Trung Quốc giao hỏa tiễn phòng không cho Serbia, phương Tây lo ngại

Quân đội Trung Quốc phóng hỏa tiễn đất đối không trong cuộc tập trận cùng với Nga ở Tân Cương năm 2018 Ảnh TPG/Getty Images

Trung Quốc vừa chuyển giao cho Serbia – một đồng minh của Nga ở bán đảo Balkan thuộc nước Nam Tư cũ – một hệ thống hỏa tiễn phòng không tinh vi có thể đe dọa nền hòa bình mong manh trong khu vực.

Hãng tin AP và các hãng tin phương Tây hôm Chủ Nhật 10 Tháng Tư cảnh báo, việc chuyển giao vũ khí của Trung Quốc được thực hiện trong một chiến dịch được che giấu cẩn thận hôm Thứ Bảy vừa qua.

Các chuyên gia quân sự và truyền thông cho biết sáu máy bay vận tải quân sự cỡ lớn Y-20 mang phù hiệu của Không quân Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay dân sự mang tên Nikola Tesla ở Belgrade, thủ đô Serbia, vào đầu ngày Thứ Bảy, được cho là mang theo hệ thống hỏa tiễn đất đối không HQ-22 cho quân đội Serbia.

Trang tin trực tuyến chuyên về quân sự The Warzone cho biết: “Sự xuất hiện của phi cơ Y-20 gây ngạc nhiên bởi vì chúng bay thành đàn chứ không bay từng chiếc riêng lẻ như nhiều hoạt động trước đây. Sự có mặt của Y-20 ở châu Âu, dù với số lượng nào, cũng là một sự kiện tương đối mới”.

Để tới được Serbia, phi cơ quân sự Trung Quốc phải bay qua lãnh thổ của ít nhất hai nước thành viên Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria; cho nên chuyến bay cuối tuần qua của nhóm phi cơ Y-20 được các chuyên gia coi là một minh chứng cho tầm hoạt động toàn cầu đang tăng lên của Trung Quốc.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic – người vừa tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống cuối tuần trước – xác nhận việc Trung Quốc chuyển giao cho Serbia hệ thống phòng không tầm trung đã được hai nước bàn bạc thống nhất vào năm 2019. Hôm Thứ Bảy ông Vucic nói rằng ông sẽ giới thiệu “niềm tự hào mới nhất” của quân đội Serbia vào Thứ Ba hoặc Thứ Tư.

Trước đó, ông ta nhiều lần phàn nàn rằng các nước NATO – mà hầu hết láng giềng của Serbia đều là thành viên – đã từ chối cho phép các chuyến bay chở hệ thống vũ khí này bay qua lãnh thổ của họ trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine đang diễn ra căng thẳng. Phương Tây lo ngại việc tích trữ vũ khí ở bán đảo Balkan vào thời điểm diễn ra cuộc chiến ở Ukraine có thể là một mối đe dọa. 

Mặc dù Serbia bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án các cuộc tấn công đẫm máu của Nga ở Ukraine, nhưng nước này đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại đồng minh Moscow hoặc chỉ trích thẳng thắn những hành động tàn bạo rõ ràng của quân đội Nga.

Từ năm 2020, Mỹ đã cảnh báo Belgrade về việc mua các hệ thống phòng không HQ-22, phiên bản xuất khẩu được gọi là FK-3, của Trung Quốc. Họ nói nếu Serbia thực sự muốn gia nhập Liên minh châu Âu EU và các liên minh phương Tây khác, nước này phải mua sắm thiết bị quân sự theo tiêu chuẩn phương Tây.

Hệ thống hỏa tiễn HQ-22 của Trung Quốc thường được so sánh với hệ thống hỏa tiễn Patriot lừng danh của Mỹ hoặc hệ thống hỏa tiễn đất đối không S-300 của Nga mặc dù nó có tầm bắn ngắn hơn so với hệ thống S-300s tân tiến hơn. Serbia có thể là nước châu Âu đầu tiên sử dụng hỏa tiễn phòng không của Trung Quốc.

Sau khi Liên bang Nam Tư tan rã, Serbia đã gây chiến tranh với các nước láng giềng vào những năm 1990. Mặc dù đang tìm cách gia nhập và trở thành thành viên EU, gần đây Serbia đã tăng cường lực lượng vũ trang bằng vũ khí mua của Nga và Trung Quốc, bao gồm phi cơ chiến đấu, xe tăng và các quân trang khác.

Năm 2020, Serbia đã tiếp nhận phi cơ không người lái chiến đấu Chengdu Pterodactyl-1, được biết đến với tên gọi Wing Loong ở Trung Quốc. Máy bay không người lái này có thể tấn công mục tiêu bằng bom và hỏa tiễn và có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ trinh sát.

Phương Tây lo ngại việc Nga và Trung Quốc trang bị vũ khí cho Serbia có thể khuyến khích quốc gia Balkan này gây ra một cuộc chiến khác, đặc biệt là chống lại Kosovo – một tỉnh trước đây của họ đã ly khai và tuyên bố độc lập năm 2008. Serbia, Nga và Trung Quốc không công nhận tư cách quốc gia của Kosovo, trong khi Hoa Kỳ và hầu hết các nước phương Tây đều đã công nhận như vậy.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: