TikTok giữa hai lằn đạn

Kế hoạch chuyển nhượng một phần mạng chia sẻ video trực tuyến TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance Ltd., cho các nhà đầu tư Mỹ đã gặp trở ngại vào cuối tuần qua sau khi chính phủ Trung Quốc ban hành quy định mới, hạn chế xuất cảng công nghệ, có ảnh hưởng tới thương vụ TikTok.

Cuối buổi chiều thứ Sáu 28-08, bộ thương mại và công nghệ thông tin Trung Quốc thông cáo các quy định mới hạn chế xuất cảng công nghệ liên quan tới trí tuệ nhân tạo, buộc công ty ByteDance phải đình hoãn các cuộc thương lượng với các nhà đầu tư Mỹ muốn mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ. Danh sách các nhà đầu tư tiềm năng có tập đoàn Microsoft hợp tác với nhà bán lẻ Walmart Inc, tập đoàn Oracle Corp. hợp tác với các quỹ đầu tư General Allantc, Sequoia Capital và Coatue Management LLC. ByteDance đã nhận được thông báo bày tỏ ý định của các nhà đầu tư và hy vọng sẽ thương lượng sâu các chi tiết trong hai ngày cuối tuần.

Hồi đầu tháng Tám, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã ra một sắc lệnh cho ByteDance 45 ngày, tức đến giữa tháng Chín, phải chuyển nhượng hoạt động của mạng TikTok ở Hoa Kỳ cho một công ty công nghệ Mỹ, hoặc phải ngừng hoạt động. Lý do mà chính phủ Mỹ đưa ra là TikTok thu thập quá nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm của người sử dụng ở Mỹ và có thể chuyển giao các dữ liệu này cho chính phủ Trung Quốc, gây phương hại tới an ninh quốc gia của Mỹ.

TikTik nói họ đã không và sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu người sử dụng Mỹ với chính phủ Trung Quốc và đã khởi động một vụ kiện khiếu nại sắc lệnh của Tổng thống Trump lên tòa án liên bang.

“Chúng tôi đang chứng kiến cuộc xung đột địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và chúng tôi bị đứng vào điểm giữa,”

Vanessa Pappas, lãnh đạo tạm thời của TikTok

Theo giới quan sát, sự kiện chính phủ Trung Quốc ban hành quy định mới vào phút cuối của thương vụ TikTok cho thấy Bắc Kinh muốn có tiếng nói quyết định trong những thương vụ chuyển giao công nghệ, giống như Hoa Kỳ đang làm. Và như vậy, vô hình trung thương vụ TikTok đã bị vướng vào cuộc tranh chấp địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington về tương lai của công nghệ trên thế giới.

“Chúng tôi đang chứng kiến cuộc xung đột địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và chúng tôi bị đứng vào điểm giữa,” lãnh đạo tạm thời của TikTok, Vanessa Pappas nói trong chương trình talk-show “Today” của đài NBC.

Các quy định mới của Trung Quốc bao gồm nhiều lĩnh vực công nghệ máy tính và xử lý dữ liệu, chẳng hạn như phân tích văn bản, khuyến nghị nội dung (hay nội dung hướng tới đối tượng), nhận diện giọng nói v.v… Danh sách hạn chế còn bao gồm các công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, công nghệ laser, công nghệ mã hóa, thiết kế chip điện tử và nhiều loại công nghệ cao khác. Việc xuất cảng các sản phẩm sử dụng công nghệ này phải có giấy phép đặc biệt của chính phủ Trung Quốc; tương tự như các quy định của Hoa Kỳ hạn chế việc chuyển giao công nghệ trong các thương vụ mua bán sáp nhập giữa doanh nghiệp Mỹ và đối tác nước ngoài.

Những người tham gia thương lượng việc mua bán TikTok nói rằng họ chưa hoàn toàn hiểu rõ các quy định này. Tuy nhiên hôm thứ Bảy, hãng tin nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa xã, đăng bài của một cố vấn thương mại của chính phủ Trung Quốc, nói rằng công ty ByteDance cần phải “nghiên cứu cẩn thận và nghiêm túc” việc có nên dừng các cuộc thương lượng mua bán hay không.

Ông Cui Fan (Thôi Phàm), giáo sư trường Kinh tế và Kinh Doanh quốc tế Trung Quốc, kiêm cố vấn của chính phủ Bắc Kinh, nói với Tân Hoa xã rằng, ByteDance thành công trên trường quốc tế là nhờ công nghệ nội địa Trung Quốc và như vậy việc bán TikTok cho nhà đầu tư nước ngoài là hoạt động xuất cảng công nghệ xuyên quốc gia, do đó bị chi phối bởi các quy định mới. Phía TikTok nói họ “tuân thủ nghiêm ngặt” các quy định về hạn chế xuất cảng công nghệ.

Xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khởi sự từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đã có chuyển biến từ việc tập trung vào thuế suất sang tập trung vào công nghệ. Ngoài TikTok, Hoa Kỳ cũng nhắm mục tiêu vào một số công ty công nghệ Trung Quốc như tập đoàn Huawei, tập đoàn Tencent và những công ty cung ứng thiết bị cho mạng lưới giám sát người dân của Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu Hoa Kỳ tiếp tục dấn tới thực hiện “Mạng Sạch” (Clean Network) như tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mike Pompeo, thế giới có thể sẽ chứng kiến sự hình thành hai khối kinh tế với hai nền tảng công nghệ khác nhau, hai mạng lưới internet khác nhau và điều đó không có lợi cho sự phát triển khoa học, công nghệ nói chung.

Theo công ty nghiên cứu Sensor Tower, TikTok là ứng dụng có số người tải xuống nhiều thứ hai tại Mỹ trong nửa đầu năm nay, sau ứng dụng trò chuyện trực tuyến của Zoom Video Communications Inc. Cho đến nay TikTok đã có khoảng 184,7 triệu lượt tải xuống ở Mỹ từ các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple; Mỹ trở thành thị trường lớn thứ ba của TikTok, chỉ sau Ấn Độ và Brazil.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: