Nhớ mùa Xuân xưa

Chợ Bến Thành ngày Tết, 1971 (ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Nhớ mùa Xuân xưa
/

Tôi đi tìm lại một mùa xuân

Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi

Mùa xuân đã rơi vào dĩ vãng

Mà xuân nay vẫn còn dư hương…

(Tôi Đi Tìm Lại Một Mùa Xuân, Đoàn Nguyên)

Năm nào cũng vậy, cứ Xuân về là lòng tôi rộn ràng, hân hoan, như những ngày thơ dại. Cuốn phim đời đưa tôi quay ngược về quá khứ, đoạn từ thơ ấu đến thiếu nữ.

Trẻ em chơi múa lân, Tết Sài Gòn 1961 (ảnh: Roger Viollet Collection/Getty Images)

1/-

Thời ấy qua lâu lắm rồi nhưng hình ảnh vẫn còn sinh động trong trí nhớ tôi, như chỉ mới xảy ra vậy. Gia đình tôi có ba thế hệ sống chung, gồm ông bà Ngoại, ba má và sáu chị em. Ông bà Ngoại có vài mẫu ruộng trồng lúa nhưng luôn ngăn riêng một công đất trồng nếp. Cuối tháng Chạp, khi xong mùa gặt, Ngoại lấy nếp tươi còn nguyên vỏ, rang cho chín rồi giã thành cốm dẹp, trộn với cơm dừa nạo, đường pha lẫn nước dừa rưới lên cho mềm. Ăn thơm thơm dẻo dẻo tuyệt ngon. Ngoài cốm dẹp, Ngoại còn làm bánh phồng…

Để cho ra chiếc bánh phồng hoàn hảo, Ngoại đổ nếp ra mâm, lọc lựa từng hạt: nếp riêng, gạo riêng. Nhìn ông bà Ngoại mang kính lão cặm cụi phân loại nếp và gạo để cho con cháu được ngon miệng thật khâm phục và thương kính làm sao. Những buổi không đến trường, tôi sà vào phụ Ngoại. Khoảng 25 tháng Chạp Âm lịch, khí trời lành lạnh, lúc trời còn tối đen, người lớn đã thức, lo giã nếp và lau lá chuối. Giã nếp gần xong, má mới vào đánh thức mấy chị em ra phụ cán bánh trước khi ánh rạng đông le lói chân trời.

Sài Gòn rộn rịp những ngày giáp Tết, 1970 (ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)

Tôi nhớ hình ảnh ông Ngoại cầm cái chày cao bằng người lớn đứng giã khối bột nếp trắng phao trong cái cối gỗ. Bà Ngoại ngồi cạnh dùng hai tay xoay trở bột không ngớt. Mỗi lần ông nện chày xuống thì bà nhúng tay vào chậu nước đường pha cốt dừa, chờ ông nhấc chày thì bà lật khối bột sang mặt kia. Cử động của hai người ăn khớp nhịp nhàng: ông giã, bà xoay. Khi khối bột nhuyễn nhừ thì ông Ngoại mới thong thả nghỉ ngơi. Ông lau mồ hôi và nhâm nhi tách cà phê má vừa pha nóng hổi.

Má và chị em tôi bắt đầu xúm xít quanh tấm chiếu. Trước mặt mỗi người là tấm thớt với hai miếng lá chuối được thoa dầu láng trơn. Ba cũng phụ một tay trước khi vào ty làm việc. Bà Ngoại bắt bột thành viên tròn như viên chè trôi nước, đặt vào lá chuối cho từng người. Chúng tôi lấy tấm lá thứ hai đậy lên viên bột rồi dùng thanh gỗ cán mỏng ra. Cán xong chiếc nào thì đem đặt lên chiếc chiếu dùng phơi bánh. Cả nhà vừa làm vừa trò chuyện rôm rả trong không khí vương hơi hướm mùa Đông. Những chiếc chiếu đựng bánh phồng bắt đầu được mang phơi trên giàn cây vốn dùng trồng bầu bí nay không còn ra trái. Tôi lân la tiếp Ngoại trở bánh cho khô đều.

Trước Tết năm ấy trời trở cơn gió bấc. Lá xoài và lá cây lý rụng đầy sân. Buổi sáng má thức sớm nấu xôi lá dứa. Mùi nếp đầu mùa thơm phưng phức. Bà Ngoại ra sân gom lá, thêm lá dừa khô, đốt lên nướng bánh phồng. Ngoại rất khéo tay, làm gì cũng ngon đẹp. Chiếc bánh nướng trên bếp nở đều đặn. Ngoại bỏ ra chiếc nào, má nhanh tay xúc xôi để lên mặt, rắc dừa nạo, đậu phộng rang vàng, đường cát trắng mịn pha tí muối, và cuốn tròn lúc bánh còn nóng. Chúng tôi chỉ ăn một phần ba chiếc là đã no ứ. Đến khi ông bà Ngoại yếu không đủ sức giã bánh phồng thì cũng là lúc chị em tôi lần lượt trở thành thiếu nữ…

2/-

Chị hai năm ấy đã là cô thiếu nữ hai mươi; chị ba mười bảy; tôi mười lăm. Sau tôi còn hai em gái và một trai. Chiều mùng Hai Tết năm đó, ba má đồng ý cho chị ba và tôi đi chơi nhà bạn. Lòng phơi phới, chúng tôi chở nhau trên chiếc Honda 50, hòa vào dòng người du xuân. Người ta đổ xô ra đường, lễ chùa, thăm viếng thân nhân, bạn bè… Cha mẹ dắt con tay cầm bong bóng rực sắc màu. Hàng quán bán đầy thức ăn nước uống. Rạp ciné và rạp cải lương đông nghẹt. Ai nấy diện y phục đẹp mới tinh tươm. Ngày thường họ ở mô mà mấy ngày Xuân nhìn quanh toàn mỹ nam mỹ nữ. Các chàng trai với chemise bó trong quần tây, thắt dây nịt, trông lịch sự chững chạc hẳn lên, hãnh diện đi bên cạnh người yêu trang nhã không kém. Các cô gái với tóc dài vờn bay, hoặc uốn modern, trông đài các với tà áo dài đủ màu sắc như đàn bướm lượn. Có cô mặc robe, jupe phong cách Tây phương, khoe nét thanh tân quyến rũ. Mặt điểm phớt phấn, môi tô nhẹ son…

Ngày Xuân em khoe áo mới – một góc đường Tự Do, Sài Gòn 1962 (ảnh: Pix/Michael Ochs Archives/Getty Images)

Sau khi chạy một vòng phố tỉnh, ngắm đã mắt, chị ba rủ tôi đến nhà bạn học chúc Tết. Một nhóm khoảng mươi anh chị đã có mặt ở đó. Chuyện trò một hồi, các anh chị rủ xem phim hài 5 Vua Hề Về Làng với minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Chúng tôi không dám đi vì chưa xin phép ba má. Thế là ở nhà chỉ còn anh Quang, bạn trai của chị ba. A thì ra chị ba và anh Quang hẹn hò nhau sẵn rồi chứ không phải ngẫu nhiên hội ngộ ở nhà anh Tường, bạn học chung của hai người!

Ba má tôi nghiêm khắc với con cái vô cùng. Ba thường nhắc nhở những điều không được làm:

– Không được tặng hình cho bạn, dù là bạn gái thân nhất. Biết đâu bạn ấy có anh trai hay anh bà con, rồi đưa hình cho mấy người đó, họ sẽ đi khoe chúng tôi là người yêu thì sao.

– Chỉ chuyện trò với con trai trong khuôn viên trường học. Một khi bước ra khỏi cổng trường thì dù có chạm mặt cũng phải giả lơ như không quen biết.

– Nếu anh nào đem lòng yêu thương thì cứ cậy người đến nhà hỏi cưới. Con cái đồng ý thì gả chứ không ép duyên, nhưng tuyệt đối không được làm quen tìm hiểu chuyện trò gì sất.

Chúng tôi nào dám cãi dù biết là khắt khe và vô lý. Nhưng làm sao cấm được sức mạnh trái tim, thế nên hai bà chị yêu quí của tôi vẫn lén lút có người yêu lúc tuổi trăng tròn đó thôi. Vậy mới xảy ra cái chuyện chiều mùng Hai Tết, tôi cùng chị ba đến nhà anh Tường. Để được tâm sự riêng tư, hai anh chị dắt nhau ra vườn, ngồi trên ghế xích đu dưới cây hoa sứ trắng. Trong lúc chờ đợi, tôi lấy một cuốn giai phẩm Xuân ra hiên đọc. Trời bắt đầu thả bức màn xám lên vạn vật mà bóng dáng chị ba vẫn chưa thấy đâu. Sốt ruột, bụng đánh lô tô, nghĩ thầm thế nào về nhà cũng bị la một trận. Trên đường về, tôi lái xe, chị ba ngồi sau, sụt sịt khóc, giọng buồn buồn:

Chị xin lỗi để cưng chờ lâu. Anh Quang mới nói chị biết là ba ảnh đổi sang tỉnh khác làm việc nên qua Tết ảnh phải đi theo, không học trường ở đây nữa.

Ôi! Mối tình học trò ngây thơ hoa mộng đang thắm thiết mà phải xa nhau hỏi sao không buồn. Tôi thông cảm nên hết cằn nhằn. Về đến nhà, thấy ba hầm hầm không nói gì. Rón rén vào buồng, nghe chị hai nói nhỏ:

Hai đứa đi đâu lâu quá, má kêu Tuân (em trai) chở đi kiếm tự nãy giờ đó.

Tôi nghe nói mà hoảng kinh hồn vía. Chết rồi, bị đòn chứ chẳng chơi. Lát sau má về, bắt chị ba và tôi nằm xấp trên giường. Má cầm cây thước dùng may quần áo vừa giảng moral vừa đánh mỗi đứa ba roi đau điếng. Nếu má biết nguyên nhân về trễ thì hậu quả còn tệ hại đến mức nào. Chúng tôi lồm cồm dậy, khoanh tay như trẻ lên năm, lí nhí nói:

Chúng con xin lỗi ba má, lỡ ham chơi nên về trễ để cho ba má lo lắng. Chúng con hứa không tái phạm nữa.

Sáng hôm sau, dì út nhà cạnh bên biết chuyện, thấy chị em tôi bước ra sân, nói vói qua:

Lêu lêu, tối qua có hai đứa ham chơi về trễ bị má thưởng roi ta ơi.

Mỗi khi Xuân về, bồi hồi tấc dạ. Tôi tiếc nhớ hoài hương vị chiếc bánh phồng của Ngoại. Đúng hơn là tôi thương tiếc cái kỷ niệm êm đềm thời xa xưa ấy. Và cứ mỉm cười nhớ lại chuyện bị “thưởng roi ta ơi” vào đêm mùng hai Tết…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: