Cuộc chiến của Putin: Nếu những quan tài kẽm… biết nói!

Vô số lính Nga bỏ mạng không toàn thây tại Ukraine (ảnh: Mykhaylo Palinchak/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Chủ nhật 1 Tháng Năm 2022, tờ Kyiv Post cho biết, thêm một tướng Nga vừa bỏ mạng trên chiến trường Ukraine. Đó là Thiếu tướng Andrei Simonov, bị giết gần thành phố Izyum ở vùng Kharkiv, nơi hiện thuộc quyền kiểm soát của quân Nga. Trong trận giao tranh này, cùng với sự thiệt mạng của tướng Andrei Simonov là khoảng 200 lính Nga. Andrei Simonov là viên tướng thứ 10 thiệt mạng kể từ ngày 24 Tháng Hai 2022…

Đường vào chiến trường Ukraine với quân Nga chẳng khác gì vào tử địa (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

NATO ước tính quân đội Nga đã mất tới 15,000 quân (số liệu của Quân đội Ukraine là gần 20,000). Phần mình, Kremlin không đá động đến con số tử vong kể từ ngày 25 Tháng Ba, thời điểm mà họ cho biết số thiệt mạng của quân đội Nga là 1,351. Bất luận chết bao nhiêu người, vẫn có thể hình dung mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày quân Nga đếm xác và mỗi ngày một gia đình Nga nào đó nhận được chiếc quan tài kẽm…

Khi được đưa về nước Nga, thi thể của trung sĩ Andrei Akhromov gần như chẳng còn gì. Akhromov, 21 tuổi, bị giết chết vào Tháng Tư tại một mặt trận gần thành phố Chernihiv của Ukraine. Chiếc xe tăng của Andrei Akhromov bị trúng đạn. Theo Wall Street Journal (ngày 4-5-2022), người anh em họ của Akhromov – Sergei Akhromov – thuật rằng, quân đội Nga đã mất ba tuần để xác định ADN nhằm tìm được danh tính Andrei Akhromov.

Hơn hai tháng sau khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine, người dân Nga bắt đầu đối mặt hậu quả và tổn thất nhân mạng từ cuộc chiến. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nhiều người Nga vẫn tin vào “ý nghĩa” của chiến dịch quân sự. Putin biện minh cho hành động gây chiến bằng cách nói rằng Ukraine đang nằm dưới sự cai trị của chính quyền Quốc xã; rằng đây là cuộc chiến bảo vệ nước Nga trước một phương Tây hung hãn; và chiến dịch quân sự là sự tiếp nối của cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít sau Thế chiến thứ hai. Báo chí Nga tất nhiên không đề cập việc quân Nga ném bom và pháo kích vào các khu dân cư trên khắp Ukraine, giết chết hơn 3,000 thường dân – theo ghi nhận Liên Hợp Quốc hôm Thứ Hai ngày 2 Tháng Năm 2022; chưa kể khoảng 3,000 binh sĩ Ukraine; đồng thời gây ra làn sóng tỵ nạn với hơn 5.5 triệu người Ukraine hoảng loạn rời bỏ đất nước…

Bị nhồi nhét quan điểm ái quốc méo mó, Sergei Akhromov (người anh em họ của trung sĩ Andrei Akhromov) nói rằng Putin đang làm điều đúng và Nga nên sử dụng các loại vũ khí dữ dằn hơn. Alexei Kozubenko cũng có quan điểm tương tự. Đứa con trai Dmitry 21 tuổi của Kozubenko bị giết vào Tháng Ba. Cáo phó trên báo địa phương cho biết Dmitry phục vụ trong Lữ đoàn súng trường cơ giới 37, đơn vị được triển khai quanh Kyiv trước khi rút lui vào tháng trước. Kozubenko, 51 tuổi, một cựu sĩ quan quân đội, nói: “Có một nghề được gọi là bảo vệ tổ quốc”, rằng nếu không chết dưới hàng rào khi say xỉn hoặc do nghiện ma túy, mà chết như một người đàn ông thực thụ với vũ khí trong tay thì cái chết đó là cái chết trong danh dự…

Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm Levada công bố cuối Tháng Tư cho thấy có đến 57% người Nga đổ lỗi cho Mỹ hoặc NATO về những cái chết và sự tàn phá ở Ukraine, trong khi chỉ 7% đổ lỗi cho Nga. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 74% người Nga ủng hộ chiến dịch quân sự “giải phóng” Ukraine. Dữ liệu khảo sát có thể không chính xác vì nhiều người không dám bày tỏ điều họ thật sự nghĩ. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để anh hùng hóa những diễn biến trên chiến trường, xới lại những “gương anh hùng” thời Thế chiến thứ hai và tô vẽ những gương anh hùng mới.

Khoảng 3,000 binh sĩ Ukraine cũng đã tử trận (ảnh: Leon Neal/Getty Images)

Tháng trước, một cáo phó đăng trên tờ báo địa phương ở thành phố Norilsk (Bắc Cực) thuật rằng, có ba người dân địa phương đã hy sinh mạng sống để chiến đấu “kề vai sát cánh nhằm trục xuất hồn ma Đệ tam Đế chế”. Tuần trước, một trang web tin tức địa phương ở Orenburg, khu vực miền Trung giáp biên giới Kazakhstan, viết rằng một binh sĩ địa phương đã thu hút hỏa lực đối phương về phía mình để những người khác chạy thoát. Sau đó, khi quay lại lấy xác thì họ phát hiện rằng “đồng chí” ấy đã tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng…

Một bà mẹ 42 tuổi ở Orenburg cho biết, con trai bà, tử trận đầu Tháng Ba, đã nhập ngũ sau khi tốt nghiệp đại học với bằng luật vào năm ngoái. Cậu binh nhì 21 tuổi này đã chết ở Chernihiv – bà mẹ được một đại diện quân đội đến nhà thông báo vào ngày 10 Tháng Ba. “Thật là vinh dự khi được phục vụ” – bà mẹ nói, đồng thời bày tỏ uất giận Ukraine… Ở Bắc Ossetia, miền Nam nước Nga, Valeria Gagieva, 25 tuổi, cho biết gần như mọi người ở địa phương mình đều có nghe ai đó trong vùng mình tử trận tại Ukraine. Anh họ của Valeria, Georgy Gagiev, 32 tuổi, đã chết vào ngày thứ hai của chiến dịch quân sự, tại mặt trận gần thành phố Kharkiv, miền Bắc Ukraine…

Một số chi tiết và nhân vật được nhắc ở trên trong bài báo Wall Street Journal tất nhiên là không đầy đủ cho bức tranh “hậu phương” Nga đối với những gì xảy ra ở “tiền tuyến” Ukraine. Một bài báo cách đây không lâu của The Guardian cho thấy thêm một sự thật: Rất nhiều gia đình Nga hiện vẫn không hề biết tông tích gì về người thân của họ đang ôm súng ở chiến trường Ukraine. Họ hoang mang lo lắng gọi nơi này nơi kia nhưng tất cả những gì nhận được đều sự im lặng – một sự im lặng tuyệt đối và lạnh sống lưng, y như những chiếc quan tài kẽm lạnh cóng chứa những mảnh thi thể còn sót lại của những người lính – những chiếc quan tài nếu có thể nói được hẳn sẽ kể những câu chuyện rất khác những gì mà thân nhân đang được nghe từ hệ thống truyền thông nhà nước Nga, với những sự thật mà đáng lý cha mẹ họ cần được nghe.

_____________

Tại sao xe tăng Nga thành “quan tài di động”?

Số phận của thủy thủ đoàn soái hạm Moskva ra sao?

Lính Nga bỏ thây chiến trường: Những thi thể “vô thừa nhận”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: