America v. Trump: Công lý Hoa Kỳ có hai mặt?

Câu chuyện Thứ Năm
Ông Trump phát biểu trước các ủng hộ viên tại câu lạc bộ golf Bedminster, New Jersey hôm 13 tháng Sáu 2023 sau khi ra tòa tại Florida. Ông ta vẫn khẳng định quan điểm vụ truy tố ông ta 37 tội danh hình sự là một cuộc săn phù thủ chính trị. Ảnh Spencer Platt/Getty Images

Như tin đã đưa, ông Hunter Biden, 51 tuổi, con trai của đương kim Tổng thống Joe Biden, đã thỏa thuận “nhận tội” về trễ nộp thuế thu nhập và nói dối để mua một khẩu súng lục trong thời gian ông ta bị nghiện ma túy và bị cấm mua súng.

Chưa rõ ông ta sẽ bị trừng phạt như thế nào, nhưng từ phía đảng Cộng hòa đã lập tức vang lên những tiếng phản đối gay gắt nhắm vào tính công minh và độc lập của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ; kết án hệ thống này là “có hai tầng” (two-tier system), bị “vũ khí hóa” (weaponization), “chính trị hóa” (politicization) để phục vụ cho lợi ích của đảng cầm quyền và trấn áp lực lượng đối lập – lời kết án thường chỉ dành cho các nền tư pháp “có cả một rừng luật nhưng chỉ xài luật rừng” ở các xứ độc tài.

Sự thật như thế nào?

Vụ nhận tội của Hunter Biden xảy ra chỉ hai tuần sau khi cựu Tổng thống Donald Trump bị một đại bồi thẩm đoàn ở Miami, Florida truy tố 37 tội hình sự về hành vi thủ đắc bất hợp pháp hồ sơ mật của chính phủ và cản trở cuộc điều tra thu hồi các hồ sơ đó. 

Liên kết hai vụ này với nhau, ông Trump và những người ủng hộ ông ta cho rằng, luật pháp Hoa Kỳ rất bất công và “đã sụp đổ” (broken). Các dân biểu Cộng hòa trong Hạ viện Hoa Kỳ đã nhanh chóng tố cáo Tổng thống Joe Biden dàn dựng một án phạt nhẹ nhàng cho con trai ông và dọa sẽ gia tăng cuộc điều tra gia đình Biden.

Những ứng cử viên đang chạy đua giành chiếc vé đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là những người lên tiếng sớm nhất, mạnh mẽ nhất, tố cáo vụ “nhận tội” là một trò đùa và phê phán gay gắt cái gọi là sự “chính trị hóa” Bộ Tư pháp. 

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa – California) nêu lên sự khác biệt giữa các cáo buộc đối với Hunter và cáo trạng với ông Trump và cho rằng: “Nếu bạn là đối thủ chính trị hàng đầu của tổng thống, Bộ Tư pháp chắc chắn sẽ cho bạn vào tù ngồi đếm lịch, còn nếu bạn là con của tổng thống, bạn sẽ có một thỏa thuận ngọt ngào” (sweetheart deal), ông Carthy nói với báo chí tại trụ sở Quốc hội ngay sau khi có tin báo chí về vụ nhận tội của Hunter Biden.

Lớn tiếng nhất có lẽ là ông Donald Trump, cựu tổng thống và hiện là ứng viên hàng đầu tranh chiếc vé đại diện đảng Cộng hòa ra ứng cử tổng thống vào năm tới. Khi có tin về vụ nhận tội của Hunter Biden, ông Trump đã nhanh nhảu lên mạng Truth Social ví von hình phạt mà Hunter phải chịu chỉ như “một vé phạt vi phạm giao thông” và tố cáo hệ thống tư pháp Hoa Kỳ là “một nỗi ô nhục của nước Mỹ”.

Dân biểu James R. Comer (Cộng hòa – Kentucky) chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, cho rằng vụ xử phạt ông Hunter chỉ là một cú vỗ vai thân thiện và hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi chừng nào chưa vạch trần toàn bộ quy mô sự can dự của Tổng thống Biden vào các hoạt động của gia đình ông ta”. Ông Comer đã mở cuộc điều tra của Hạ viện, lùng tìm các chứng cứ phạm pháp của tổng thống và các thành viên gia đình Biden, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy gì.

Vậy có phải Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nương nhẹ Hunter Biden và cố tình hãm hại Donald Trump? Hãy xem kỹ hai trường hợp phạm tội của Hunter Biden và Donald Trump.

Trường hợp Hunter Biden

Theo hồ sơ tòa án, ông Hunter đã nhận hai tội tiểu hình (misdemeanor) về nộp trễ khoản thuế $200,000 cho khoản thu nhập $1.5 triệu ông ta nhận được năm 2017-2018; gọi là nộp trễ mà không gọi là trốn thuế vì sau đó ông ta đã nộp đủ thuế và khoản tiền phạt theo yêu cầu của Sở Thuế. Nếu bị kết tội trốn thuế thì ông ta có thể ngồi tù tối đa một năm. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi trễ nộp thuế thường chỉ bị phạt tiền và không bị truy tố hình sự. 

Tháng Mười năm 2018, ông Hunter mua một khẩu súng lục ổ xoay (rouleau) hiệu Colt Cobra 0.38 và sở hữu khẩu súng đó trong 11 ngày. Thời gian này ông ta bị nghiện chất kích thích và bị cấm mua súng, nhưng ông ta đã che giấu chứng nghiện đó. Nếu bị kết tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp, ông ta có thể bị tù tới 10 năm, nhưng theo thỏa thuận nhận tội, ông ta vẫn tiếp tục bị truy tố hình sự trước tòa nhưng không kết tội về hành vi mua súng. 

Ông Ông Hunter Biden. Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Vụ điều tra các hành vi phạm pháp của ông Hunter Biden đã khởi sự từ năm 2018. Ngay trong năm đầu tiên làm tổng thống, ông Donald Trump đã bổ nhiệm công tố viên liên bang David Weiss làm chánh biện lý tại tiểu bang Delaware để thực hiện cuộc điều tra này. Khi lên cầm quyền Tổng thống Biden đã để ông Weiss duy trì chức vụ để cuộc điều tra không bị gián đoạn và cũng để tránh tiếng bao che cho con cái.

Công tố viện cho rằng ông Hunter mắc tội nói dối chứ không phạm tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp nên thỏa thuận cho phép ông ta bị “quản thúc” (probation), định kỳ phải ra trình diện trước tòa để bảo đảm ông ta tuân thủ đầy đủ các quy định quản thúc như không tái nghiện, không mua súng đạn. Nếu Hunter vi phạm quy định thì thỏa thuận sẽ tự động bị hủy bỏ, ông ta phải vào tù; ngược lại, nếu chấp hành tốt thì vụ án sẽ được xóa khỏi hồ sơ. 

Đây mới chỉ là thỏa thuận “nhận tội” giữa bên bị (Hunter) và bên nguyên (Công tố viện thuộc Bộ Tư pháp), chưa có hiệu lực pháp lý. Sắp tới, ông Hunter còn phải ra tòa để nghe cáo trạng và quan tòa sẽ ra phán quyết một bản án cụ thể, có hiệu lực thi hành, thậm chí có thể bác bỏ thỏa thuận của hai bên. Tin mới nhất là ông Hunter phải ra tòa liên bang ở Delaware ngày 26 tháng Bảy 2023 và chủ trì vụ xét xử là Thẩm phán Maryellen Noreika, một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ do cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm.

Trường hợp Donald Trump

Thật là khập khiễng nếu so sánh tội trạng nêu trên của Hunter Biden với tội của ông Donald Trump thủ đắc bất hợp pháp hồ sơ mật của chính phủ và cản trở cuộc điều tra thu hồi các hồ sơ đó. Nhưng ông Trump – cũng như ông McCarthy nói trên – đã so sánh hai vụ này để kết án Bộ Tư pháp và rộng ra là hệ thống pháp lý của Hoa Kỳ.

Theo cáo trạng được trình tòa, vào tháng Năm năm 2021, các nhân viên tại Cơ quan Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) nhận ra rằng họ thiếu hồ sơ từ chính quyền Trump và yêu cầu ông cựu tổng thống trả lại chúng. Sau gần một năm từ chối, đàm phán và chiến thuật trì hoãn, Trump cuối cùng đã giao nộp 15 hộp chứa 184 hồ sơ mật đã bị lấy đi bất hợp pháp từ Tòa Bạch ốc và được cất giữ tại câu lạc bộ/nhà riêng/văn phòng của ông ta ở Mar-a-Lago, Florida.

Lo ngại rằng ông ta vẫn đang giữ một số tài liệu có liên quan đến an ninh quốc gia, xử lý nó một cách bất cẩn và đánh lừa họ, NARA đã yêu cầu FBI vào cuộc. Kết quả của cuộc điều tra của FBI chứng thực những nghi ngờ của NARA. Bộ Tư pháp đã triệu tập một đại bồi thẩm đoàn (grand jury) và phát hành trát đòi vào tháng Năm yêu cầu ông Trump trả lại tất cả các hồ sơ mà Trump còn giữ.

Trump sau đó tiếp tục phớt lờ và cản trở trát đòi, mặc dù đã được các cố vấn của ông ta nhiều lần thúc giục tuân thủ.

Hồ sơ mật về an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ bị ông Trump biển thủ và cất giữ một cách bừa bãi ở tư dinh tại Florida. Ảnh U.S. Department of Justice via Getty Images

Vào tháng Sáu năm 2022, các quan chức Bộ Tư pháp đã đến Mar-a-Lago, họ được giao thêm 38 tài liệu mật cùng với một tuyên bố hữu thệ do các luật sư của Trump ký cam kết rằng tất cả các hồ sơ nhạy cảm đã được chuyển giao.

Tuy nhiên, các nhà điều tra đã thu thập đủ bằng chứng để nghi ngờ tính xác thực của cam kết đó, đặc biệt là đoạn phim an ninh từ Mar-a-Lago trong đó Walt Nauta – một cận vệ của Trump từ thời ở Tòa Bạch ốc- khai rằng cựu tổng thống đã đích thân giao nhiệm vụ cho anh ta giấu những chiếc hộp hồ sơ sao cho các nhà điều tra không tìm thấy và nói dối luật sư của ông ta về điều đó.

Tháng Tám năm đó, FBI thực hiện lệnh khám xét Mar-a-Lago đã được tòa phê chuẩn và tìm thấy thêm 103 tài liệu mật, bao gồm cả các hồ sơ “rất nhạy cảm” về khả năng quân sự và vũ khí hạt nhân của Mỹ và của các quốc gia nước ngoài.

Tổng cộng, 60 trong số 325 tài liệu mật được thu hồi được đánh dấu tối mật. Vài ngày sau khi Trump chính thức tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2024, Bộ trưởng Merrick Garland đã chỉ định cố vấn đặc biệt Jack Smith giám sát cuộc điều tra về Trump do “những tình huống bất thường”.

Đầu tháng này, một đại bồi thẩm đoàn ở Nam Florida đã truy tố Trump về 37 tội danh có thể dẫn đến án tù, bao gồm cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng, âm mưu cản trở công lý, tuyên bố và trình bày sai sự thật. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cựu tổng thống Hoa Kỳ bị truy tố ở cấp liên bang (nhưng chắc chắn không phải là người cuối cùng).

Tại phiên tòa vào ngày 13 tháng Sáu, Trump không nhận tội đối với mọi cáo buộc. Phiên tòa xét xử Trump sẽ bắt đầu vào ngày 14 tháng Tám 2023 dưới sự điều khiển của Thẩm phán Aileen Cannon, một thẩm phán liên bang do Trump bổ nhiệm chỉ hai tháng trước khi mãn nhiệm kỳ tổng thống.

Cuộc tấn công vào nền tư pháp Mỹ

Hai vụ án kể trên rõ ràng khác nhau một trời một vực, cả về quy mô lẫn tác hại của hành vi phạm tội. Điểm giống nhau duy nhất là cả hai vụ án đều được điều tra và xét xử bởi các quan chức tư pháp do chính ông Trump bổ nhiệm.

Nhưng thay vì “nhận tội” như Hunter Biden, ông Trump đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng ông không làm gì sai mà ông đang bị các đối thủ chính trị bức hại một cách bất công vì giữ các hồ sơ mật; ông tự vẽ mình là nạn nhân của một “cuộc săn phù thủy” (witch hunt) của một “nhà nước ngầm” (deep state) do đảng Dân chủ kiểm soát để hạ bệ ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa đồng thời phớt lờ hoặc che đậy những hành vi sai trái của Biden, các thành viên gia đình Biden và các cựu quan chức khác.

Phần lớn các nhà lãnh đạo và cử tri đảng Cộng hòa cũng như hơn một nửa số cử tri độc lập tin vào câu chuyện này, gọi bản cáo trạng mới nhất của Trump là “có động cơ chính trị”, cáo buộc chính quyền Biden “vũ khí hóa” Bộ Tư pháp chống lại những người bảo thủ để “đánh cắp” cuộc bầu cử tiếp theo. Hầu hết các đảng viên Cộng hòa tin rằng Biden không chỉ phạm những tội giống như Trump mà còn tham nhũng – và rằng FBI đang bao che tội phạm.

Người biểu tình trước Toà Bạch Ốc vui mừng khi Trump bị truy tố vụ hồ sơ mật. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Ông Trump và những người ủng hộ ông trong đảng Cộng hòa phớt lờ những dữ kiện thực tế rằng hành vi phạm luật của Hunter Biden đã được Chánh Biện lý David Weiss – một biện lý liên bang được ông Trump bổ nhiệm năm 2017 – thực hiện điều tra suốt năm năm qua và đi đến thỏa thuận nói trên.

Việc truy tố và buộc tội ông Trump là quyết định của đại bồi thẩm đoàn tại Miami – bao gồm những cử tri của một địa hạt “đỏ”, thiên về hướng Cộng hòa bảo thủ – chứ không phải là ý muốn chủ quan của Cố vấn Đặc biệt Jack Smith hoặc Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland. Ngay cả phiên tòa xử ông Trump cũng được chủ trì bởi Thẩm phán Aileen Cannon, một quan tòa do chính ông Trump bổ nhiệm và đã từng đưa ra phán quyết ưu ái cho ông ta trong việc xử lý hồ sơ mật của chính phủ trước khi phán quyết đó bị tòa án cấp trên bác bỏ.

Ông Garland đã nhiều lần điều trần trước Quốc hội rằng ông đã trao cho Chánh Biện lý Weiss sự độc lập hoàn toàn để theo đuổi việc điều tra và truy tố Hunter Biden dựa trên chứng cứ. Trong các vụ điều tra cựu Tổng thống Donald Trump, ông Garland cố tình tránh xa, trao toàn quyền cho cố vấn đặc biệt Jack Smith và khẳng định ông ta chưa bao giờ thảo luận với Tổng thống Biden các vụ án như vậy. 

Khi đề cử ông Garland làm bộ trưởng tư pháp, ông Biden kỳ vọng nhân vật này sẽ khôi phục niềm tin của người Mỹ vào tính chất độc lập của Bộ Tư pháp sau nhiều năm bất ổn dưới thời chính quyền Trump. Ông Biden cũng nhiều lần khẳng định công khai rằng ông tôn trọng tính độc lập đó và chưa bao giờ có ý kiến với Bộ Tư pháp về công việc của họ.

Đảng Cộng hòa dường như đang tổ chức tấn công tổng lực vào Bộ Tư pháp và các cơ quan thực thi pháp luật của bộ như FBI nhằm hủy diệt lòng tin của người dân Mỹ vào hệ thống tư pháp của quốc gia. Những thiệt hại mà cuộc tấn công này gây ra cho nền dân chủ pháp trị của nước Mỹ xem ra trầm trọng hơn rất nhiều so với các hành vi của Hunter Biden và nhiều người khác. 

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật là một trong những nền tảng của nhà nước pháp quyền. Bất kỳ người Mỹ nào có một trong những hành vi giống ông Trump chắc chắn đều phải trả giá bằng những bản án nặng nề.

Ấy vậy nhưng theo quan điểm của Trump và những người ủng hộ ông ta, việc ông ấy vô tội hay có tội đều không quan trọng mà quan trọng là ông ta đang bị Bộ Tư pháp truy tố mà bộ này đang trong sự kiểm soát của đảng Dân chủ đối nghịch, mọi sự chống lại ông ta đều nghiễm nhiên mang tính chất chính trị, có động cơ và bất hợp pháp, bất kể sự thật, bằng chứng và luật pháp. Thay vì chống Trump, một kẻ tội phạm, họ quay sang chống hệ thống tư pháp và chính luật pháp nước Mỹ.

Thật là một lối hành xử kỳ quặc và nguy hiểm. Không truy tố Trump chỉ vì ông ấy đã từng giữ chức vụ tổng thống, ông ấy sẽ tranh cử vào năm 2024 sẽ là một sai lầm thực sự, một sự nhạo báng công lý.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: