Trung Quốc cấm viên chức dùng iPhone tại nơi làm việc

Một cửa hàng Apple tại Thượng Hải (ảnh: CFOTO/Future Publishing/Getty Images)

Hạn chế sử dụng các thiết bị iPhone là bước đi mới nhất trong chiến dịch của Bắc Kinh nhằm giảm sự lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến thành công của Apple tại Trung Quốc (TQ).

Những người biết rõ về động thái mới của TQ cho biết các quan chức tại các cơ quan chính phủ trung ương đã được thông báo không mang vào văn phòng iPhone của Apple và các thiết bị mang nhãn hiệu nước ngoài khác để sử dụng. Trong những tuần gần đây, các nhân viên chính phủ đã được cấp trên hướng dẫn về những hạn chế mới trong các nhóm thảo luận hoặc tại các cuộc họp cơ quan.

Chỉ thị này là bước đi mới nhất của Bắc Kinh trong chiến dịch giảm mạnh sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tăng cường an ninh mạng, không cho các luồng thông tin nhạy cảm từ bên ngoài vào TQ. Không rõ hạn chế mới phủ trùm đến đâu, nhưng các nhân viên tại một số cơ quan quản lý chính phủ trung ương đã được nhắc nhở phải chấp hành đầy đủ. Thật ra, trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã giới hạn việc sử dụng iPhone để làm việc tại một số cơ quan trọng yếu, nhưng nay lệnh này được mở rộng và sẽ được thực thi nghiêm ngặt hơn.

Động thái của Bắc Kinh có thể tác động rất xấu đến doanh số của các thương hiệu công nghệ nước ngoài đang bán tại TQ, gồm cả Apple. Apple đang thống trị thị trường điện thoại thông minh cao cấp tại TQ và TQ là một trong những thị trường lớn nhất của hãng, chiếm khoảng 19% tổng doanh thu.

Apple gần như chiếm lĩnh thị trường điện thoại thông minh có giá trên $600 mỗi chiếc tại TQ trong những năm gần đây sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất điện thoại 5G của đối thủ Huawei Technologies (do không có chip tiên tiến). Gần đây Huawei đã tung ra mẫu điện thoại cao cấp nhanh hơn để thách thức Apple.

Một trong những lợi thế cạnh tranh của iPhone là tính năng bảo mật và quyền riêng tư. Năm 2016, Apple đã có cuộc chiến pháp lý với Bộ Tư pháp Mỹ về chiếc iPhone của một kẻ khủng bố đã chết khi FBI muốn Apple giúp mở khóa thiết bị nhưng Apple không đồng ý.

Hạn chế mới của TQ phản ánh các lệnh cấm tương tự của Mỹ đối với Huawei và ứng dụng TikTok do TQ sở hữu. Cả hai siêu cường đều lo ngại về rò rỉ dữ liệu trong bối cảnh an ninh quốc gia ngày càng được quan tâm và mối quan hệ giữa hai quốc gia đang xuống gần mức thấp nhất từ vài năm nay. Nhà lãnh đạo TQ Tập Cận Bình xem an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu khi sự cạnh tranh với Mỹ ngày càng tăng mà cụ thể là thắt chặt kiểm soát các hoạt động dữ liệu và kỹ thuật số trong những năm gần đây.

Tháng Bảy qua, TQ bắt đầu mở rộng luật chống gián điệp. Bắc Kinh kêu gọi các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước nhanh chóng thay thế công nghệ nước ngoài bằng công nghệ nội địa, từ máy tính, hệ điều hành đến phần mềm an toàn, có thể kiểm soát được. Năm 2021, chính phủ TQ cấm quân nhân và nhân viên chủ chốt của các công ty nhà nước sử dụng xe Tesla, với lý do dữ liệu mà những chiếc xe này thu thập có thể gây hại cho an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, xe Tesla vẫn tiếp tục bán chạy ở TQ. Chính phủ TQ yêu cầu một số công ty, gồm cả công ty nước ngoài, phải lưu trữ dữ liệu được thu thập tại bên trong TQ. Hệ quả, Apple, Tesla và một số công ty phương Tây khác đã xây dựng các trung tâm dữ liệu ở TQ. Nhưng động thái này vẫn không đủ xoa dịu những lo ngại của Bắc Kinh về an ninh quốc gia. Những nỗ lực của tăng cường an ninh mạng của TQ đã có từ năm 2003 khi Edward Snowden tiết lộ Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National Security Agency-NSA) xâm nhập vào mạng máy tính của TQ.

Một trong những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm thay thế công nghệ nước ngoài tại các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương cũng như các ngành công nghiệp quan trọng khác được biết đến rộng rãi với tên gọi “Xinchuang” (新創, “tân sang” – đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin).

Cả TQ và một số chính phủ phương Tây đã ban hành một loạt lệnh cấm đối với nhiều thiết bị và công nghệ do phía bên kia sản xuất. Cuối năm ngoái, Mỹ áp đặt thêm hạn chế xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip và bán dẫn tiên tiến để công nghệ Mỹ không thể giúp tăng sức mạnh quân sự của TQ. Vào Tháng Một qua, ông Tập kêu gọi các nhà hoạch định chính sách TQ tập trung phát triển chuỗi cung ứng công nghệ độc lập và có thể kiểm soát được. Hoa Kỳ cũng đặt ra các hạn chế đối với thiết bị liên lạc do các công ty TQ sản xuất, gồm cả Huawei, gã khổng lồ công nghệ mà Washington xem là mối đe dọa an ninh quốc gia và làm gián điệp cho Bắc Kinh.

Nhiều tiểu bang của Mỹ cấm công chức sử dụng ứng dụng video ngắn TikTok trên các thiết bị phục vụ công việc như điện thoại và máy tính xách tay (và trong một số trường hợp trên mạng Wi-Fi của tiểu bang). Các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa ra các dự luật cấm TikTok trên toàn quốc hoặc cho phép chính phủ có nhiều quyền hạn hơn để làm điều đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: