Phải trả lời câu hỏi…

Ông Phạm Bình Minh (trái) và ông Vũ Đức Đam (TTXVN)

Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam những vụ thanh trừng nội bộ không phải là hiếm, chỉ có điều những người bị thanh trừng không bao giờ được báo chí đưa lên mặt báo nhà nước vì lý do giữ thể diện cho Đảng. Hai nữa, những nhân vật bị mất ghế, vào tù hay âm thầm bị thủ tiêu, không ai vượt tới khu vực “thượng tầng” như hai ông Phó Thủ tướng hay thậm chí là ông Chủ Tịch nước như vừa qua.

Ném một lúc cả ba nhân vật cao cấp nhất vì hai đại án tham nhũng vào lò cho thấy sự chẳng đặng đừng của Đảng. Việc làm này gây ngạc nhiên không những cho cả nước mà quốc tế cũng nhìn lại cách phán đoán của họ về tính nhất quán trong hệ thống cầm quyền mà Đảng từ trước tới nay vẫn chứng tỏ là một thực thể nhất thống. Cái “chưa từng có” ấy lay động tận gốc rễ những lý thuyết về đạo đức cách mạng, về nhân cách, niềm tin, lý tưởng của đảng viên khiến quần chúng mặc dù đã biết chân tướng cũng phập phồng nghi ngờ về bức tranh đang trưng bày trước mặt.

Hình ảnh hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam lặng lẽ rút vào bóng tối có một chút gì đó tiếc rẻ từ đám đông, bởi hai ông là hình ảnh hiếm hoi chứng tỏ sức sống bởi tài năng, lý lịch thậm chí hình ảnh được trau chuốt cẩn thận mỗi khi xuất hiện. Phạm Bình Minh là bệ đỡ cho người chống Trung Quốc vì câu chuyện của cha ông, Nguyễn Cơ Thạch, trong quá khứ từng đập bàn hỏi Bộ Chính trị những câu hỏi khiến Nguyễn Văn Linh cùng với nhóm của ông ta không thể trả lời. Trong vai trò Ngoại trưởng, Phạm Bình Minh được thế giới Tây phương có phần kính trọng vì sự hoạt bát và chừng mực khi móc nối những biến cố quan trọng để Việt Nam đạt được những kết quả ngoại giao mà không cần đi đêm hay luồn cúi.

Vũ Đức Đam kém hơn Phạm Bình Minh nhưng so với số Phó Thủ tướng còn lại thì ông lại là khôi nguyên không cần bàn cãi. Trẻ tuổi, học vấn sâu, thích nghi với những vai trò năng động trẻ trung, chưa có phát biểu nào mang tính hồ đồ nhưng rất tiếc lộ rất rõ việc bao che, khích lệ việc chống dịch một cách mù quáng. Những tính cách ấy có thể diễn giải rằng ông ta là một mắc xích trong hệ thống nên phải lăn đúng khớp của những chiếc răng cưa nếu không muốn cả bộ máy bị đứng lại hay nghiền nát.

Trong vai trò một Phó Thủ tướng đặc trách chống dịch ông ta không thể làm khác khi bản thân Thủ tướng, người trực tiếp điều hành không hề nói khác hay gợi ý cách làm khác. Rồi ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chưa hề lên tiếng gợi ý cách làm của cả hệ thống cần xem xét lại thì tại sao lại đổ hết mọi lỗi lầm lên ông Đam khi không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào ông trực tiếp nhúng tay vào vụ Việt Á.

Không những cả hai ông Minh và ông Đam được hay bị gợi ý liên đới trách nhiệm vì hai vụ đại án nhưng còn ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng liên can thì khó mà thuyết phục được dư luận trong nước cũng như quốc tế, nhất là sau khi ông Phúc mạnh miệng tuyên bố: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á”.

Câu nói không cần ai hỏi này như một bị can trả lời trước tòa án hơn là câu phát biểu của một chủ tịch nước, mặc dù đang làm thủ tục cuối cùng trước khi trả lại môn bài miễn tử cho Quốc Hội để về nhà làm người tử tế.

Câu kêu oan của ông Phúc nhuốm màu thê thảm của một cuộc thanh trừng nội bộ hơn là kết quả điều tra mà Ủy ban trung ương đưa ra trước dư luận. Ông Phúc thẳng thừng cho tất cả các phe tham chiến thấy kết quả đổ lên đầu ông không phải từ sai trái của gia đình mà từ những sức mạnh tiềm ẩn được bung ra đúng lúc tiêu diệt phe cánh chứ không phải là hành vi chống tham nhũng như ông Trọng tuyên bố, theo đuổi.

Vậy trùm cuối là ai và điều gì phải làm tiếp?

Ông Nguyễn Xuân Phúc là phương diện quốc gia, là khuôn mặt, là hình ảnh của một đất nước. Nếu ông ấy thực sự tiếp tay với vợ con làm chuyện mờ ám thì hệ thống pháp lý của quốc gia ấy phải chứng minh cho dân chúng thấy bằng chứng rõ ràng thuyết phục. Cung cách tung tin đồn, thuyết âm mưu, chỉ có kết quả khi đàn áp dân thường nay áp dụng vào một Chủ Tịch nước e rằng chính bản thân ông ấy không thể không kêu oan. Và ông ấy đã kêu oan.

Một chủ tịch nước không phải là một tù nhân lương tâm, nếu hệ thống cảm thấy cách làm này toàn vẹn thì thật là hồ đồ. Việt Nam không phải là ốc đảo chính trị, Việt Nam cũng không phải là đất nước khép kín như Bắc Triều tiên, nó đã và đang phát triển bằng tính chính danh của một nhà nước đầy đủ lệ bộ như bất cứ một đất nước dân chủ nào trên thế giới. Đã tham gia trò chơi dân chủ phải thế hiện nó đầy đủ nhất là trong lĩnh vực pháp lý. Không thể mang hệ thống công an ra cùm kẹp tiếng nói của một chủ tịch nước trong khi một tổng bí thư quyền lực cao hơn vẫn khinh khỉnh nhìn sự việc lạnh nhạt và đầy thách thức.

Ông TBT thách thức dư luận, thách thức phe phái đối nghịch và thách thức cả Hiến pháp. Nếu không, ông phải công khai mọi chi tiết mà vợ con ông Phúc dính tay vào chàm. Không thể vì sợ làm xấu mặt Đảng mà giải quyết bằng cách tự thiến để về hưu, Ban Kiểm tra Trung Ương phải thật sự đủ mạnh, đủ can đảm phán xét vụ việc chứ không thể à uôm như cung cách vừa tra vừa né.

Ông Phúc không né vậy hà cớ gì mấy ông còn lại trong Ban chấp hành Trung ương lại né? Câu hỏi này cần được trả lời rốt ráo nếu không thì khuôn mặt Trùm cuối lại có dáng dấp khập khễnh như ông TBT kính mến.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: