Lễ Giao Thừa trong tiếng pháo ‘máy’ ở Trung Tâm Vạn Hạnh, Virginia

Đại lễ đón Giao Thừa mừng Xuân đêm 31 Tháng Giêng ở chùa Trung Tâm Vạn Hạnh, thành phố Centreville, Virgina.

CENTREVILLE, VA  – Đại lễ đón Giao Thừa mừng Xuân đêm 31 Tháng Giêng ở chùa Trung Tâm Vạn Hạnh, thành phố Centreville, Virgina, diễn ra trong không khí trang nghiêm, ấm cúng, đầy đủ nghi lễ cổ truyền dù không có lân và những tràng pháo to dài như ở các tiểu bang khác trên nước Mỹ.

Buồn và tiếc cho Tết của hai năm qua…

Khoảng 10 giờ tối ngày 31 Tháng Giêng, vài người khách đầu tiên bước vào đại sảnh Trung Tâm Vạn Hạnh. Họ đi lễ chùa, mừng Đại Lễ Giao Thừa, đón năm mới. Dù trong cái lạnh – 20C của mùa Đông, vẫn có nhiều người trang trọng khoác lên mình bộ áo dài, quốc phục của nước Việt. Hình ảnh áo dài góp phần tăng thêm phần thiêng liêng của không khí lễ hội cuối năm ở chùa Vạn Hạnh.

Chị Bảo Quỳnh, cư dân thành phố Ashburn, Virginia.

Đi lễ chùa, cầu bình an cho gia đạo, người thân là tục lệ cổ truyền của dân tộc Việt Nam, trong đó có gia đình của chị Bảo Quỳnh, cư dân thành phố Ashburn, Virginia. Dù rời quê hương đã lâu, nhưng chị vẫn không quên hình ảnh của những ngày còn bé khi còn trong nước. Chị nói: “Tôi nhớ khi nhỏ được ba tôi dẫn đi chùa, cũng được đi lạy Phật vào những ngày lễ, Tết lớn như thế này. Tôi rất thích nên tôi vẫn giữ phong tục này.”

Chị Bảo Quỳnh, trong niềm hân hoan và cả “hồi hộp” – như lời chị chia sẻ, có mặt ở chùa từ rất sớm, để giúp các sư thầy chuẩn bị Đại Lễ Mừng Xuân. Đêm Giao Thừa, chị đến để phụ giúp tiếp đón mọi người, giúp cho chùa khang trang trước thềm năm mới.

Không khí đêm trừ tịch trong ngôi chùa nhỏ vốn lặng lẽ nằm khuất sâu, tách bạch hẳn với cái nhộn nhịp của khu thị tứ sầm uất Centreville, tối Giao Thừa rất trang nghiêm, tĩnh mịch.

Quả thật là không khí đêm trừ tịch trong ngôi chùa nhỏ vốn lặng lẽ nằm khuất sâu, tách bạch hẳn với cái nhộn nhịp của khu thị tứ sầm uất Centreville, vào tối Giao Thừa rất trang nghiêm, tĩnh mịch. Chùa Một Cột nằm trong khuôn viên của Trung Tâm Vạn Hạnh thờ tượng Phật Bà Quan Âm, nghi ngút khói nhang – minh chứng cho lời cầu an của khách thập phương. Bên trong chánh điện, các loại hoa Xuân được trang hoàng quanh tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Cung cách đơn giản, nhưng đầm ấm. 

Sư thầy Nhuận Tín, từ Chùa Phổ Đà, California, về với Trung Tâm Vạn Hạnh chưa đến một năm, chia sẻ vui rằng “khí hậu Virginia ‘welcome’ tôi bằng những trận tuyết lớn.” Tết Nhâm Dần 2022 là năm đầu tiên Thầy Nhuận Tín đón Xuân ở miền Đông Bắc. Do vị thế toạ lạc của Trung Tâm Vạn Hạnh nên Sư Thầy Nhuận Tín nói “tôi có cảm giác như mình đang ở trong rừng, tôi thích hơn bên California. Ở đây tìm được không khí yên tĩnh.” 

So sánh với đêm Giao Thừa và những ngày Tết ở tiểu bang California, sư thầy cho biết “Phật tử đi lễ chùa ở California đông hơn.”

Thật ra, không riêng gì Trung Tâm Vạn Hạnh, mà tất cả các chùa khác ở miền Đông Bắc trong năm nay và cả hai năm qua đều phải hạn chế hoặc huỷ bỏ tất cả các sinh hoạt, lễ hội mừng Tết Nguyên Đán do đại dịch COVID-19. Nước Mỹ nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng chịu ảnh hưởng, mất mát rất nặng nề.

Chị Bảo Quỳnh rất tiếc vì hai năm qua, những hội chợ Tết đặc trưng của người Việt Nam không được tổ chức, hoặc bị giới hạn rất nhiều. Chị nói: “Đại dịch COVID-19 quá nguy hiểm cho mọi người. Mọi người không được ở gần nhau. Nghĩ lại thì rất buồn, vì không có không khí Tết như mọi năm mà chúng ta thường có.” 

Vui Tết đoàn viên, giữ cho nhau an toàn

Khi những qui định giãn cách được nới lỏng, dù vẫn thiếu vắng nhiều các sinh hoạt, đêm Giao Thừa Nhâm Dần, cộng đồng Việt hải ngoại vẫn gọi nhau tìm đến nơi có phong tục cổ truyền từ hàng nghìn năm của đất Việt. Gia đình cùng nhau đi lễ chùa cầu an, nhớ về ông bà, tổ tiên đêm trừ tịch, là một trong những điều đó.

Anh Corey Compton, cư dân thành phố Woodbirdge, VA, chăm chú ngồi nhìn người bạn gái và những người Việt Nam khác đi lễ Chùa, lạy Phật. Đêm Giao Thừa Nhâm Dần 2022 là đêm trừ tịch đầu tiên ông hoà mình vào không khí đón Xuân cổ truyền của người Việt Nam. Ông nói lên cảm nhận của mình: “Tôi cảm thấy rằng tôi muốn khám phá, muốn học hỏi, muốn được biết về lịch sử phong tục của người Việt Nam. Tôi thấy mình có thêm nhiều kiến thức lắm.”

Anh Corey Compton, cư dân thành phố Woodbirdge, VA, lần đầu tiên đi lễ chùa Việt Nam.

Dù đêm đại lễ ở Trung Tâm Vạn Hạnh diễn ra trong giữa lúc đại dịch chưa hoàn toàn chấm dứt, nhưng anh Corey cảm thấy an toàn vì tất cả mọi người đều thực hiện đúng những yêu cầu an toàn phòng bệnh. “Những người đến đây đều mang khẩu trang, tôi cảm thấy rất an tâm,” anh nói.

Ở một góc của chánh điện, gia đình cậu bé Huy, chín tuổi, đến từ thành phố Sterling, Virginia, an yên, ngồi chờ buổi tụng kinh cầu an đầu năm mới. Cậu bé được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chỉ được biết về Tết cổ truyền Việt Nam trên đất Mỹ, nhưng hãnh diện trả lời rằng cậu bé hiểu Tết là gì, đó là “Tết là được lì xì.”

Cậu bé nói: “Con thích nhất là được ăn ngon và lì xì đầu năm mới. Con được lì xì vào đêm Giao Thừa.”  

Huy (áo đỏ) được ba mẹ dẫn đi chùa cầu an đầu năm mới. Cậu bé nói “Tết thích lì xì và ăn ngon.”

Huy và chị gái được ba mẹ dẫn đi chùa cầu an đầu năm mới. Cả gia đình đều thực hiện nghiêm túc qui định an toàn sức khoẻ của tiểu bang. Cả nhà họ đều mang khẩu trang và ngồi cách khoảng với những người khác trong chánh điện.

Tiếng “pháo đì đùng” vang ra từ…những chiếc loa trong chánh điện. Theo những người đi lễ chùa cho biết, hầu như các chùa ở Virginia đều đón năm mới với tiếng “pháo máy.” Có thể thấy được, đối với người Việt xa xứ, cho dù không thể vẹn toàn tìm thấy không khí như ở quê nhà, nhưng bằng tất cả lòng hoài niệm, họ cố gắng lưu giữ nhiều nhất có thể những gì mang đến mùi vị Tết xưa.

Sau buổi cùng nhau đọc kinh cầu an, là lễ phát lộc đầu năm. Đoàn người gồm Phật tử và khách thập phương viếng chùa trân trọng nhận lộc đầu năm từ các sư thầy. Không hoàn toàn được giống như phong tục hái lộc đầu năm ở Việt Nam, bắt nguồn từ tích xưa Vua Hùng hái lộc chia cho các con cùng lời dặn: “Non ở nhà, già đi ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển.” Lộc đầu năm của Trung Tâm Vạn Hạnh là một phong bì đỏ và một trái quít. Đơn giản là thế nhưng người nhận và người trao đều thành kính, trang nghiêm.

Khoảnh khắc giao thời của đất trời để kết thúc một năm cũ là giây phút thiêng liêng mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng bồi hồi chờ đợi. Sư Thầy Nhuận Tín nhắn gửi rằng: “Đại dịch làm cho chúng ta thấy và hiểu được giáo lý vô thường của Đức Phật dạy. Có thể hôm nay mình đang sống vui nhưng ngày mai có thể mình chia tay mọi người lúc nào không biết. Cho nên, nếu có thể hãy quay về nương tựa nơi Phật pháp để chuyển hoá thân tâm.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: