Con tem vinh danh Nancy Reagan và ‘di sản’ AIDS/HIV khó quên của lịch sử Mỹ

Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden giới thiệu con tem vinh danh cựu Đệ Nhất Phu Nhân Nancy Reagan. Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images

Khi chỉ còn một tuần nữa là diễn ra buổi diễn hành thường niên Pride Festival, sự kiện chính của tháng Pride Month (ra đời đầu tiên vào Tháng Sáu 1969 ở New York), thì tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Hai, 6 Tháng Sáu, con tem bưu chính mới của Bưu Điện Hoa Kỳ có tên “Forever Nancy Reagan” – vinh danh cựu Đệ Nhất Phu Nhân (FLOTUS) Nancy Davis Reagan được công bố.

Con tem Forever Nancy Reagan. Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images

Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden là người điều phối buổi ra mắt. Buổi lễ có sự tham dự của Giám Đốc Sở Bưu Điện Hoa Kỳ ông Louis DeJoy, các thành viên của Ronald Reagan Presidential Foundation and Institute., và cháu gái của bà Nancy Reagan, Anne Peterson. Hôm 1 Tháng Sáu, Bạch Cung đã ra thông cáo về sự kiện này, ghi rõ bà Jill Biden sẽ tham dự buổi lễ ra mắt con tem vinh danh cựu FLOTUS Nancy Reagan. Bản thông cáo báo chí sau đó không rõ vì sao đã bị lấy ra khỏi trang web của Toà Bạch Ốc.

Sẽ không có gì để người dân Mỹ phải dần mở lại lịch sử, nếu thời gian ra mắt con tem vinh danh FLOTUS Forever Nancy Reagan này không phải là tháng Pride Month.

Ngay sau khi Twitter của FLOTUS đăng bản thông cáo, tạp chí Rolling Stone nổi tiếng chuyên đăng tải những bài viết về ca nhạc, điện ảnh, giải trí, chuyện hậu trường show biz đã đưa bản tin khá thẳng thắn: “White House kicks off #Pride2022 by hornoring Nancy Reagan, who ignore AIDS for years – Toà Bạch Ốc khởi đầu tháng Pride Month 2022 bằng cách vinh danh Nancy Reagan, người đã nhiều năm liền không quan tâm đến bệnh AIDS.”

Bên cạnh bài viết trên tạp chí Rolling Stone, chia sẻ của các nhà hoạt động/tổ chức bảo vệ hoặc ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ trên mạng xã hội, duy nhất chỉ có tờ AP News đề cập đến “chuyện khó xử” của sự kiện ra mắt con tem Forever Nancy Reagan. Tuy không ghi rõ danh tính, AP cho biết “các nhà bình luận khác đã bày tỏ sự giận dữ, bất bình khi Toà Bạch Ốc, dưới triều đại của một tổng thống đảng Dân Chủ đã tổ chức vinh danh buổi lễ, mặc kệ thời điểm là tháng Pride Month.”

Khi Toà Bạch Ốc đưa bản thông cáo về sự kiện, Twitter – một công cụ mạng xã hội của người dân Mỹ nắm quyền lực khá lớn về độ tương tác và sức ảnh hưởng, đã bùng lên những ý kiến giận dữ. Phản ứng đó đến từ những người chưa quên được sự thờ ơ của “The Reagans” đối với những người đồng giới, đặc biệt là thái độ hững hờ về cuộc khủng hoảng bệnh AIDS trong suốt thời gian nắm quyền của gia đình Reagan.

Toà Bạch Ốc, cụ thể là văn phòng của bà Jill Biden không đưa ra bất kỳ phản hồi nào để xoa dịu cơn sóng giận dữ trên truyền thông mạng. Tuần trước, Tổng thống Joe Biden ra một tuyên bố về Pride Month, trong đó ông nói quyền lợi những người LGBTQI đang bị tấn công không ngừng. Như một cách trấn an và bày tỏ sự đồng cảm, ông Biden nói “chính quyền chúng tôi tôn trọng, ủng hộ và nhìn nhận các bạn đúng với nhân phẩm trong con người thật của các bạn.”

Một phần trong bản tuyên bố “Tôn vinh sự kiên cường của những người LGBTQI+” của Tổng thống Joe Biden là nỗ lực hoạt động của các cá nhân, phong trào nâng cao nhận thức về đại dịch HIV/AIDS trong suốt những năm 80s – phần lớn là trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Ronald Reagan.

Lần giở lại lịch sử, cựu Tổng thống Ronald Reagan và chính quyền của ông đã không có động thái hoặc chính sách nào nhằm đối phó với bệnh AIDS. Virus này đã tàn phá cộng đồng LGBTQ+ trong nhiều năm trước khi biểu tượng bảo thủ này quan tâm đến việc giải quyết nó. Chính quyền của cựu Tổng thống Reagan khuyến nghị cắt giảm chi tiêu cho bệnh nhân AIDS vào giữa những năm 1980, sau khi thực tế là hàng nghìn người đã chết. Thư ký báo chí của ông Reagan từng bị bắt gặp khi nói đùa với giới truyền thông về cái mà họ gọi là “bệnh dịch đồng tính.” Khi đó, cựu FLOTUS Nancy Reagan đã ở đó.

Một bài viết trên AP News ngày 7 Tháng Ba 2016, chỉ một ngày sau khi cựu FLOTUS Nancy Reagan vừa qua đời (6 Tháng Ba 2016) phỏng vấn nhiều nhà đấu tranh cho bệnh HIV/AIDS và quyền của người đồng giới. Họ cay đắng lên án chính quyền Ronald Regan phản ứng chậm chạp trước cuộc khủng hoảng dịch AIDS. Nhiều quan điểm tuy khác nhau về bà Nancy Reagan nhưng hầu hết đều nhận định chung về sự tiếc nuối vì bà đã không sớm thúc đẩy chính phủ có hành động mạnh mẽ hơn để ngăn cản đại dịch.

Sự thật là, những bản tin đầu tiên về AIDS xuất hiện vào năm 1981, chỉ vài tháng sau khi triều đại của Reagan bắt đầu. Trong vòng vài năm sau đó, hàng ngàn người đồng giới nam đã chết vì căn bệnh này. Tuy nhiên, Reagan đã không nhanh chóng phê duyệt ngân sách quốc gia tài trợ các nghiên cứu y tế về AIDS. Ông Reagan cũng im lặng không đưa ra bình luận công khai nào về dịch bệnh. Mãi cho đến năm 1987, tức gần bảy năm sau khi đại dịch bùng phát, ông Reagan mới phát ngôn từ “AIDS” trong bài diễn văn trước công chúng. Khi đó, hơn 65,000 người Mỹ đã chết vì AIDS.

Một “scandal” khác có liên quan đến “The Reagans và HIV/AIDS” cũng cần được nhắc đến vì nó xảy ra đúng trong tang lễ của bà Nancy Reagan. Tại Thư viện Tổng thống Reagan ở Simi Valley, California, Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton đưa ra những lời phát biểu được cho là làm xúc phạm những nhà đấu tranh LGBT. Bà Clinton ca ngợi cựu FLOTUS Nancy Reagan “đã giúp quốc gia khởi cuộc tranh luận về HIV.”

Trả lời MSNBC tại tang lễ, bà Clinton nói: “Có lẽ không dễ dàng cho khán giả (của MSBBC) để nhớ lại mọi người đã khó khăn như thế nào khi nói về HIV/AIDS vào những năm 80s. Bởi vì cả tổng thống và bà Reagan, đặc biệt là bà Reagan, chúng tôi đã bắt đầu cuộc tranh luận quốc gia khi mà trước đó, không ai nói về nó (HIV/AIDS), không ai muốn làm gì với nó, và đó là điều tôi thật sự đánh giá cao. Với cách vận động hiệu quả, ít biện hộ…nó đã dần thấm sau vào lương tâm cộng đồng và mọi người phải bắt đầu nói: ‘Này, chúng ta cần phải làm gì đó’”

Sau đó, bà Hillary Clion phải đưa ra lời xin lỗi trước công chúng,nhìn nhận rằng bà đã nói sai về cách đối phó của gia đình Reagan với bệnh HIV khi ca ngợi đóng góp của bà Reagan trong việc nghiên cứu tế bào gốc chữa bệnh Alzheimer.

Tiến sĩ Marcus Conant, giáo sư về bệnh da liễu tại UC San Francisco, một trong các nhà khoa học đầu tiên chẩn đoán và điều trị bệnh AIDS nhớ lại những lo lắng và báo cáo của ông bị chính phủ Reagan bác bỏ như thế nào. “Đại diện của văn phòng Reagan đã gạt bỏ các báo cáo về bệnh truyền nhiễm. Phản ứng của bà ấy (Nancy Reagan) như thể đây là vấn đề pháp lý, không phải vấn đề y tế,” Tiến sĩ Conant kể lại về một cuộc họp với chính phủ Reagan trong buổi trả lời phỏng vấn của The Guardian – “họ quy trách nhiệm cho những người đồng giới nam mắc bệnh AIDS là đã vi phạm pháp luật.”

Sự thật là, “Lúc đầu, chúng tôi đã nghĩ HIV/AIDS gây ra bởi những người đồng giới nam. Sau đó, là những người dùng ma tuý qua đường tĩnh mạch, rồi sau đó nữa, là những người Haitians – tất cả đều sai hết. Đó là sai lầm!” – The Atlantic trích lời ông Anthony Fauci, khi đó là điều tra viên cấp cao của Viện Quốc Gia về Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm (NIAID) trong bài báo năm 2021. Chính quyền Reagan đã đáp trả các báo cáo khoa học về HIV bằng cách cắt giảm ngân sách lớn của các cơ quan y tế cộng đồng, bao gồm cả Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh (CDC). Viện Y Tế Quốc Gia, cơ quan hỗ trợ chính của quốc gia về nghiên cứu y sinh cũng gặp khó khăn với tìng trạng thắt chặt tài trợ lúc đó của chính phủ.

Như đã đề cập ở phần trên, mãi đến mùa Xuân 1987, khi cả nước có hơn hơn 65,000 người Mỹ chết vì AIDS thì chính quyền Reagan mới để mắt tới bệnh dịch.

Tờ The Guardian ngày 11 Tháng Ba, 2016 cũng không ngần ngại chạy tiêu đề: “Cái lắc đầu của đệ nhất phu nhân: Di sản AIDS rắc rối của Nancy và nhà Reagans.” Không phải ngẫu nhiên tờ The Guardian viết như thế. Nancy Reagan, phu nhân của Tổng Thống thứ 40 của Hoa Kỳ được nhà bình luận Sabato nhận định là “vị Đệ nhất Phu nhân có tầm quan trọng đáng kể trong lịch sử nước Mỹ. Bà đã giúp cho chính phủ của Tổng thống Reagan thành công hơn khi có sự đóng góp của bà.”

Vợ chồng cựu Tổng Thống Ronald Reagan. Ảnh: The Ronald Reagan Presidental Library/Getty Images

ABC News năm 2016 từng liệt kê năm điều chưa biết về bà Nancy Reagan, trong đó, điều thứ tư là sức ảnh hưởng ngầm to lớn của bà đến vận mệnh chính trị của triều đại Reagan. Thậm chí, một người bạn của gia đình Reagan nói rằng “không có Nancy, sẽ không có Thống đốc Reagan, không có Tổng thống Reagan.” Khi Reagan trở thành tổng thống, Nancy Reagan là tác động lớn “behind the scences” của Bạch Cung. Nhiếp ảnh gia của gia đình Reagan, Roger Sandler, từng nói với ABC News, “Bất cứ việc gì, dù công hay tư, nếu muốn đặt vấn đề một câu hỏi về chính sách, điều lệ nhưng không tiếp cận trực tiếp được với tổng thống, mọi người sẽ gọi bà Nancy.”

Sheila Tate, cựu Thư ký báo chí của bà Nancy Reagan, nói với ABC News rằng mặc dù “bà ấy chưa bao giờ khởi xướng bất kỳ chính sách nào… nhưng mọi người biết bà ấy có sức ảnh hưởng ra sao.”

Vợ chồng ông Ronald Reagan trong một buổi vận động tranh cử năm 1980. Ảnh: MPI/Getty Images

Thêm vào đó, báo giới truyền thông Mỹ biết rõ bà Nancy Reagan có rất nhiều bạn bè thân thiết trong giới LGBT. Vốn dĩ, bà Nancy và cả cựu Tổng thống Reagan đều xuất thân từ thế giới ánh sáng Hollywood. Họ có nhiều quen biết với những người đồng giới, và họ từng rất cởi mở với những người bạn đó. The Atlantic còn khơi ra được các cuộc điện thoại gần như mỗi ngày của bà Nancy với người bạn có tên Jerry Zipkin, một nhà xã hội học người đồng giới ở New York.

Người đảm nhiệm thiết kế nội thất cho bà Nancy, Ted Graber, từng ngủ lại Toà Bạch Ốc với bạn đời của ông – có lẽ là cặp đồng giới đầu tiên được nhìn nhận trong Bạch Cung. Khi nhà văn đồng giới nổi tiếng Truman Capote bị bắt ở Anaheim vì hành vi gây mất trật tự công cộng vào những năm 1980, bà Nancy đã có cuộc điện thoại nửa đêm cho Phó Văn phòng Toà Bạch Ốc Michael Deaver để tìm cách giải cứu cho Capote.

Một trong những người bạn thân nhất với gia đình Reagan, đó là ngôi sao điện ảnh Rock Hudson. Khi Hudson nhiễm AIDS vào năm 1985, ông muốn được chữa trị tại bệnh viện quân y Pháp – nơi được tin là có cách điều trị đặc biệt, nhưng để được như thế, Hudson phải có sự can thiệp của gia đình Reagan vì Hudson không phải là công dân Pháp. Rất tiếc, Nancy Reagan đã từ chối, với lý do là “không phù hợp nếu dùng sức ảnh hưởng của bà, một đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ.” Sau đó thì tên của Rock Hudson đã bổ sung thêm vào danh sách những nạn nhân chết vì HIV.

Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden và bà Anne Peterson, cháu gái của bà Nancy Reagantại buổi ra mắt con tem Forever Nancy Reagan. Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images

Con tem Forever Nancy Regan sẽ chính thức được phát hành ngày 6 Tháng Bảy, cũng là ngày sinh nhật thứ 101 của Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Nancy Davis Reagan (6 Tháng Bảy, 1921). Bà Nancy Reagan là đệ nhất phu nhân thứ sáu xuất hiện trên con tem của bưu chính Hoa Kỳ, sau bà Martha Washington, Dolley Madison, Abigail Adams, Eleanor Roosevelt and Lady Bird Johnson.

“Phía sau thành công của người đàn ông, luôn có bóng dáng của người phụ nữ” là thế. Và phía sau triều đại của The Reagans, cũng có một di sản để lại khắc tên của bà Nancy Reagan, đó là nỗi cay đắng của những người biết về cuộc khủng hoảng đại dịch HIV/AIDS những năm 80s.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: