Chỉ được thực tập qua loa, sẽ ‘ra lò’ một đội ngũ y, bác sĩ ấm ớ

18 bệnh nhân phải “tiếp” 82 sinh viên ngành y thực tập!
Sinh viên năm thứ hai, thứ tư ngành y khoa trường ĐH Y Dược TP.HCM thực hành tại trường – Ảnh: Thanh Niên

Sinh viên y khoa thực tập tại các bệnh viện ở Việt Nam hiện đang nhiều hơn số bệnh nhân, đến mức 18 bệnh nhân phải “tiếp” 82 sinh viên thực tập!

Ai vào bệnh viện nằm hẳn cũng rất ngán ngẩm bị sinh viên ngành y khám, rồi hỏi han đủ thứ. Thế mà 18 bệnh nhân ở Việt Nam phải “tiếp” đến 82 sinh viên thực tập, đúng là khủng hoảng!

Con số này do GS.TS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ, Tiền Phong ngày 12 Tháng Tám 2023 dẫn lời.

Nguyên văn ông Tuấn nói: Tại một bệnh viện lớn của Sài Gòn, có thời điểm một phòng bệnh có 18 bệnh nhân nhưng có tới 82 sinh viên thực tập, trong khi quy định, cùng một thời điểm không được quá ba sinh viên thực hành trên một bệnh nhân. Thực tế cho thấy một bệnh nhân phải “tiếp” gần năm sinh viên thực tập, vượt quy định trên 50%!

Vì sao lại có tình trạng này? Do có quá nhiều trường đại học ở Việt Nam được phép mở thêm ngành y, vì đây là ngành có học phí cao nhất!

Sinh viên ngành Điều dưỡng của trường ĐH Tân Trào thực tập tại bệnh viện – Ảnh: Tiền Phong

Tiền Phong thống kê: Hiện Việt Nam có khoảng 32 học viện, trường đại học đào tạo bác sĩ. Trong đó, miền Bắc có khoảng 11 cơ sở đào tạo nhưng chỉ có bốn cơ sở đào tạo có bệnh việc trực thuộc làm nơi cho sinh viên thực hành, đó là trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân Y, Học viện Y học cổ truyền, trường Đại học Y dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2016, Bộ Y tế thống kê Việt Nam có 185 cơ sở giáo dục đào tạo về Y – Nha – Dược, trong đó có 41 cơ sở đào tạo trình độ đại học, 53 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng và 91 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp, và nhu cầu sinh viên cần thực hành trên toàn quốc khoảng 560,000 người.

Cùng thời điểm, Việt Nam có khoảng 13,700 cơ sở khám – chữa bệnh từ trung ương đến địa phương với khoảng 210,000 giường bệnh để sinh viên ngành sức khỏe thực tập.  Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe chủ yếu lựa chọn các bệnh viện tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh, đa khoa hoặc chuyên khoa sâu.

Thế nên, mới có chuyện sinh viên y khoa của nhiều trường cùng xô đến một số bệnh viện tên tuổi để thực hành, dẫn đến quá tải về tỷ lệ sinh viên thực hành trên một giường bệnh.

Mặt khác, chỉ tiêu đào tạo bác sĩ tại các trường đại học tư thục ngày càng phình ra, xấp xỉ các trường đại học công, mà nhiều trường trong nhóm tư thục không có bệnh viện để thực hành!

Chẳng hạn, năm 2023, trường Đại học Đại Nam (tư thục) thông báo tuyển 380 sinh viên ngành y, thậm chí trường Đại học Võ Trường Toản (tư thục) tuyển đến 860 sinh viên ngành y, còn trường Đại học Y Hà Nội (công) chỉ tuyển 400 sinh viên.

Sinh viên ngành y thực tập tại một bệnh viện tại Sài Gòn – Ảnh: Thanh Niên

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho hay mấu chốt của việc quá tải chỗ thực hành của sinh viên nhóm ngành sức khỏe là trường đại học tư thục đi “vay mượn” bệnh viện, làm hỗn loạn môi trường thực hành, vừa ảnh hưởng đến cơ sở thực hành truyền thống của trường khác, vừa không bảo đảm phẩm chất bác sĩ trong tương lai.

GS.Trần Diệp Tuấn chia sẻ thực trạng đào tạo ngành y ở nhiều trường đại học rất đáng lo ngại vì số lượng sinh viên ngành y ở nhiều trường quá đông, giảng viên chính thức của trường thực hành ở bệnh viện cũng không nhiều.

Ông nêu thực trạng: “Tôi từng thấy một trường trang bị máy móc, thiết bị khá hiện đại, nhưng tổ chức lớp học với khoảng 500 sinh viên thì các em thực hành kiểu gì? Nếu có thì cũng chỉ qua loa, học ngó, học nhìn cho xong”.

Trước đó, ngày 25 Tháng Bảy 2023, Thanh Niên cũng phản ảnh về thực trạng này, cho biết khi nhiều trường đại học được phép đào tạo bác sĩ, số lượng sinh viên theo học khối ngành này tăng mạnh, khiến việc tìm kiếm bác sĩ hướng dẫn và có nơi để thực hành trở nên khó khăn.

Lo ngại về phẩm chất bác sĩ trong tương lai

GS-TS-BS Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Y (Đại học Quốc gia TP.HCM), chỉ ra rằng, nhược điểm lớn nhất của đào tạo y khoa tại Việt Nam hiện nay là đào tạo nhưng không có bệnh viện thực hành.

Tại Sài Gòn, hiện chỉ có trường Đại học Y – Nha – Dược TP.HCM có bệnh viện trực thuộc, các trường đại học có ngành Y – Nha – Dược khác đều phải ký kết với các bệnh viện bên ngoài. Trong khi ở các nước, trường đào tạo Y-Nha-Dược phải có bệnh viện để phục vụ nhu cầu thực tập của sinh viên.

Cũng theo vị bác sĩ này, sinh viên y khoa trước khi ra trường cần vững kiến thức cơ bản, kiến thức y khoa và thuần thục trong thực hành lâm sàng.

Lý tưởng nhất là một phòng 50 bệnh nhân mà có 20 sinh viên thực tập với nhiều người hướng dẫn; sinh viên năm thứ sáu (năm cuối) có thể được thực tập khám, hỏi bệnh, coi bệnh án, tham gia phụ mổ; ngoài ra, các bác sĩ còn chia sẻ với sinh viên thực tập kinh nghiệm giải quyết các tình huống xã hội cụ thể diễn ra trong quá trình khám chữa bệnh.

Nhưng hiện nay, vì quá đông sinh viên, cơ hội tiếp cận với việc thực hành bị hạn chế, thậm chí sinh viên thực tập đòi khám sẽ bị bệnh nhân phản ứng, từ chối vì họ đã bị quá nhiều “bác sĩ thực tập” khám và hỏi han trước đó.

Sinh viên khoa Y – ĐH Quốc Gia TP.HCM học tại phòng Mô phỏng giải phẫu học – Ảnh: Khoa Y – ĐH Quốc Gia TP.HCM

Bác sĩ Phước còn cho biết những năm 1970 – 1980, mỗi bệnh nhân chỉ có bốn thành phần phụ trách: Một bác sĩ chuyên khoa cấp 1, một sinh viên y khoa năm thứ sáu, một sinh viên y khoa năm tư và một sinh viên năm ba.

Thế nhưng, hiện nay, một bệnh nhân có trên 10 thành phần được phân công phụ trách nên hầu như có những sinh viên y khoa năm cuối không được tiếp xúc với bệnh án. Điều này rất đáng lo ngại, vì theo bác sĩ Phước, việc sinh viên y khoa năm cuối được cầm, được viết bệnh án là cách huấn luyện quan trọng trước khi ra trường.

So sánh với việc đào tạo bác sĩ trên thế giới, bác sĩ Phước cho biết các trường ở nước ngoài như Singapore và Mỹ rất kỹ về số lượng đầu vào, khi mỗi năm chỉ tuyển 100 – 180 sinh viên/trường, nhiều lắm cũng chỉ 200 sinh viên/trường, trong khi ở Việt Nam, có trường đại học tư thục tuyển đến 800-1,000 sinh viên học bác sĩ một năm!

Cũng theo bác sĩ Phước, quy mô sinh viên học y tăng nhanh trong khi số cơ sở thực hành không tăng nên nhiều trường cùng gửi sinh viên vào một bệnh viện nên có những bệnh viện cùng lúc đón vài trăm sinh viên của năm – sáu trường khác nhau.

Bác sĩ Phước ngán ngẩm: “Sự trùng lắp này làm cho cơ hội thực hành của sinh viên bị giảm xuống. Cảnh một số sinh viên y khoa ngồi hành lang bệnh viện, chỉ được nghe bác sĩ nói chuyện thực hành là một loại thực hành rất nguy hiểm”!

Ngoài ra, vì quá đông “bác sĩ thực tập” nên có những bệnh nhân phản ứng và từ chối hợp tác.

Hậu quả này rồi ai sẽ gánh chịu trong tương lai? Khi lớp bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản trong quá khứ trở nên già nua thì tương lai, các bệnh viện ở Việt Nam sẽ toàn là những bác sĩ ấm ớ vì từng “ngồi hành lang nghe bác sĩ nói chuyện thực hành”!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: