Giáo dục Hoa Kỳ: Nếu chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc bị xóa sổ…

Phán quyết sắp tới của Tối Cao Pháp Viện có thể ảnh hưởng ít nhiều đến việc cánh cửa vào Harvard của cộng đồng thiểu số gốc Á được mở rộng hơn hay bị khép chặt lại (ảnh: Suzanne Kreiter/The Boston Globe via Getty Images)

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ đưa ra phán quyết quan trọng về “affirmative action”, còn được gọi là chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc – một tiền lệ gần 50 năm được thiết kế với mục đích thúc đẩy đa dạng văn hóa.

Vụ việc bắt đầu ồn ào khi tổ chức Students for Fair Admissions (SFFA) ở Arlington, Virginia, kiện Đại học Harvard và Đại học North Carolina, yêu cầu Tối cao Pháp viện xóa bỏ “affirmative action”. Trong gần năm thập niên, các tòa án liên bang đã ủng hộ tiền lệ lâu đời “affirmative action” nhằm giúp giải quyết nạn phân biệt đối xử và bất bình đẳng trong giáo dục bằng cách tăng khả năng tiếp cận cho các nhóm thiểu số ở Mỹ.

SFFA cho rằng Đại học Harvard cố tình phân biệt đối xử với các ứng viên người Mỹ gốc Á vì chủng tộc, vi phạm Tiêu đề VI của Đạo luật Dân quyền năm 1964. Các luật sư của Đại học Harvard cho biết SFFA đã dựa vào một phân tích thống kê khiếm khuyết và phủ nhận việc Harvard phân biệt đối xử với các thí sinh người Mỹ gốc Á.

Tương tự, trong vụ kiện Đại học North Carolina, SFFA cho rằng trường đã phân biệt đối xử với các ứng viên người Mỹ Trắng và gốc Á bằng cách ưu tiên cho những người Mỹ Đen, gốc Latin, và người Mỹ bản địa. Đại diện pháp lý của North Carolina phản hồi rằng chính sách tuyển sinh của họ thúc đẩy sự đa dạng giáo dục và hoàn toàn hợp pháp theo tiền lệ lâu đời của Tòa án Tối cao.

Damon Hewitt, chủ tịch Ủy ban Luật sư về Quyền Công dân, đại diện cho sinh viên và cựu sinh viên bảo vệ chính sách tuyển sinh đặc cách, cho biết các trường đại học như Harvard và North Carolina từ lâu đã gặp khó khăn trong việc tuyển chọn sinh viên da màu, là những người đã bị loại trừ khả năng tiếp cận các trường đại học danh giá. Vì thế, ông Hewitt nhấn mạnh rằng các chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc là “một công cụ quan trọng để đảm bảo học sinh da màu không bị loại bỏ.”

Cả hai vụ kiện có tầm ảnh hưởng ra sao?

SFFA đã yêu cầu Tối cao Pháp viện bãi bỏ tiền lệ lâu đời và nghiêm cấm xem xét chủng tộc trong quá trình tuyển sinh. Quyết định sắp tới của Tòa án Tối cao sẽ ảnh hưởng đến tất cả các trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc coi chủng tộc là một trong nhiều yếu tố trong quá trình tuyển sinh.

Đồng thuận chung của những người theo dõi hai vụ kiện cho rằng phán quyết bãi bỏ tiền lệ lâu đời có thể sẽ làm giảm số lượng sinh viên Da đen và Latin, thay vào đó, nhiều sinh viên Mỹ gốc Á và Trắng sẽ được tuyển chọn. Phán quyết gần đây nhất của Tối cao Pháp viện về vụ việc tương tự là vào năm 2016, khi Tòa ủng hộ chương trình tuyển sinh của Đại học Texas ở Austin, cho rằng trường này có thể tiếp tục xem chủng tộc là một yếu tố để đảm bảo sự đa dạng văn hóa và đa nguyên.

Người đứng đầu tổ chức SFFA, Edward Blum, là một chiến lược gia pháp lý bảo thủ da trắng. Trên thực tế, nhiều người không ủng hộ hai vụ kiện của ông Blum đã chỉ ra một video trong đó ông thừa nhận rằng ông “cần” các nguyên đơn người Mỹ gốc Á, sau khi vụ kiện chống lại Đại học Texas ở Austin bị Tối cao Pháp viện xử thua năm 2016.

Jason Xu, đại diện Hiệp hội người Hoa ở Thung lũng Silicon, đã đệ trình một văn bản ủng hộ SFFA, cho rằng nhiều người Mỹ gốc Á có thành tích học tập tốt đã không được tuyển chọn vào Đại học Harvard chỉ vì là người gốc Á. Tuy nhiên một tổ chức phi lợi nhuận khác, Tổ chức Thúc đẩy Công lý cho Người Mỹ gốc Á, lại có lập luận trái ngược hoàn toàn. Tổ chức này tuyên bố rằng tuyển sinh dựa trên yếu tố chủng tộc là cần thiết.

Natasha Warikoo, giáo sư xã hội học tại Đại học Tufts cho rằng ông Blum đã tìm thấy những người Mỹ gốc Á sẵn sàng trở thành nguyên đơn giúp Blum đạt được mục đích lâu nay. Những người ủng hộ, bao gồm một số người Mỹ gốc Á, cũng lập luận rằng tất cả mọi người – bất kể chủng tộc nào – sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu “affirmative action” bị xóa sổ.

Trong các phiên tòa cấp dưới, các sinh viên Harvard được đại diện bởi Trung tâm Tư pháp Người Mỹ gốc Á, Ủy ban Luật sư về Quyền Công dân, và Quỹ Giáo dục và Bảo vệ Pháp lý NAACP đã làm chứng ủng hộ Harvard và tầm quan trọng của đa dạng chủng tộc. Không một sinh viên nào của Harvard làm chứng ủng hộ cho SFFA.

Thêm vào đó, gần 700 nhà khoa học xã hội, kinh tế gia, chuyên gia giáo dục đại học, tổng chưởng lý từ 15 bang và 37 trường cao đẳng và đại học cũng đã viết các bản tuyên bố ủng hộ tiền lệ tuyển sinh lâu đời của Đại học Harvard. Một liên minh rộng lớn gồm các tập đoàn, các tổ chức giáo dục, pháp lý, tôn giáo, và xã hội dân sự đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Harvard trong các bản tóm tắt được đệ trình lên Tòa án Tối cao vào mùa hè này.

Các cuộc thăm dò cho thấy các mức độ ủng hộ khác nhau. Hầu hết người Mỹ tin rằng việc thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc và sắc tộc là quan trọng. Theo cuộc Khảo sát Cử tri Người Mỹ gốc Á năm 2022, phần lớn ủng hộ “affirmative action”, và sự ủng hộ của người Mỹ gốc Á đối với chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc vẫn ổn định trong gần một thập niên.

Đúng là thành kiến chống lại người Mỹ gốc Á vẫn tồn tại trong giáo dục và nhiều ngõ ngách của xã hội Mỹ, nhưng nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy người Mỹ gốc Á được hưởng lợi từ tiền lệ lâu năm “affirmative action”. Trong thực tế, không có nhiều bằng chứng chỉ ra tiền lệ này là thủ phạm duy nhất cản trở số lượng sinh viên Mỹ gốc Á ghi danh vào một số trường đại học danh tiếng. Dữ liệu cho thấy ngay cả ở những bang mà tiền lệ này đã bị cấm, như California, việc chấm dứt xem chủng tộc là yếu tố trong quá trình tuyển sinh đã không làm tăng đáng kể số lượng ghi danh của sinh viên người Mỹ gốc Á.

Liệu tiền lệ gần 50 năm có bị xóa bỏ?

Không ai có thể biết rõ Tối cao Pháp viện sẽ ra phán quyết như thế nào trong thời gian sắp tới. Nhưng nếu xét về cán cân quyền lực hiện tại của Tòa án Tối cao nghiêng về phe bảo thủ, giới bình luận dự đoán rằng chính sách tuyển sinh đặc cách dựa trên chủng tộc sẽ bị xóa sổ. Nếu điều đó trở thành sự thật, bài học chính trị đáng nhớ nhất có lẽ là phe bảo thủ Mỹ trắng đã dùng người Mỹ gốc Á để gây tổn hại người thiểu số ở Mỹ, và xóa sổ tiền lệ thúc đẩy giáo dục đa dạng.

Theo Liên Hiệp Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ (American Civil Liberties Union – ACLU), bề ngoài SFFA đại diện lợi ích của người Mỹ gốc Á, nhưng thực tế không phải như vậy. Mục tiêu mà ông Blum và SFFA theo đuổi sau nhiều thập niên là: Cấm tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc. Nếu phe bảo thủ của ông Blum đạt được mục đích, các dự đoán cho thấy người Mỹ Trắng sẽ là những người được hưởng lợi chính.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: