Quân xâm lược Nga: Những chiến dịch chiếm đoạt tài sản trắng trợn

Tại những vùng quân Nga chiếm đóng, khi cờ Nga được dựng lên thì tài sản của người Ukraine cũng bị “chuyển quyền sở hữu”. Trong ảnh là vùng Zaporizhzhia Oblast thuộc Melitopol (ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Những tay súng bịt kín mặt ào vào khuân đi mọi thứ, từ những tài sản giá trị đến thậm chí cái bồn cầu. Đó là hình ảnh quen thuộc cho thấy cách mà lính Nga “giải phóng” các cơ sở kinh doanh và nhà xưởng tại những thành phố Ukraine bị họ chiếm đóng.

Một cuộc đánh cướp qui mô có hệ thống

Ở các thành phố Ukraine bị chiếm đóng, các vụ sáp nhập và mua lại công ty thường bắt đầu bằng cuộc trấn áp của các tay súng đeo mặt nạ. Không lâu sau khi quân Nga nắm quyền kiểm soát thành phố Melitopol, những người đàn ông mặc trang phục kín mít đã đến một trong những cơ sở lớn nhất của công ty Melitopolskaya Chereshnya (hay Melitopol Cherry). Chúng đánh các nhân viên bảo vệ và thông báo cơ sở đã có quyền sở hữu mới.

Vài tháng sau đó, nhiều công ty khác ở thành phố cũng chịu chung số phận như Melitopolskaya Chereshnya, một trong những doanh nghiệp kinh doanh trái cây lớn nhất Ukraine. Bây giờ, hơn một năm sau khi chiến dịch “ăn cướp” diễn ra, các công ty đổi chủ nhưng còn nguyên thương hiệu đang xuất hiện trở lại trên sổ đăng ký công ty của Nga với chủ mới người Nga!

Chúng sản xuất từ phụ tùng máy kéo đến đạn dược. Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đang điều tra vụ chiếm đoạt dưới họng súng hơn 300 doanh nghiệp ở khu vực Melitopol để xem liệu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và các bộ phận trong quân đội Nga có đứng sau lưng vụ ăn cướp hàng loạt này không. Trong khi đó, các chủ sở hữu cũ của các công ty bị tịch thu cũng tung ra chiến dịch đòi lại cơ sở và thương hiệu. Thông qua luật sư đại diện họ đã đệ đơn kiện các chủ sở hữu mới người Nga lên tòa án quốc tế đồng thời kêu gọi các khách hàng cũ đừng mua hàng mạo danh họ.

Pavlo Timofieiev, luật sư của công ty Melitopol Cherry, đã đưa hồ sơ các vụ kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu (European Court of Human Rights) ở Strasbourg, Pháp. Ivan Fedorov, Thị trưởng lưu vong của Melitopol (một trung tâm công nghiệp và nông nghiệp nhìn ra Biển Azov) cho biết: “Ngày nay, không còn một doanh nghiệp nào ở khu vực Melitopol muốn tồn tại mà không phải hợp tác với kẻ thù”.

Các doanh nhân bị mất công ty cho biết các vụ chiếm đoạt diễn ra trên khắp Ukraine bị chiếm đóng. Người Nga ăn cắp từ ngũ cốc, gỗ, trang bị gia dụng, máy móc, xe cộ đến đất nông nghiệp. Nhằm củng cố quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ chiếm đóng, quân xâm lược giao các doanh nghiệp lớn cho người Nga hay những người có thiện cảm với Nga quản lý, đồng thời cho phép người Nga và các đồng minh địa phương thu lợi từ cuộc chiến.

Ăn cắp thương hiệu

Trước cuộc xâm lược, mọi thứ diễn ra tốt đẹp đối với cơ sở của Melitopol Cherry. Theo Karina Stanchevska, Giám đốc tài chính của công ty, Melitopol Cherry đã tăng gấp đôi doanh số bán hàng trong những năm gần đây và đã bắt đầu chương trình đầu tư trị giá $50 triệu. “Chúng tôi là một công ty 20 tuổi với những kế hoạch lớn cho tương lai” – bà nói.

Nhưng mọi kế hoạch bị dừng lại đột ngột vào khoảng 5 giờ chiều ngày 27 Tháng Ba năm ngoái khi những chiếc xe bọc thép đến văn phòng của cơ sở và năm tay súng mặc áo choàng trùm đầu bước ra ngoài, nói giọng Nga, mặc đồng phục quân đội không có dấu hiệu nhận dạng. Theo lời khai của các công nhân, chúng tấn công bảo vệ bằng báng súng trước khi tiến vào văn phòng lấy tài liệu và tuyên bố cơ sở đã được quốc hữu hóa và có chủ sở hữu mới là người Nga.

Các cuộc tiếp quản bạo lực diễn ra theo kịch bản tương tự trên khắp thành phố. Nếu người quản lý hoặc chủ sở hữu không đồng ý thì sẽ bị bắt ngay lập tức. Sau đó là giai đoạn hai của quá trình ăn cắp: Giới thiệu ban giám đốc mới. Một đại diện của chính quyền Melitopol thân Nga tập hợp các công nhân và giới thiệu Alexander Abramov, người đại diện cho sở hữu chủ mới là một công ty có trụ sở tại Moscow.

Tháng Sáu 2022, Melitopol Cherry tái xuất hiện trong sổ đăng ký công khai của các công ty Nga với tên giám đốc là Alexander Abramov. Phía Ukraine tin rằng tên đăng ký chỉ là bình phong còn chủ sở hữu đích thực là FSB và các chủ doanh nghiệp Nga có ảnh hưởng. SBU cũng đang điều tra mối liên hệ giữa công ty Yuzhny Proekt và Magma Oil and Gas, một công ty đường ống và kim loại lớn của Nga.

Galina Suchkova, người sáng lập Yuzhny Proekt có tên trong sổ đăng ký công ty tại Nga. Con trai bà Sergey Suchkov là chủ Magma. SBU đang điều tra xem Suchkov có phải là cựu lãnh đạo văn phòng địa phương của Ủy ban Điều tra (Investigative Committee), nơi chuyên điều tra các tội phạm lớn và báo cáo trực tiếp cho văn phòng của Tổng thống Vladimir Putin. Tại hội nghị kinh tế hàng đầu của Nga ở St. Petersburg vào tháng trước, chủ sở hữu mới của Melitopol Cherry đã quảng cáo trái cây của công ty như một sản phẩm của Nga, cùng với các tài liệu quảng cáo của công ty về Magma, theo các bức ảnh được đăng trên kênh Telegram của Nga.

Anatoly Kuzmin, chủ sở hữu Melitopol Factory of Autotractor Spare Parts cho biết nhà máy sản xuất phụ tùng máy kéo và đạn dược cho quân đội Ukraine của ông cũng bị những người có vũ trang cướp mất ngay sau khi thành phố bị chiếm. “Những người đàn ông có vũ trang và các quan chức địa phương do Nga hậu thuẫn đã cướp xe cộ, hàng tồn kho và thậm chí cả một bồn cầu mới lắp đặt” – ông nói.

Anatoly Kuzmin trốn sang miền Tây Ukraine. Nay, công ty của ông có tên trong danh bạ trực tuyến các doanh nghiệp Nga do một doanh nhân có trụ sở tại St. Petersburg chuyên về gỗ, ngân hàng và bán lẻ sở hữu. Nhà máy cũng sản xuất đạn pháo trở lại nhưng đạn đến tay lính Nga. SBU cho biết một doanh nghiệp khác của Melitopol cũng được chuyển quyền sở hữu cho một doanh nhân Nga ở St. Petersburg, đang cung cấp linh kiện, gồm cả vòng bi, cho các công ty quốc phòng Nga.

Các nhân viên cũ của công ty gọi điện cho các khách hàng xuất khẩu cũ yêu cầu không mua hàng của những kẻ mạo danh. Tập đoàn Isatex Invest Group có trụ sở tại Melitopol của Oleksiy Fokardi bị chia thành nhiều phần. Quân đội Nga tiếp quản khu công nghiệp lớn của họ để làm căn cứ quân sự. Còn các khách sạn và một khu văn phòng của công ty bị những kẻ tự xưng là nhân viên chính phủ Nga chiếm đóng.

Oleksiy Fokardi, 43 tuổi, đồng sở hữu và là Giám đốc điều hành của Isatex, thành lập công ty ở tuổi 20, trước khi phá sản năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính. Ông phải mất một thời gian mới xây dựng lại được. Kết quả của sự hồi sinh đó giờ nằm trong tay người Nga – dẫn lại từ Wall Street Journal.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: