Đông Nam Á báo động về các tổ chức khủng bố noi theo Taliban

Cảnh sát Indonesia áp giải Zulkarnaen (áo cam), 57 tuổi – một lãnh đạo cao cấp của tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) có liên hệ với al-Qaeda – tại phi trường Jakarta hôm 16 tháng Mười Hai năm ngoái. Zulkarnaen là kẻ giữ vai trò quan trọng trong vụ đánh bom khủng bố ở Bali năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng. Ảnh Fajrin Raharjo/Pacific Press/LightRocket via Getty Images

Sự kiện tổ chức Hồi giáo cực đoan Taliban trở lại cai trị Afghanistan đang khiến các cơ quan thực thi pháp luật ở nhiều quốc gia Đông Nam Á có đông dân Hồi giáo phải cảnh giác cao độ trước nguy cơ các nhóm khủng bố địa phương trỗi dậy với cảm hứng từ Kabul.

Cuộc tấn công đẫm máu của nhóm Nhà nước Hồi giáo ISIS-K tại phi trường Kabul hôm Thứ Năm 26 Tháng Tám cho thấy mối lo này là có căn cứ.

***

Tại Indonesia, đội chống khủng bố của cảnh sát quốc gia, được gọi là Densus 88, đã bắt đầu theo dõi các phương tiện truyền thông xã hội và các nguồn thông tin khác của những người có thiện cảm với Taliban.

Indonesia, nước có lượng dân số theo Hồi giáo lớn nhất thế giới, vốn không xa lạ với chủ nghĩa khủng bố, có các nhóm cực đoan tìm cách áp đặt luật Hồi giáo thay cho hiến pháp thế tục. Các nhà chức trách Indonesia lo ngại tác động lan tỏa từ sự bất ổn ở Afghanistan.

Vài giờ trước khi nhóm cực đoan ISIS-K tiến hành vụ tấn công liều chết ở phi trường Kabul hôm Thứ Năm, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã gặp quan chức cấp cao của Taliban là Sher Mohammad Abbas Stanekzai ở Doha để kêu gọi Afghanistan “không trở thành nơi sinh sôi và nuôi dưỡng các tổ chức và hoạt động khủng bố”. Indonesia sau đó đã lên tiếng lên án vụ tấn công khiến 13 quân nhân Hoa Kỳ và hàng trăm người Afghanistan thiệt mạng.

Ông Boy Rafli Amar, người đứng đầu cơ quan Chống Khủng bố Quốc gia Indonesia, cảnh báo hôm 19 Tháng Tám: “Có những nhóm ở đất nước này đồng cảm với Taliban”. Ý kiến ​​của ông được đưa ra sau cuộc họp với Thị trưởng Gibran Rakabuming Raka của thành phố Surakarta, còn được gọi là thành phố Solo, nơi sinh sống của giáo sĩ Abu Bakar Baasyir, thủ lĩnh tinh thần của nhóm cực đoan Jemaah Islamiyah hoạt động ở khắp Đông Nam Á. Thị trưởng Gibran là con trai cả của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến ngày 20 Tháng Tám vừa qua, cảnh sát quốc gia Indonesia đã bắt giữ 58 thành viên tổ chức Jemaah Islamiyah, những người bị tình nghi lên kế hoạch tấn công khủng bố vào ngày 17 Tháng Tám, ngày Độc lập của Indonesia.

Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đe dọa các mục tiêu của chính phủ Widodo trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và du lịch để xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19.

Người nước ngoài thường bị nhắm mục tiêu trong các cuộc tấn công khủng bố ở Indonesia. Năm 2002, tổ chức Jemaah Islamiyah đã thực hiện các vụ đánh bom ở thành phố du lịch Bali khiến hơn 200 người thiệt mạng. Năm 2009, tổ chức này thực hiện nhiều vụ đánh bom nhằm vào các khách sạn hạng sang Marriott và Ritz-Carlton có nhiều khách nước ngoài cư ngụ ở thủ đô Jakarta.

Các thành viên của tổ chức Jemaah Islamiyah được huấn luyện quân sự ở Afghanistan trong những năm 1990, và nhóm này được cho là có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Cảnh sát Indonesia cũng đang theo dõi chặt chẽ Jamaah Ansharut Daulah, một nhóm địa phương cam kết trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIS.

***

Tại Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana lưu ý về vụ tấn công Kabul, cho biết đất nước của ông thường xuyên theo dõi các nhóm cực đoan trong nước. “Có Taliban hay không có Taliban, chúng tôi luôn coi chủ nghĩa cực đoan địa phương là mối quan tâm lớn. Afghanistan không phải là quốc gia duy nhất có thể khuyến khích hoặc truyền cảm hứng cho những kẻ khủng bố địa phương”, Bộ trưởng Lorenzana nói với hãng thông tấn Philippines. 

Ông Lorenzana cho biết thêm, Philippines đã ký kết các thỏa thuận chia sẻ thông tin với các nước láng giềng Indonesia và Malaysia để đề phòng các hoạt động khủng bố.

Người Hồi giáo chỉ chiếm khoảng 6% dân số Philippines, một quốc gia có đa số dân theo đạo Công giáo. Nhưng ở phía Nam đảo Mindanao, một số người Hồi giáo mong muốn thành lập một nhà nước độc lập của riêng họ theo giáo luật của Hồi giáo. Các chiến binh vũ trang của họ đã chiến đấu với quân chính phủ trong gần nửa thế kỷ.

Năm 2017, chính phủ Manila đã thực hiện một chiến dịch quân sự kéo dài năm tháng sau khi quân ly khai Hồi giáo tấn công vào Marawi, một thành phố ở Mindanao, có sự tham gia của nhóm cực đoan Abu Sayyaf. Hơn 1,100 người chết ở cả hai phía.

Khoảng 200 thành viên của các nhóm khủng bố vẫn đang ẩn nấp ở Mindanao, theo một quan chức quân sự cấp cao. Các cơ quan thực thi pháp luật cho rằng các nhóm khủng bố khó có thể lấy lại sức mạnh vì sự hỗ trợ trong nước và quốc tế đã bị cắt sau cuộc giao tranh ở Marawi. Nhưng quân đội và cảnh sát quốc gia Philippines vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ.

***

Hôm Thứ Bảy 29 Tháng Tám, cảnh sát Malaysia đã mở cuộc điều tra kết hợp với các cơ quan an ninh ở nước ngoài sau khi báo chí đưa tin hai công dân nước này đã bị Taliban bắt giữ. Cả hai người bị bắt đều được cho là có liên quan đến tổ chức ISIS-K.

Nhà chức trách Malaysia đang đề phòng nguy cơ các công dân đến Afghanistan tham chiến hoặc được huấn luyện rồi sau đó trở về nhà để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

***

Một số nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã hy vọng việc rút khỏi Afghanistan sẽ giúp cho Mỹ đóng vai trò lớn hơn trong khu vực. Sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan là một hệ quả tiêu cực của việc chuyển hướng của Mỹ.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đề cập đến các mối liên hệ giữa tổ chức Jemaah Islamiyah và al-Qaeda ở Afghanistan trong cuộc họp báo chung với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris vào ngày 23 Tháng Tám. “Những ý tưởng và năng lực cực đoan đã từ đó được xuất cảng ra khắp khu vực của chúng tôi, và chúng cũng gây ra mối đe dọa an ninh cho Singapore”, ông Lý nói.

Việc di tản người Afghanistan cùng với sự rút lui của người Mỹ và đồng minh đang làm dấy lên lo ngại ở Đông Nam Á về sự lan rộng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Báo tiếng Anh Jakarta Post của Indonesia cho biết, người Afghanistan đã trở thành nhóm người tị nạn lớn nhất được Indonesia tiếp nhận, có 7,490 người tị nạn Afghanistan đang cư trú tại nước này.

(theo Asia Nikkei)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: