Hoàng Dung trong “Anh Hùng Xạ Điêu” có ghen không?

Minh họa: hua-ling-unsplash

“Ghen” có phải là một hội chứng? Tại sao có người lại gọi “ghen” là “bệnh ghen”? “Bệnh ghen” chữa được không? Hay là một thứ “bệnh” nan y?

Vương Hải Hồng và Trương Hiểu Yến trong “Giải Mã Tiểu Thuyết Kim Dung (Bản dịch của Cao Tự Thanh, do nhà xuất bản Trẻ và công ty văn hóa Phương Nam xuất bản năm 2002), đã bàn về “Bệnh Ghen” như sau:

“Đàn ông là nguồn gốc của bệnh ghen tuông. Sức sản xuất phát triển mau lẹ, đàn ông từ chỗ săn bắn chuyển qua săn cả thú lẫn người, bắt đầu no cơm ấm cật dậm dật tứ chi, năm thê bảy thiếp, sự ghen tuông trở thành nguồn lợi riêng của phụ nữ. Phụ nữ vừa đưa thoi vừa dệt tấm vải ghen tuông. Ghen tuông là cái bóng của tình yêu, giống như âm hồn bất tán. Lã Hậu nhà Hán biến Thích phu nhân thành con heo người, Vũ Tắc Thiên nhà Đường giết Vương hoàng hậu, không ngừng khuynh loát hậu cung. Nhà sau bốc lửa khiến đàn ông lo lắng không yên. Vì thế bắt đầu từ thời Hán đã giáo dục phụ nữ “Không ghen tuông”.

(Giải Mã Tiểu Thuyết Kim Dung, Vương Hải Hồng & Trương Hiểu Yến, Cao Tự Thanh dịch, trang 146).

Đoạn văn trên chắc chắn là do Trương Hiểu Yến cô nương phóng bút! Chỉ có phụ nữ mới bàn về cái ghen bằng giọng điệu “trăm tội đổ lên đầu đàn ông” là hết chuyện!

Theo tôi, chính ra, phụ nữ mới là nguồn gốc của “bệnh ghen tuông”! Đàn ông chỉ là công cụ để “bệnh ghen tuông” của quý phụ nữ phát triển và thành tựu. Nếu “nhà sau có lửa bốc” lên là do ai đốt? Đập nát chén bát nồi niêu là do bởi hai bàn tay của ai? Đó là hai bàn tay thon thả mà thường khi rất mềm mại dịu dàng, có móng dài sơn đỏ sơn hồng.

Quý ông có thể không tiếc vài trăm bạc mua một chai cognac, nhưng lại sẽ rất ngại ngùng do dự khi cầm lên một cái tô, cái bát chỉ mua với giá dăm ba đồng để ném vào vách tường cho hả giận. Quý ông sẽ làm một công việc rất ngu xuẩn là dộng nắm đấm của mình vào cửa tủ lạnh hay vào cái ngực có chứa trái tim “lầm lỡ” của chính mình!

Chín mươi chín phần trăm quý đàn ông thường là ngu như vậy!

Minh họa: yang-miao-unsplash

Hãy nghe Vương Hải Hồng nói về Trương Hiểu Yến:

“Vì thế tôi bắt đầu khai triển võ công.

Người đầu tiên tham dự là cô Trương Hiểu Yến. Cô trở thành người hợp tác với tôi, viết một nửa quyển sách này. Cô là bạn tâm giao với Hoắc Thanh Đồng, quả nhiên quạt lông áo vàng, thanh tân thoát tục.”

(Giải Mã Tiểu Thuyết Kim Dung, Vương Hải Hồng & Trương Hiểu Yến, Cao Tự Thanh dịch, Lời Cuối Sách của Vương Hải Hồng, trang 300)

Cái khí thế khai sơn phá thạch của Vương Hải Hồng ở câu: “Vì thế tôi bắt đầu khai triển võ công”, bỗng không dưng xìu xuống thấy rõ sau khi có sự “áp tải” của Trương Hiểu Yến!

Hoắc Thanh Đồng quạt lông áo vàng, thanh tân thoát tục từ Đại Mạc phóng ngựa vút vào Trung Nguyên, mang theo một đóa hoa trên tóc, một thanh kiếm trong tay. Trương Hiểu Yến tóc không xịt keo, miệng nhai nhóc nhách kẹo chewingum hay ngậm me cam thảo, tay vung vẫy ví đầm Gucci bảy trăm đôla Mỹ một cái, tay kia lắc lắc chùm chìa khóa xe Lexus…

Hoắc Thanh Đồng vào Trung Nguyên theo đám người bộ tộc của mình đi tìm đoạt lại cuốn kinh Coran. Cuốn kinh Coran hiện nay nhiều tổ chức Hồi giáo in ra những ấn bản cực đẹp phát không ở nhiều nơi. Nếu tôi gặp Hoắc Thanh Đồng quạt lông áo vàng, thanh tân thoát tục hiện ra bây giờ, tôi sẽ đưa cô đi lấy bao nhiêu cuốn kinh Coran tùy ý cô muốn!

Còn Trương Hiểu Yến lái xe Lexus vào Giải Mã Tiểu Thuyết Kim Dung, làm một Trấn Ải Cô Nương giữ Nhạn Môn Quan cho Vương Hải Hồng.

Cô Trương Hiểu Yến viết về “cái ghen” của Hoàng Dung như sau:

“Hoàng Dung thích ăn chua uống giấm, Hoa Tranh và Mục Niệm Từ đều khiến nàng lửa ghen bốc cháy trong lòng, không thể kìm chế. Vương Nhất Thiếp trong Hồng Lâu Mộng vì muốn Giả Bảo Ngọc vui vẻ, bốc một “Liệu đố thang” (Thuốc chữa ghen) để trị bệnh ghen cho Hạ Kim Quế: Dùng lê mùa thu sên nước đường, mỗi ngày uống một thìa, lúc già chết đi sẽ thấy công hiệu. Đại khái ghen tuông là tuyệt chứng không thuốc nào chữa được, thuộc loại bệnh mạn tính, cũng không có quy luật phát bệnh.”

(Giải Mã Tiểu Thuyết Kim Dung, Vương Hải Hồng & Trương Hiểu Yến, Cao Tự Thanh dịch, trang 146)

Lê mùa thu đã ngọt, lại sên với nước đường thì cái ngọt có thể nói là bất khả tư nghị! Nhưng “Mỗi ngày uống một thìa cho đến lúc già chết đi sẽ công hiệu” thì quả nhiên là hết thuốc chữa. Bệnh ghen là một thứ công phu, trên nguyên tắc thông thường thì nó ám cả hai phái cả Nam lẫn Nữ. Nhưng người phụ nữ có tâm chất để luyện thứ công phu này đến chỗ thượng thừa cảnh giới Tam Hoa Tụ Đỉnh, Ngũ Khí Triều Nguyên hơn giới đàn ông gấp một triệu lẻ hai lần.

Minh họa: Unsplash

Trương Hiểu Yến kiến thức cục bộ, chỉ biết tới những nào là Lã Hậu đời Hán, Võ Tắc Thiên đời Đường. Cô chưa biết tới các quý bà quý cô lừng lẫy khác của thời cận đại và hiện đại. Thí dụ: cô Hườn đốt chồng, bà trung tá Thức tạt acid vũ nữ Cẩm Nhung của Việt Nam…

Thậm chí, một nhân vật nổi tiếng ghen lừng lẫy trong văn chương Việt Nam, nhưng vốn xuất thân tự bên Tàu là Hoạn Thư trong Vương Thúy Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, được Tiên Điền Nguyễn Du đã lục bát hóa thành Đoạn Trường Tân Thanh, Trương Hiểu Yến cũng xem chừng mù tịt. Và còn nhiều nhiều nữa các quý vị nữ lưu mà công phu ghen tương đã đạt tới mức lư hỏa thuần thành trên khắp thế giới…

So với những bậc nữ lưu đã thành danh trong lãnh vực ghen, Hoàng Dung chỉ là một thiếu nữ thuần hậu dễ thương.

Để trả lời cho Hoàng Dung về chuyện Hoa Tranh, Quách Tĩnh nói:

“Chuyện hôn nhân này là đại hãn định cho ta, lúc ấy không gì không thích, cũng không biết là rất thích, chỉ nghĩ đại hãn nói thì không sai. Bây giờ Dung nhi ạ, ta làm sao bỏ cô để cưới người khác được?

Hoàng Dung nói: “Vậy ngươi tính thế nào?”. Quách Tĩnh nói: “Ta cũng không biết nữa”.

(Kim Dung, Anh Hùng Xạ Điêu tập 5, Cao Tự Thanh dịch, trang 324).

Hỏi Quách Tĩnh “tính thế nào” thà đi hỏi “bao giờ củ khoai đi kiện con kiến”. Cuộc đời Quách Tĩnh ngoài chuyện yêu nước thương dân, là một chính nhân quân tử (Tàu) không bao giờ (dám) làm chuyện (bậy) trái với những đạo lý thông thường kiểu kinh điển của Trung Quốc Nho Gia; trong mối tình với Hoàng Dung, Quách Tĩnh đúng là một tên “cụ trâu” đáng ăn dăm bảy cái bạt tai đích đáng.

Kim Dung dựng nên nhân vật Quách Tĩnh nhiều “thần tính” hơn là “nhân tính”. Như vậy, có phải thường các vị thần luôn có tính hơi… ngu chăng? Điều đó tôi thấy là một đương nhiên. Đa số các vị thần bất cận nhân tình. Các ông này chỉ suy luận cái “phải, trái” trên một mặt của đồng tiền kẽm.

Sau khi nghe Quách Tĩnh trả lời câu: “Vậy ngươi tính thế nào?” của mình bằng câu: “Ta cũng không biết nữa.”, tức là câu trả lời kinh điển của Quách Tĩnh mỗi khi Hoàng Dung hỏi ý kiến về một vấn đề gì đó, Hoàng Dung chỉ còn biết:

“Hoàng Dung thở dài một tiếng, nói: “Chỉ cần trong lòng ngươi vĩnh viễn tốt với ta, thì cho dù ngươi cưới cô ta, ta cũng không để bụng”.

(Kim Dung, Anh Hùng Xạ Điêu tập 5, Cao Tự Thanh dịch, trang 324)

Một tiểu cô nương thắm tươi, thiên kiều bá mị như Hoàng Dung, lại là con gái duy nhất của Đào Hoa Đảo Chủ Đông Tà Hoàng Dược Sư mục hạ vô nhân. Hoàng Dung thừa hưởng của mẹ cái nhan sắc, lại vốn giống tính cha chỗ “ngông cuồng bất chấp”, mà đối với anh tình lang “cụ trâu” Quách Tĩnh cô chỉ còn biết thở dài thốt ra một lời nhũn nhặn như thế kia, thì quả là thật tội nghiệp. Hoàng Dung nhũn nhặn, chịu đựng trong giây phút đó xong, cô mới phát tiết cái “ngông cuồng bất chấp” bẩm sinh của mình:

“Ngừng lại một lúc lại nói: “Có điều đừng cưới cô ta thì tốt hơn, ta không thích có nữ nhân khác cả ngày ở bên cạnh người, biết đâu ta lại nổi nóng lên, một kiếm đâm suốt tim cô ta thì ngươi sẽ chửi mắng ta. Thôi đừng nói chuyện đó nữa…”

(Kim Dung, Anh Hùng Xạ Điêu tập 5, Cao Tự Thanh dịch, trang 324)

Minh họa: Unsplash

Hoàng Dung có ghen, cô không muốn bất cứ nữ nhân nào khác cả ngày quanh quẩn bên Quách Tĩnh. Chuyện Hoàng Dung một kiếm đâm suốt tim bất cứ nữ nhân nào “dám” giành giật “Tĩnh ca” của cô là chuyện mà ai cũng phải tin. Hoàng Dung con gái Đông Tà thì chuyện giết một hai người hay vài ba chục người, những người mà theo hai cha con Đông Tà là “không đáng giá một đồng xu” là chuyện chả có gì là quan trọng. Tuy nhiên, chỉ vì sợ sau khi giết “cái con nữ nhân khác cả ngày quanh quẩn” bên Quách Tĩnh kia, thì sẽ bị Quách Tĩnh “chửi mắng”, nên Hoàng Dung sẽ không làm chuyện đó, chuyện “giết con nữ nhân khác kia vì ghen tuông là nó đang la cà với Quách Tĩnh”.

Khi thấy câu chuyện tình của mình với Quách Tĩnh lâm vào sự bế tắt, Hoàng Dung chỉ còn biết buông xuôi.

Đến khi Quách Tĩnh tuyên bố “phải kết hôn với em Hoa Tranh” vì quân tử (Tàu) thì phải “Đại trượng phu nói ra như núi”, rồi hiên ngang giải thích:

“Quách Tĩnh bước lên vài bước, nắm chặt hai tay nàng nói: “Dung nhi, ta không biết cô nói đúng hay không, nhưng trong lòng ta chỉ có cô, cô đã hiểu rõ rồi. Bất kể người ngoài nói là đúng hay không, cho dù đốt ta thành tro, trong lòng ta cũng chỉ có cô thôi.” Hoàng Dung ứa nước mắt: “Vậy tại sao ngươi lại nói muốn cưới cô ta?” Quách Tĩnh nói: “Ta là một kẻ ngu ngốc, chuyện gì cũng không hiểu rõ. Ta chỉ biết đã ưng thuận rồi thì quyết không được hối hận…”

(Kim Dung, Anh Hùng Xạ Điêu tập 6, Cao Tự Thanh dịch, trang 43)

Khi Quách Tĩnh đã tự nhận mình là một “kẻ ngu ngốc, chuyện gì cũng không hiểu rõ”, thì Hoàng Dung chẳng biết nên khóc hay cười!

Chỉ có Hoàng Lão Tà là thấy chẳng có gì khó giải quyết dưới mắt ông ta. Quách Tĩnh yêu Hoàng Dung, con gái Đông Tà cũng hết sức yêu Quách Tĩnh. Nhưng Quách Tĩnh phải cưới Hoa Tranh bỏ Hoàng Dung, vì đã lỡ hứa với Thành Cát Tư Hãn thân phụ của Hoa Tranh công chúa. Vậy, chỉ cần không còn Hoa Tranh trên đời, thì Quách Tĩnh sẽ thảnh thơi lấy Hoàng Dung mà không có trở ngại nào nữa. Thế là Hoàng Dược Sư phóng chưởng toan “thủ tiêu” Hoa Tranh. Chẳng ngờ Hoàng Dung đã đoán biết trước, nên ra tay cứu được Hoa Tranh.

“Hoàng Dược Sư không rõ tại sao con gái lại xuất thủ cứu Hoa Tranh, đứng ngẩn người ra, kế hiểu ý, biết nếu mình giết chết cô gái Phiên này thì Quách Tĩnh ắt sẽ trở mặt thành kẻ thù của con gái. Hừ, trở mặt thì trở mặt… Chỉ nhìn con gái một cái, thấy nàng thần sắc thê thảm,… biết nàng đã thương yêu Quách Tĩnh vô cùng, nghĩ thầm đây chính là tính nết si tình của cha mẹ nàng, không sao hóa giải được, lúc ấy thở dài một tiếng, ngâm: “Thả phù trời đất là lò chừ, thợ ấy hóa công! Âm dương là tro chừ, vạn vật đại đồng!”

(Kim Dung, Anh Hùng Xạ Điêu tập 6, Cao Tự Thanh dịch, trang 44)

Quách Tĩnh đúng là “mèo mù vớ cá rán”! Một anh “cụ trâu” lại được lọt vào mắt xanh của một cô nương tao nhã thanh tân.

Khi Hoàng Dược Sư hỏi:

“Từ nay về sau con còn gặp thằng tiểu tử này nữa không?”

Hoàng Dung nhìn Quách Tĩnh một cái, thấy y nhìn mình chằm chằm, ánh mắt đầy vẻ yêu thương, thâm tình vô hạn, ngoảnh lại nói với cha “Cha, y muốn cưới người khác thì con cũng lấy người khác. Trong lòng y chỉ có con thì trong lòng con chỉ có y”. Hoàng Dược Sư nói: “Hô, con gái của đảo Đào Hoa không thể thua thiệt, như thế cũng không sai. Nếu người ngươi lấy không cho ngươi gặp y thì sao?” Hoàng Dung nói: “Hừ, ai dám cản con? Con là con gái cha mà.” Hoàng Dược Sư nói: “Nha đầu ngốc, cha sống không bao lâu sẽ chết thôi”. Hoàng Dung buồn rầu nói: “Cha, y đối xử với con như thế, chẳng lẽ con còn sống được lâu sao?” Hoàng Dược Sư nói: “Vậy ngươi còn đi cùng thằng tiểu tử vô tình vô nghĩa này không?” Hoàng Dung nói: “Con đi cùng y thêm một ngày thì vui sướng thêm một ngày”. Lúc nói câu ấy dáng vẻ thê thảm như muốn chết.”

(Kim Dung, Anh Hùng Xạ Điêu tập 6, Cao Tự Thanh dịch, trang 46)

Đúng là có cha đó thì mới có con đó! Chỉ có Đông Tà Hoàng Dược Sư mới sinh ra được con gái như Hoàng Dung.

Cuộc đối đáp của hai cha con Đông Tà có thể nói “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả”. Và sau cuộc đối đáp này của Hoàng Dung với cha cô, chúng ta thấy “bệnh ghen” không phải là chứng bệnh có thể hoành hành đối với Hoàng Dung.

Minh họa: alex-shaw-unsplash

Thực ra, Hoàng Dung không phải ghen vối Hoa Tranh hay với Mục Niệm Từ. Hoàng Dung tuy là một cô gái cực kỳ thông minh, nhưng cô vẫn còn là một cô gái bé ngây thơ. Cô biết Quách Tĩnh yêu mình, một lòng một dạ với mình. Không ai hiểu rõ Quách Tĩnh bằng Hoàng Dung. Những phản ứng “dường như là ghen tuông” của Hoàng Dung chẳng qua là sự phản kháng trong cô đối ứng lại với những gò bó, ràng buộc của thế tục. Cô vừa chiếm lĩnh trái tim của Quách Tĩnh, vừa đem Quách Tĩnh tử táng vào trái tim cô! Nhưng những thói tục của xã hội, của đời sống cứ từng chút quấy rầy, xung phạm vào mối tình của cô với Quách Tĩnh…

Nào là lời hứa của Quách Tĩnh với Thành Cát Tư Hãn về cuộc hôn nhân với Hoa Tranh. Nào những áp đặt của các sư phụ Giang Nam Thất Hiệp về chuyện Mục Niệm Từ… Lại còn vấn đề chính tà tương tranh trên những quan điểm cứng ngắt của xã hội đương thời v.v…

Nhưng trên tất cả những thứ đó, trên cả “lòng ghen tuông” thường tình, là tâm thức phóng hoạt không gò bó của Hoàng Dung đã làm nên cuộc chiến thắng.

Nếu Thành Cát Tư Hãn không ép chết mẹ của Quách Tĩnh, tôi tin chắc rằng rồi Quách Tĩnh cũng sẽ không bao giờ cưới Hoa Tranh. Quách Tĩnh sẽ đi tìm Hoàng Dung hoặc sẽ “một đao tự đâm vào tim mình” để khỏi phụ lòng Hoàng Dung. Trong con người Quách Tĩnh, cái đáng ca ngợi nhất là sự chân chất và chuyên nhất. Phải chăng, nhờ những đức tính này mà Quách Tĩnh đã “lấy được trái tim” của Hoàng Dung tiểu cô nương?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: