Lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc tăng chậm hơn Mỹ

Trung Quốc tiếp tục thắt chặt chính sách “zero-Covid” bất chấp kinh tế bị đình đốn; trong ảnh là một góc đường phố Thượng Hải ngày 31 Tháng Ba 2022 (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh hơn Mỹ trong hơn bốn thập niên nhưng năm nay có thể khác. Các chuyên gia Bloomberg dự báo kinh tế Trung Quốc có thể tăng chậm hơn đối thủ của mình lần đầu tiên kể từ năm 1976 do các chính sách chống  Covid cực đoan.

Hơn 40 năm qua, kể từ khi bắt đầu đổi mới theo hướng thị trường năm 1976, kinh tế Trung Quốc không chỉ luôn tăng trưởng cao hơn Mỹ mà còn cao hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới; nhiều giai đoạn tăng trưởng “thần tốc”, năm sau cao hơn năm trước với tỷ lệ hai chữ số. Thành tích tăng trưởng đó là một điểm tự hào của Bắc Kinh và người Trung Quốc đang tự tin kinh tế nước họ sẽ vượt qua Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh trong một tương lai không xa. 

Nhưng theo ước tính của Bloomberg Economics –  bộ phận nghiên cứu của hãng tin tài chính hàng đầu thế giới Bloomberg – trong năm nay nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 2%, thấp hơn mức 2.8% của Mỹ. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang bị kìm hãm bởi chính sách “Zero Covid” khắc nghiệt của Chủ tịch Tập Cận Bình – với nhiều thành phố bị phong tỏa, sản xuất đình trệ, người dân mất việc làm và chuỗi cung ứng bị gián đoạn – thì kinh tế Mỹ đang được thúc đẩy nhờ thị trường tuyển dụng lao động sôi động và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ ngay cả khi người dân Mỹ phải vật lộn với tỷ lệ lạm phát cao.

Tỷ lệ tăng trưởng 2% là vấn đề nghiêm trọng của Trung Quốc. Nó không chỉ thấp xa so với mục tiêu 5.5% mà Bắc Kinh đề ra mà còn ảnh hưởng xấu tới đời sống của người dân nước này. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tính ra rằng, để tạo công việc làm cho hàng chục triệu thanh niên trưởng thành và gia nhập thị trường lao động mỗi năm thì nền kinh tế phải tăng trưởng ở mức 7% trở lên.

Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã khẳng định tư cách cầm quyền của mình khi hứa mang lại hòa bình, thịnh vượng và ổn định; đổi lại người dân Trung Quốc phải phục tùng sự lãnh đạo toàn diện của đảng. Nhưng năm 2022, dù là một năm quan trọng đối với ông Tập khi ông tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ, đang đe dọa tất cả những điều đó. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang làm giảm nhu cầu nhập cảng hàng hóa Trung Quốc từ các đối tác thương mại. Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ và công nhân di cư từ nông thôn ra thành thị. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao đang trở nên khó khăn hơn, bất chấp chính quyền cứ lặp đi lặp lại các cam kết kích thích kinh tế, phần lớn do tình trạng đóng cửa ở các thành phố quan trọng như Thượng Hải.

Mối lo ngại cho nền kinh tế của đất nước đã làm cho vai trò của ông Lý Khắc Cường (Li Keqiang) – Thủ tướng Trung Quốc, người thường tỏ ra mờ nhạt trong nhiệm kỳ của ông Tập – bỗng dưng nổi bật lên. Ông Lý vừa chủ trì một cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với gần 100,000 quan chức Trung Quốc từ các chính quyền địa phương, các công ty nhà nước và các công ty tài chính, kêu gọi họ làm nhiều hơn nữa để ổn định tăng trưởng. Ông cho biết nền kinh tế đang xấu đi so với năm 2020 là thời kỳ dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán, dẫn tới việc phong tỏa gắt gao thành phố Vũ Hán và nhiều khu vực khác trong nước. Tại cuộc họp, ông Lý kêu gọi các cấp chính quyền và doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang dao động gần mức cao kỷ lục.

Đã có những lời đồn đại trong giới quan sát chính trị Trung Quốc rằng sự thất bại về kinh tế có thể dẫn tới chia rẽ giữa ông Lý – người ưu tiên cho hoạt động kinh tế hơn là chính sách Zero Covid – với ông Tập, người chủ trương chống Covid bằng phong tỏa, cách ly và truy vết virus, bất chấp tác hại tới nền kinh tế. Cũng có người cho rằng, kinh tế suy yếu có thể là cơ hội để ông Tập thay ông Lý bằng một người khác ngoan ngoãn với ông hơn, Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) chẳng hạn, trong đại hội của đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu này. Nhưng đây chỉ là những lời đồn đại, khó có thể kiểm chứng trong nền chính trị kiểu “hộp đen” của chế độ chuyên chế Trung Quốc. 

Phản ứng của các nhà đầu tư đối với lời kêu gọi hành động của ông Lý không được thể hiện rõ, trong khi chỉ số chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ vào hôm nay thứ Năm 26 tháng Năm. Như vậy là tốt hơn những gì đã xảy ra hồi đầu tuần, khi giá cổ phiếu giảm mạnh sau khi Bắc Kinh tung ra gói kích thích 33 điểm.

Các động lực kích thích có vẻ không hiệu quả khi người ta vẫn không biết khi nào thì tình trạng phong tỏa sẽ kết thúc; không ai ở Trung Quốc biết rõ cả. Tình hình của Thượng Hải dường như đang được cải thiện; thành phố đã bắt đầu mở cửa lại một số trường học sau ba tháng ngừng hoạt động. Nhưng Bắc Kinh vẫn trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì Covid; nhiều quan chức ở đó bị trừng phạt vì những đợt bùng phát dịch gần đây.

“Thực tế đáng buồn là khi nhiều doanh nghiệp vẫn đóng cửa và hạn chế giao tiếp xã hội vẫn còn được thực thi thì [chính phủ] nới lỏng việc cung tiền cũng chẳng giải quyết được gì nhiều ngoài việc thúc đẩy ngành bất động sản đang đau ốm. Tốt hơn là hãy giữ ít nước trái cây trong thùng [ngụ ý nguồn lực] để chờ khi các điều kiện thực tế đã thuận lợi cho việc cất cánh,” chuyên gia Daniel Moss viết trên trang Bình Luận của Bloomberg.

Mức tăng trưởng 2% mà Bloomberg dự báo chắc chắn là thấp hơn mức dự báo trung bình của các nhà kinh tế, hiện ở mức 4.5%. Nhưng nó không nằm ngoài dự đoán của các công ty lớn ở Phố Wall. Ngân hàng đầu tư JPMorgan dự đoán mức tăng trưởng của Trung Quốc năm nay là 3.7%, trong khi ngân hàng UBS kém lạc quan hơn, dự báo ở mức 3%. UBS nói rằng việc phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể sẽ không nhanh như vào năm 2020 do bản chất của biến thể Omicron.

Mặc dù nhiều người nghi ngờ chính phủ Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, nhưng vẫn còn quá sớm khẳng định điều đó. Ông Tập có thể chấm dứt mọi biện pháp phong tỏa để tránh thất bại. Hoặc ông ta có thể đánh bạc rằng việc không đạt được mục tiêu tăng trưởng không còn là một rủi ro chính trị lớn cho đảng và cho cá nhân ông. Năm ngoái, một tài liệu quan trọng của đảng Cộng sản Trung Quốc đã lưu ý rằng tăng trưởng GDP không còn là “tiêu chí duy nhất của thành công.”

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: