi nó vẫn còn liên lạc với nhau. Nhà Thắng nằm trong con hẻm rất to gần chợ Gò Vấp và rạp hát Đông Nhì cũ. Lúc hai thằng tới thì chỉ gặp Thịnh, anh của Thắng mà thôi. Nghe nói là hồi xưa không biết gì nguyên cớ nào mà ba nó làm lại khai sanh nhỏ tuổi cho hai anh em nên Thắng và Thịnh có cùng tuổi, một thằng sinh đầu năm còn đứa thì cuối năm, thế nên hai thằng là bạn học cùng lớp với bọn hắn.

Ba thằng đứng trước cổng nhà đấu láo khoảng hơn nửa tiếng đồng hồi đến khi trời chạng vạng thì Thắng chạy xe đạp về tới. Nó nhìn Thành ậm ừ chào, và chỉ nói chuyện rôm rả với Ngân, kể lể về các chuyến buôn lậu củi từ Long Khánh về Sài Gòn, chứ ít để ý tới Thành làm hắn nghĩ bụng “thằng này chắc vẫn còn thù hắn vì vụ xin tờ giấy năm xưa đây!” Đó là những ngày cuối năm 1977 mà Thành còn nhớ rõ.

Năm 1978, sau khi học hết phổ thông (trung học cũ), ba Thành cho hắn lên đường vượt biên. Tuy nhiên hắn kém may mắn nên trong suốt hai năm hắn đi nhiều chuyến không lọt mà lại còn bị tù hai lần. Lần thứ nhất, hắn bị giam ở Cà Mau, nhưng vì vóc dáng nhỏ bé nên hắn khai ít tuổi và được thả về sớm sau một tuần bị bắt. Lần thứ hai là do hắn vượt trại lao động ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Lúc này hắn phải trốn về tá túc ở nhà nội hắn chứ chẳng dám trở về địa phương và bấy giờ thấy hắn ngày tối cứ chui rúc sau vườn nên ba hắn có dẫn Ngân tới đây cho hắn bầu bạn. Nhờ có người tâm sự nên hắn cũng khuây khỏa, tinh thần bớt căng thẳng. Một hôm, bất chợt Ngân lại đưa Thắng đến thăm hắn theo ý muốn của Thắng. Lần này Thắng vui vẻ, cởi mở và nói chuyện huyên thuyên chứ không thờ ơ lãnh đạm như xưa, làm hắn cũng khá ngạc nhiên. Thái độ của Thắng cũng nồng ấm hơn, nó hỏi:

-Bây giờ mày làm gì?

-Đâu có làm gì đâu? Thành lắc đầu thở dài.

Thắng tiếp:

-Đi theo tao buôn củi không?

Thành lấp lửng:

-Để coi.

Trong niềm vui gặp lại bạn bè cũ, Thắng sôi nổi kể đủ chuyện. Từ chuyện do ba nó là nhà xuất nhập cảng nên sau 1975 ông có viết thư cho các hãng Đài Loan ở bên ngoài để trao đổi công việc nhưng lại bị chính quyền ghép tội kinh tài cho tổ chức “phục quốc” nào đó để lấy công ty, tịch thu chiếc Peugeot 504 đời 1973 của ông và bắt giam ông vào phòng 2 Khu ED của Chí Hòa vào cuối năm này cho tới giờ vẫn chưa thả, đến việc lúc thăm nuôi gặp mặt ba nó sau này thì được ông cho biết là ông bị nhốt chung phòng với Trần Thành; người Triều Châu sang Việt Nam sống ở Chợ Lớn, là chủ công ty Thiên Hương, giám đốc hãng sản xuất bột ngọt “Vị Hương Tố” lừng danh khắp miền Nam trước 1975, kẻ đã cho Bắc Việt mượn đường ống cống xả chất thải để chuyển quân vào tấn công Sài Gòn trong trận Tết Mậu Thân để cuối cùng được họ “tưởng thưởng” bằng việc bắt giam vào nhà đá và tịch thu toàn bộ tài sản!

Vụ này dù đã được chính quyền Trung Quốc can thiệp nhiều lần nhưng Hà Nội vẫn không thả khiến họ tức giận và dùng tên Trần Thành đặt cho một con đường nào đó ở Bắc Kinh… Rồi chuyện tướng Nguyễn Khoa Nam chưa chết! Việc ông tự sát là một tin đồn do nhóm ông tung ra để lừa cộng sản! Và ông đã hủy dung mạo, giả dạng thành ăn mày để âm thầm “chiêu binh mãi mã” mong ngày trở lại. Thỉnh thoảng ông lẻn trở về thăm mẹ già vào những đêm hôm khuya khoắt. Con chó của ông nhận ra mùi hơi quen thuộc của vị chủ thân thương của mình nên tỏ ra mừng rỡ, nhổm dậy khi đánh được hơi ông từ bóng dáng của người ăn xin khi ông còn ở ngoài vỉa hè…

Ngồi nghe Thắng nói thao thao bất tuyệt, hắn như người từ cung trăng rơi xuống. Trong lúc Ngân nhìn Thành lắc đầu ngao ngán thì hắn chẳng hiểu câu chuyện huyền hoặc này Thắng lượm từ đâu ra? Dường như được trút bầu tâm sự xong nên Thắng có vẻ thỏa mãn. Đoạn hắn nhìn Thành cười mỉm:

-Nói thiệt, hồi xưa ở trường, tao thấy mày lờ đờ, chậm chạp, thanh niên tương lai, rường cột của nước nhà gì mà yếu ớt như con “gà chết” nên nản quá. Không ngờ bây giờ lại mạnh mẽ, chẳng những dám vượt biên mà còn vượt ngục nữa. Vậy mới đúng là dân “cây xăng xe be” chớ!

Lâu lắm mới nghe nó nhắc lại tên trường mà ngày xưa bọn hắn hay đọc nhại để chọc tức mấy “frères,” Thành phì cười. Ngân xen vô:

-Nó giờ gan lắm mày ơi! Vượt biên bị bể, bỏ chạy, súng bắn ầm ầm sau lưng cũng không sợ nữa là!

-Nhưng nó gan không đúng chỗ! Thắng phản bác.

-Là sao? Thành hỏi lại.

Gan là phải ở lại chiến đấu, không bỏ chạy! Chạy hết thì đất nước này ra sao? Ai lo? Tao nói mày đừng buồn nghe, vượt biên là bỏ trốn, hèn lắm!

Thành nhìn mặt Thắng chăm chú, mơ hồ thấy nó đến đây có ẩn ý gì đó chứ không phải chỉ thăm suông thôi. Nhưng rồi do hoàn cảnh sống bất hợp pháp, không hộ khẩu, nhiều khó khăn lại thêm tù tội nên Thành ít gặp Thắng, dù có vài lần nó mong mỏi muốn gặp hắn.

Bẵng đi một thời gian dài mãi đến giữa năm 1988 thì hắn gặp lại Ngân và nghe Ngân nói Thắng đã bị “bắn chết!” Một cái chết có nhiều uẩn khúc bên trong! Còn thằng Thịnh, anh nó, lấy con nhỏ bán chè bên ngoài chợ Gò Vấp, hai người có được một thằng con trai và cuộc sống của tụi nó nghèo khổ, vất vả lắm. Thành chép miệng bảo bụng “ngày xưa người ta thường nói học trò Taberd là dân con ông cháu cha, con nhà giàu có. Điều đó cũng đúng nên sau 1975, đám này nếu không đi ra nước ngoài được thì te tua nhất, thê thảm vô vàn”. Nghĩ đến đó hắn thở dài ngán ngẩm vì thân hắn giờ cũng chẳng ra gì!

________

Sáng nay mở cell phone ra, Thành lại thấy “missed call” với cái tên ngoại quốc lạ hoắc thường gọi hắn dạo gần đây hiện lên. Bực bội xen lẫn tò mò, hắn gọi lại thử một lần cho biết, nhưng thật bất ngờ là lúc bên kia vang lên giọng nói của người đàn ông bằng tiếng Việt:

-Dữ hôn, gọi cả chục lần mới trả lời mậy?

Thành vô cùng ngạc nhiên trước sự trách móc rất tự nhiên như thể đã biết nhau lâu lắm rồi của người nọ. Hắn nghĩ đây chắc phải là người quen thân tình lắm mới nói như vậy nhưng nhất thời không biết là ai nên ngập ngừng thăm dò:

-Xin lỗi… anh là ai?… Cho hỏi thăm quý danh… anh là gì?

-Cha, đúng là lịch sự như dân Mỹ há. Lỗi phải gì mà xin mày ơi?

Trả lời xong, người nọ cười hề hề:

-Tao nè. Thịnh đây!

-Thịnh… Thịnh..?

Thành lục lạo trong trí nhớ bắt đầu già nua của hắn, miệng lầm bầm tên người bên kia. Dường như sốt ruột vì không thể đợi lâu hơn, anh ta tiếp:

-Đu… đi Mỹ lâu, quên anh em rồi phải không? Thịnh, anh thằng Thắng cùng học Taberd hồi nhỏ với mày đây. Nhớ chưa, con?

-Ơ… ủa… mày đang ở đâu vậy? Tên Mỹ này của ai? Sao mày có số điện thoại tao hay vậy?

Thành reo lên mừng rỡ. Thịnh nói:

-Tên Mỹ này là của con trai tao. Tao đang ở Atlanta, Georgia! Mấy thằng bạn học cũ cho tao số phone của mày chứ tao làm sao biết được.

-Vợ chồng mày qua lâu chưa?

-Vợ chồng tao ly dị mấy chục năm rồi, bả đi đường bả, tao đi đường tao!

Nó dừng lại giây lát rồi kể lể dài dòng:

-Ông già vợ tao là thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến tử trận ở An Lộc. Bà xã tao là học trò trường Régina Pacis, sau 1975 gia cảnh trở nên nghèo nàn nên vợ tao phải phụ bà già bán chè trước chợ Gò Vấp. Nhưng bà già vợ tao thì còn thủ cựu lắm, đối với bả thì “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô; nữ sinh ngoại tộc…” nên cố hết sức cho con trai bả tức là thằng em vợ tao vượt biên. Nó đi cùng khoảng thời gian với mày đó. May nó đi “lọt,” định cư ở Mỹ, rồi bảo lãnh vợ con tao theo diện chị em. Sau này con tao lớn lên, học ra trường, và lại lãnh tao. Nhờ vậy tao mới có mặt chốn này. Tao đi diện “đu càng” mày ơi! “Trâu chậm uống nước đục,” tới nơi già cha nó rồi!

Nói xong nó cười hô hố như bất cần đời. Thành an ủi:

-Thôi kệ, dẫu sao thì cũng “better late than never!”

Thế rồi hai thằng hàn huyên rôm rả sau mấy mươi năm trời bặt tin nhau. Cuối cùng Thành ấp úng:

-Hồi còn ở Việt Nam, trước khi vượt biên lần chót tao có gặp thằng Ngân. Nó bảo em mày bị… bị… bắn chết… đúng không?

Ở phía bên kia Thịnh chợt im lặng hồi lâu. Cái im lặng ngầm như xác nhận sự thật đau lòng khiến Thành bỗng cảm thấy mình vô duyên khi gợi lại nỗi đau của người khác. Hắn lên tiếng:

-Cho tao xin lỗi đã…

Thịnh ngắt ngang:

-Không hề gì. Chỉ tại mày nhắc tới cái chết của em tao làm tao thêm tức thôi. Nó ngu thấy mẹ luôn á!

-Sao vậy? Thành xuống giọng.

-Đúng là nó bị bắn nhưng phải nói là nó bị Việt Cộng “xử bắn” mới chính xác!

Nghe Thịnh nói thế Thành hốt hoảng, giật bắn người hỏi gấp gáp:

-Nó làm gì bị xử bắn? Bị bắn khi nào? Tại sao mày biết được?

Thịnh chắt lưỡi:

-Mày nhớ hồi xưa nó đi buôn củi không? Thật ra là nó tham gia trong một tổ chức phục quốc và hoạt động ở vùng Long Khánh với nhiệm vụ là tổ trưởng của một “biệt đội ám sát gì đó!” Sau này bà già tao nghi ngờ có hỏi nó thì nó chối. Rồi từ đó nó ít về nhà lắm, gần như là mất tích luôn. Đến cuối năm 1985, có một thằng tới nhà báo tin rằng nó với một thằng nữa bị mang ra “xử bắn” để răn đe dân chúng giữa năm 1983 sau khi bị lộ và bị bắt!

-Thằng nhắn tin này chung vụ với nó hả?

-Má tao có hỏi chuyện đó. Nó bảo nó nằm trong vụ khác, nhỏ hơn, nhưng bị giam chung. Nhờ vậy mà em tao mới cho số nhà và nhờ thằng kia khi nào được tha thì về nhắn tin giùm.

Thành ngập ngừng:

-Bà già mày có hỏi thăm thằng đó chỗ chôn nó không? Có nhớ ngày giờ gì không?

-Có, nhưng lâu quá rồi, nó không nhớ nữa! Nó chỉ nói sáng một hôm chính quyền kêu dân chúng tập trung tại một bãi đất trống xem xử tử, rồi sau khi đọc cáo trạng và hành quyết xong, tụi nó được lệnh mang xác tử tù bỏ vào mấy cái hòm để sẵn gần đó cho xe chở đi. Lúc nó khiêng xác thằng Thắng lên thì cái khăn bịt miệng nó tụt xuống và có một trái chanh trong miệng thằng Thắng rớt ra, thế thôi!

Nói tới đó Thịnh ngừng lại một đổi khá lâu, đột ngột lớn tiếng chửi thề và trách móc:

-Đ.M. đành rằng Việt Nam không của riêng ai, và ai cũng có cha mẹ, ông bà, mồ mả tổ tiên để về viếng thăm. Tao hoàn toàn đồng ý với những người trở lại vì điều này. Tuy nhiên cũng có một số, lúc đất nước lâm nguy khốn khổ thì bỏ chạy hết, giờ ùn ùn kéo nhau về, ăn trên ngồi trốc, gái gú hưởng thụ, nhậu nhẹt hả hê, du lịch khắp chốn.

Có nhiều kẻ còn muối mặt bán cả danh dự, tư cách, quăng sự tự trọng của bản thân vào cống để quỳ lạy xin được hợp tác làm ăn với Việt Cộng, còn nó thì… , mày thấy hông, chẳng biết vùi thây chốn nào, chết chẳng kèn chẳng trống gì cả! Nó làm vậy cuối cùng chỉ thiệt thân nó thôi chứ thiên hạ đâu ai thèm nghĩ tới quốc gia dân tộc, lý tưởng… cái mẹ gì, như nó đâu?

Nghe tiếng Thịnh giận dữ trong điện thoại, Thành chợt nhớ tới những lời Thắng nói ngày xưa với hắn. Bây giờ thì hắn đã rõ lý do cùng ý định tại sao ngày ấy nó mò tới tìm hắn và cũng thầm “ngượng” về chính bản thân mình trước sự oán hận của Thịnh. Không biết nói sao hơn, Thành đành phân bua và an ủi bạn:

-Thôi, mỗi người có một quan niệm, một cách sống riêng mày. Đối với mày thì mày thấy vậy là dại, tuy nhiên đối với nó thì đó lại là ước mơ dấn thân và nó sẵn sàng hy sinh, sống chết cho ước nguyện, lý tưởng cao cả ấy của nó. Dẫu sao thì không ai dám chê bai hay xem thường những người như em mày đâu. Tụi nó thật sự là các “anh hùng vô danh” sống và chết cho quê hương đúng nghĩa luôn mà chúng ta hôm nay chỉ biết ngả nón chào kính phục họ chứ không dám có ý kiến gì cả!

Minh họa: pexels-lisa-fotios

Buổi nói chuyện với Thịnh qua đã lâu nhưng mỗi khi Ngày 30 Tháng Tư lại đến thì dư âm về hệ quả của “chiến tranh Việt Nam” năm nào lại khiến lòng hắn nao nao. Đôi khi Thành bỗng bỏ dở công việc đang làm, mắt thẫn thờ nhìn vào chốn xa xăm như thi sĩ Tô Thùy Yên “mười năm chết dấp” trong trại lao động tù đày giữa rừng thiêng nước độc, quanh năm bao phủ bởi sương mờ bóng núi ở cõi “Ta về” của ông vậy! Đau…

“Ta về một bóng trên đường lớn

Thơ chẳng ai đề vạt áo phai…

Xót…

“Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ

Nghe tàn cát bụi tháng năm bay”

____

Dayton, Tháng Tư buồn nhớ bạn

Ohio, Lập Xuân 2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: